Ý tưởng siêu sáng tạo: Xây dựng khu triển lãm từ... chai nhựa "tái sinh"
Bạn làm gì với những chai nhựa đã qua sử dụng? Ném vào sọt rác hay bán đồng nát? Hãy đọc bài viết sau đây để sử dụng chúng vào những việc hữu ích hơn nhé!
Mỗi năm hơn 8000 tấn nhựa bị thải ra các đại dương và phải mất 1000 năm để phân hủy. Thực tế này đang đặt ra thách thức rất lớn về vấn đề môi trường cho toàn thế giới.
Tuy nhiên, trong khi nhiều người đang đau đầu với vấn đề rác thải nhựa thì với một số người, đây lại là nguồn nguyên liệu quý giá. Đó là nhờ vào những ý tưởng sáng tạo trong tái chế rác thải.
Từ trang phục thể thao
Trong mùa giải 2013 – 2014, hãng sản xuất đồ thể thao Nike đã gây ra nhiều tranh luận khi tuyên bố họ đã sản xuất hàng loạt áo thi đấu bóng đá từ các chai nhựa thải.
Theo đại diện của Nike, họ cần dùng khoảng 8 chai nhựa để làm ra một chiếc áo. Quá trình sản xuất bắt đầu bằng việc làm sạch những chai nhựa này rồi nghiền chúng thành mảnh nhỏ. Sau đó, những mảnh nhựa thu được sẽ qua xử lý hóa học để chuyển thành polyester trước khi được kéo thành sợi vải.
Nhà sản xuất Nike khẳng định người sử dụng những chiếc áo từ chai nhựa tái chế này thấy không khác gì so với các loại áo truyền thống. Chi phí sản xuất giữa hai loại cũng không chênh lệch đáng kể. Thậm chí, đại diện Nike cho rằng giá thành “áo nhựa” sẽ còn giảm xuống nhờ tiết kiệm được nguyên liệu.
Không chỉ tạo ra xu thế sản xuất mới, cách làm này của Nike đã giảm được 254 tấn lượng nhựa thải ra môi trường mỗi năm.
Nike đã cung cấp loại áo này cho tất cả các đội bóng tham dự World Cup 2014 mà hãng tài trợ. Từ năm 2016, câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng Barcelona FC đã là khách hàng trung thành của loại trang phục thi đấu này.
Hãng Adidas, đối thủ cạnh tranh của Nike cũng không đứng ngoài cuộc chơi. Hãng này cam kết đến hết năm 2017 sẽ cho ra đời một triệu đôi giày thể thao UltraBOOST làm từ rác thải nhựa trên biển. Điều này đồng nghĩa với 11 triệu chai nhựa sẽ được thu thập và tái chế.
Đến vật liệu xây dựng
Tại hội thảo chia sẻ về kinh nghiệm bảo vệ môi trường và công nghệ xử lý nước thải của Đài Loan (Trung Quốc) trong khuôn khổ triển lãm VIETWATER 2017, tiến sĩ Chun-hsu Lin, một chuyên gia hàng đầu về kinh tế tuần hoàn của Đài Loan đã đề cập đến khu triển lãm EcoARK như biểu tượng về tái chế rác thải.
Được xây dựng để làm khu trưng bày cho hội chợ Hoa cây cảnh quốc tế Đài Bắc 2010, EcoARK có chi phí xây dựng 3 triệu đô la với thành phần chính là 1.5 triệu chai nhựa tái chế. Tòa nhà sử dụng năng lượng Mặt Trời và tuân thủ tối đa theo tiêu chí 3 R: “Reduce, Reuse, and Recycle.” (tạm dịch: “Tiết kiệm, Tái sử dụng, Tái chế”).
Nguyên liệu sử dụng để xây dựng EcoARK là loại “gạch nhựa” đặc biệt do công ty Miniwiz sản xuất. Loại gạch này được tạo ra bằng cách nấu chảy các chai nhựa thải và tạo hình lại để chúng có thể xếp khít với nhau.
Nhờ đó, chỉ cần thêm một lượng nhỏ silicon là những viên gạch này đã có thể gắn chặt với nhau thành khối vững chắc. Theo nhà sản xuất Miniwiz, loại nguyên liệu này cũng có thể được sử dụng ở quy mô nhỏ hơn như bồn hoa, tường bao.
Sau khi được ghép lại thành tấm phẳng, những tường “gạch nhựa” này sẽ được phủ một lớp tấm chống nước, chống nhiệt. Đáng chú ý, mặc dù có khối lượng chỉ bằng một nửa so với các công trình tương tự nhưng EcoARK có thể chống chọi hiệu quả với động đất và bão lốc với sức gió lên đến 130 km/h.
Ngoài ra, theo các kiến trúc sư, mặc dù có chiều dài 130 mét nhưng EcoARK có thể được tháo rời và di chuyển dễ dàng như những món đồ chơi Lego.
Với những ưu điểm vượt trội kể trên, loại vật liệu này hứa hẹn tạo ra một tương lai mà con người không còn phải lo nghĩ đến việc xử lý rác thải nhựa.
Phạm Sơn - Báo Khám phá