Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Lối ra nào cho giao thông đô thị TP.HCM?

Theo dự đoán của tập đoàn Boston Consulting Group (BCG), đến năm 2022, phương tiện giao thông tại TP.HCM sẽ phải di chuyển với tốc độ 10km/h vì ùn tắc. Dự báo này một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về thực trạng giao thông đô thị tại Việt Nam.

Tuy nhiên, làn sóng Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong thời đại toàn cầu hóa đang mở ra nhiều cánh cửa để giải quyết vấn nạn này.

TP.HCM không còn giờ cao điểm vì giờ nào cũng là cao điểm

"TP. HCM không còn giờ cao điểm"

Tính đến ngày 15/5/2017, hạ tầng TP. HCM đã bị quá tải với số lượng phương tiện lưu thông lên đến gần 8.2 triệu, trong đó có gần 650.000 ô tô - tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2016. Tốc độ đô thị hoá quá nhanh khiến các tuyến đường trở nên quá tải.

Mật độ lưu thông dày đặc đi kèm với lượng phương tiện cá nhân không ngừng gia tăng lại càng tạo áp lực nặng nề lên hệ thống hạ tầng giao thông thành phố.

Cũng theo báo cáo của tập đoàn BCG nêu trên, trung bình mỗi ngày, người tham gia giao thông ở Hà Nội lãng phí khoảng 51 phút vì nạn ùn tắc. Tại TP. HCM con số cũng không hề khả quan hơn, dao động từ 30 phút đến 2 tiếng mỗi ngày. Việc di chuyển diễn ra khó khăn nên bất kì một sự cố nào xảy ra trên đường như tai nạn, ngập, mất tín hiệu đèn giao thông… đều có thể gây ùn tắc cả khu vực nếu không được xử lý kịp thời.

Anh Trịnh Đức Hoà, tài xế xe tải chia sẻ: "Trước đây, tôi thường xuyên nghe radio cập nhật những điểm nóng ùn tắc để tránh chạy vào các tuyến đường đó. Thế nhưng bây giờ thì điểm nào trong thành phố cũng là điểm ‘nóng’ - nhất là những dịp lễ tết. Anh em tài xế thường đùa với nhau, giờ đây TP.HCM không có giờ cao điểm vì giờ nào cũng là cao điểm! Tình trạng kẹt xe diễn ra quá kinh hoàng".

Không chỉ bất cập khi di chuyển trên đường, nhiều người dân còn gặp khó khăn trong việc tìm nơi đậu xe và gửi xe tại các khu vực trung tâm thành phố, nhất là đối với xe ô tô. Kết quả từ nghiên cứu của tập đoàn BCG cho thấy, để đáp ứng nhu cầu đậu xe của các phương tiện, TP.HCM cần một diện tích đậu xe gấp đôi sân bay Tân Sơn Nhất.

Với cơ sở hạ tầng hiện tại, đây là yêu cầu "bất khả thi". Bên cạnh đó, xét về mặt ô nhiễm môi trường, tổng lượng khí thải CO2 từ các phương tiện giao thông tại TP.HCM hàng năm có thể lấp đầy 8.000 tòa nhà Bitexco và con số này được dự đoán sẽ gia tăng liên tục trong những năm kế tiếp.

Xét về mặt ô nhiễm môi trường, tổng lượng khí thải CO2 từ các phương tiện giao thông tại TP.HCM hàng năm có thể lấp đầy 8.000 tòa nhà Bitexco

Giải "bài toán giao thông" bằng chia sẻ phương tiện

Có thể nói, sự phát triển của công nghệ đã mở ra nhiều cánh cửa để giải quyết nạn kẹt xe tại các thành phố lớn. Một ví dụ điển hình là công cụ lên kế hoạch hành trình online (Journey Planner) giúp các nhà cung cấp phương tiện ở London chia sẻ thông tin cho cộng đồng tham gia giao thông.

Ở nhiều quốc gia từ Âu sang Á, chính phủ không ngừng nghiên cứu và thử nghiệm những công nghệ mới để tìm ra "cứu tinh" cho thực trạng giao thông.

Hệ thống không những phản ánh mật xe độ lưu thông trên từng chặng đường trong thành phố mà còn gợi ý cho người dùng lựa chọn phương tiện di chuyển khác nhau. Ở nhiều quốc gia từ Âu sang Á, chính phủ không ngừng nghiên cứu và thử nghiệm những công nghệ mới để tìm ra "cứu cánh" cho thực trạng giao thông.

Tại Việt Nam, ảnh hưởng từ làn sóng Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã bắt đầu len lỏi trong mọi mặt đời sống và giao thông không phải là ngoại lệ. Sự phát triển của những hình thức chia sẻ phương tiện thông qua ứng dụng cài đặt trên điện thoại như Uber đã mang đến những tín hiệu tích cực trong "cuộc chiến" chống lại ùn tắc.

Bằng cách kết nối người sở hữu phương tiện với người có nhu cầu đi lại, chia sẻ xe góp phần tối ưu hóa hiệu suất của mỗi xe lưu thông trên đường phố, qua đó giảm bớt tình trạng "ô tô chạy rỗng", "bốn bánh chở một người".

Với những khảo sát BCG công bố, 42% người dân ở TP. HCM tin rằng hình thức chia sẻ phương tiện như mô hình hoạt động của Uber hoàn toàn có thể thay thế cho ô tô cá nhân.

Điều này đồng nghĩa, nếu việc chia sẻ phương tiện trở thành lựa chọn phổ biến và được ưu tiên trong giờ cao điểm thì lượng ô tô lưu thông trên đường sẽ giảm đến 27%.

Đây là con số đáng mơ ước trong việc xử lý vấn nạn giao thông vì theo ước tính, TP.HCM chỉ cần duy trì khoảng 70% số lượng ô tô cá nhân hiện tại là đủ để phục vụ nhu cầu di chuyển của hơn 8 triệu dân tại đây.

Nhìn ở một góc độ khác, việc chia sẻ phương tiện có thể xem là giải pháp bổ sung cho phương tiện công cộng, đóng vai trò là phương tiện trung gian giúp đưa người dân từ nhà đến các điểm đón trả xe buýt, tàu điện ngầm...

Ngoài ra giải pháp mới mẻ này còn góp phần vào việc giải quyết vấn đề đậu và gửi xe. Nghiên cứu của tập đoàn BCG chỉ ra, nếu lượng xe cộ lưu thông giảm khoảng 30% nhờ vào phương án chia sẻ phương tiện, áp lực từ việc đỗ xe cũng giảm bớt, tương đương với việc TP.HCM tiết kiệm được diện tích đậu xe gấp 17 lần Thảo Cầm Viên.

Như vậy, đã đến lúc nhìn nhận lại một cách nghiêm túc vai trò của từng cá nhân trong cuộc chiến chống lại ùn tắc. Đây là một bài toán phức tạp cần giải pháp phối hợp từ ngắn hạn đến dài hạn, từ người dân đến chính phủ, từ cải tiến cơ sở hạ tầng đến tích hợp công nghệ mới từ Cách mạng công nghiệp 4.0.

Với chiếc smartphone trên tay, mỗi người đều có thể tận dụng "quyền lực" công nghệ để giảm lượng phương tiện cá nhân trên đường chỉ với một nút chạm, góp một tay vào công cuộc thay đổi bộ mặt của giao thông tại thành phố mà chúng ta sinh sống.

Thế Trung - Báo Tuổi trẻ

See this gallery in the original post