Chính sách hỗ trợ ĐMST: Cần thay đổi “luật chơi”
Đổi mới sáng tạo (ĐMST) của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam được đánh giá ở mức rất thấp trong khu vực và trên toàn thế giới, thậm chí đầu tư cho R&D còn xếp sau một số nước như Lào, Campuchia.
Không những thế, rất khó đánh giá được hiệu quả thực sự của các chương trình hỗ trợ cho ĐMST hiện nay, bởi hầu như các chương trình không được thực hiện theo những khung logic xác định ngay từ đầu, với các chỉ tiêu, chỉ số có thể đo lường được.
Hai báo cáo nghiên cứu mới được công bố của Worldbank, gồm "Việt Nam: Tăng cường năng lực cạnh tranh và liên kết của doanh nghiệp vừa và nhỏ, bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế" và "Việt Nam trước ngã rẽ: Tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu thế hệ mới", đã cho thấy những điểm mấu chốt cần thay đổi trong các hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời, đưa ra khuyến nghị để thay đổi cơ chế đòn bẩy hiện nay.
Năng suất không thấp nhưng đổi mới sáng tạo yếu
Trái ngược với nhiều lo lắng về năng suất của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam thấp, các báo cáo này chỉ ra, năng suất lao động của các doanh nghiệp này ở Việt Nam có thể sánh được với các nước ở khu vực châu Á.
Chẳng hạn như, các doanh nghiệp trung vị [1] tạo ra khoảng 10.500 USD giá trị gia tăng trên mỗi công nhân. Mức này tương đương với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, cao hơn Ấn Độ mặc dù thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế BRIC gồm nhóm 6 nước Brasil, Nga, Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc và Nam Phi (Hình 1).
Lý giải về vấn đề này, nhóm tác giả cho rằng, năng suất của các doanh nghiệp Việt Nam khá cao không phải do đổi mới công nghệ và quản lý mà một phần là do mức độ thâm dụng vốn lớn hơn so với các nước Đông Nam Á khác và ngày càng tăng, và năng suất vốn ở Việt Nam cũng được đánh giá thấp hơn tất cả các nước ở Đông Nam Á hay trong nhóm BRIC. Nếu chỉ thâm dụng vốn và lao động mà không có đổi mới sáng tạo thì các sản phẩm của Việt Nam rất khó nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Đổi mới sáng tạo ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam vẫn ở mức rất thấp so với các nước trong khu vực. Báo cáo chỉ ra điều này sau khi khảo sát về các loại hình đổi mới (như đổi mới sản phẩm, đổi mới quy trình, đổi mới tổ chức) cũng như các biện pháp cải tiến đầu vào (như các hoạt động R&D).
Do vậy, mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam đang cố gắng cải tiến sản phẩm và quy trình sản xuất của mình không kém gì các doanh nghiệp cùng ngành ở các nước khác trong khu vực, nhưng lại hiếm khi giới thiệu những sản phẩm mới và có những chức năng hoàn toàn mới so với các sản phẩm hiện có ra thị trường.
Cũng theo báo cáo, Việt Nam ở vị trí trung bình về tỉ lệ các công ty gần đây cải tiến quy trình hoạt động (như phương pháp sản xuất/giao nhận, bảo trì, việc thu mua, kế toán) nhưng tỉ trọng số tiền trung bình doanh nghiệp thực chi cho R&D trong tổng doanh thu vẫn thấp hơn hầu hết các nước Đông Nam Á khác và ít doanh nghiệp ở Việt Nam đầu tư vào những nghiên cứu đã được cấp phép hay cấp bằng sáng chế.
Cụ thể, khoảng 23% doanh nghiệp Việt Nam tuyên bố đã giới thiệu một sản phẩm hay dịch vụ mới hoặc được cải thiện đáng kể trong vòng ba năm trở lại. Trong khi đó, các quốc gia như Campuchia và Philippines có tỉ lệ này là trên 30%. Số tiền đầu tư cho nghiên cứu và phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam (chiếm 1,6% doanh thu hằng năm) thấp hơn ở Lào (14,5%), Philippines (3,6%), Malaysia (2,6%) và Campuchia (1,9%).
Báo cáo cũng cho thấy, các công ty trong nước có mối quan hệ và liên kết tốt với các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia có động lực lớn hơn để đổi mới nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn được chấp nhận trên toàn cầu đối với sản phẩm của họ. Cụ thể, với những doanh nghiệp này, trong ba năm vừa qua đã có những đổi mới sản phẩm/quy trình và dành ngân sách cho R&D nhiều gấp đôi doanh nghiệp không liên kết.
Hỗ trợ cho ĐMST: Thiếu khung logic và các chỉ tiêu được lượng hóa
Báo cáo tập trung phân tích các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và phát triển liên kết ở Việt Nam gồm các chương trình cấp nhà nước, hiện đang được ba Bộ chủ chốt điều hành – Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và Bộ Khoa học và Công nghệ – để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, và không bao gồm các chương trình của khu vực tư nhân, chính quyền địa phương hoặc các tổ chức phi chính phủ.
Trong tổng số các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, có tới gần 40% chương trình tập trung vào hỗ trợ đổi mới sáng tạo, trong đó, chủ yếu tập trung vào sản phẩm, với mục tiêu phát triển các sản phẩm công nghệ cao. Đồng thời, các chương trình cũng tập trung vào giải quyết vấn đề khó khăn trong tiếp cận tài chính, thiếu kỹ năng, thiếu thông tin doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ…
Trên thực tế, những chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ nói chung, hỗ trợ dành cho đổi mới sáng tạo nói riêng rất nhiều, thậm chí còn rất khó thống kê nếu tính đến các chương trình ở cấp độ địa phương (bởi mỗi địa phương đều có một loạt các chương trình hỗ trợ khác nhau).
Tuy nhiên, các chương trình này “đều chung chung, hầu như không có khung phân tích, không có một cơ chế để theo dõi, không có chỉ tiêu chỉ số gì để giám sát, đánh giá hiệu quả, chương trình đạt mục tiêu hay không”, theo anh Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), người đứng đầu nhóm tham gia vào khảo sát các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam cho hai báo cáo trên của Worldbank.
Cụ thể, một nửa số chương trình và chính sách (hiện đang hoạt động) không có kế hoạch giám sát và đánh giá (dù là hoàn chỉnh hay chưa). Còn những chương trình ít nhất có các chỉ tiêu mục tiêu liên quan đến giám sát và đánh giá trong giai đoạn thiết kế thì lại tiếp tục vấp phải những vấn đề chủ yếu như: Các mục tiêu không thể đo lường; Thiếu tiêu chí để xác định đầu ra/kết quả mong muốn: không rõ tiêu chí nào đã được sử dụng để xác định mục tiêu “thành công”.
Ví dụ, Chương trình Phát triển Thị trường trong nước (Quyết định số 634/QĐ-TTg) đặt mục tiêu là liên kết nhà cung cấp nội địa với người tiêu dùng trong nước thông qua các chiến dịch thông tin và xây dựng điểm bán hàng trên toàn quốc. Mặc dù đầu ra có liên kết chặt chẽ với mục tiêu của chương trình nhưng các mục tiêu lại không thực tế (ví dụ 100% người tiêu dùng và doanh nghiệp biết về chiến dịch đến năm 2020) hoặc thiếu một chuẩn đối sánh.
Ví dụ 80% thị phần của hàng hoá trong nước trong các kênh phân phối truyền thống ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa nhưng 80% thị phần này có thể đạt được kể cả không có chương trình, do ngay từ đầu các địa điểm này đã không tiếp cận được với thị trường nước ngoài.
Vì thế, “ba yếu tố rất quan trọng để đánh giá ‘hậu kỳ’ các chương trình, gồm: đã làm được những gì (impact và outcome), đâu là bài học rút ra, và tính bền vững của chương trình - sau khi nhà nước hết hỗ trợ thì không thể ‘đo đếm’ được”, anh Phan Đức Hiếu nói.
Chỉ có “ngoại lệ” đối với các chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo được thực hiện bởi các bộ ngành của Việt Nam dưới sự hỗ trợ, kết hợp của các đối tác là những cơ quan uy tín ở các nước phát triển, là có khung logic để thực hiện chương trình ngay từ đầu và có khả năng giám sát, đánh giá kết quả đầu ra.
Mặt khác, các chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo ở Việt Nam hiện nay còn có trùng lặp, có thể cùng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ cả, nhưng các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ đều hỗ trợ ở các khía cạnh khác nhau.
Như vậy sẽ cần có một cơ chế phối hợp, một cơ quan điều phối chung, để kết hợp giữa các chương trình với nhau, đảm bảo các chương trình không trùng lặp, lại không có kẽ hở, đạt được mục tiêu chiến lược quốc gia chung để phát triển, theo nhóm nghiên cứu.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cho rằng, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay đều đã chỉ ra được điểm yếu của doanh nghiệp là “yếu sáng tạo” nhưng lại chưa trả lời chính xác được câu hỏi “yếu sáng tạo cái gì?” hay “yếu ở khâu nào?” từ đó có hỗ trợ đổi mới sáng tạo phù hợp.
Thay đổi luật chơi: Chuyển từ “chọn/hỗ trợ người chơi” sang “hỗ trợ đầu ra”
Theo anh Phan Đức Hiếu, chúng ta cần nghiên cứu, thay đổi cách thức hỗ trợ. Hiện nay, các chương trình hỗ trợ ĐMST đang hỗ trợ theo cách “picking up the winner”, tức là, ví dụ trong số 500.000 doanh nghiệp, chúng ta xác định ra tiêu chí, sau đó khoanh vùng rồi “nhặt ra” ra những doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí để hỗ trợ. Nhưng cách làm này đã bộc lộ nhiều nhược điểm không phù hợp.
Thứ nhất là có thể sẽ không đảm bảo tính công bằng, minh bạch, bởi vì quá trình lựa chọn doanh nghiệp sẽ buộc sinh ra thủ tục hành chính lựa chọn, để theo dõi khoản hỗ trợ đó được thực hiện như thế nào.
Thứ hai, khó lòng biết được liệu rằng kết quả có đạt được như mong đợi hay không. “Nếu tôi đưa tiền cho anh, yêu cầu anh nghiên cứu nhưng sau 5 năm không nghĩ ra được sản phẩm gì (vì không thể nghĩ được, chứ không phải doanh nghiệp họ tiêu đi), thì trong trường hợp đó giải quyết thế nào?”, anh Phan Đức Hiếu nói.
Do đó, nhóm nghiên cứu đề xuất chuyển sang hình thức hỗ trợ theo kết quả đầu ra. Nghĩa là, với cùng một mức kinh phí như hiện nay, nhưng các chương trình có thể chuyển sang hình thức hỗ trợ đăng ký sản phẩm sáng tạo.
Chẳng hạn, một doanh nghiệp có sáng tạo và đăng ký bảo hộ tại Cục sở hữu trí tuệ, hoặc đăng ký thương hiệu sẽ được hỗ trợ những khoản chi phí nhất định trong khoảng thời gian 5 năm hoặc 10 năm.
Hình thức này được đánh giá là mang tính “thị trường”, hiệu quả và công bằng, bởi vì nó đảm bảo cả hai bên (nhà nước và doanh nghiệp) cùng vận động bằng nguồn lực của mình để tạo ra kết quả, đồng thời không mất chi phí hành chính và thời gian lựa chọn.
Để chuyển đổi sang hình thức hỗ trợ theo kết quả đầu ra này, cần phải rà soát lại các chương trình đang hỗ trợ hiện nay, xác định vấn đề, phương pháp hỗ trợ, nhóm nghiên cứu khuyến nghị. Và hai phương pháp hỗ trợ cũ và mới này có thể thực hiện song song chứ không loại trừ nhau.
Mặt khác, nhà nước nên tập trung vào các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp như hỗ trợ kiểm soát chất lượng, đảm bảo thực hiện cam kết trách nhiệm của doanh nghiệp Việt Nam, giúp thu thập và công khai hóa thông tin doanh nghiệp.
“Trên thực tế, chúng ta đã có sẵn các nội dung này, nhưng hoạt động chưa thực chất. Ví dụ, mình tạo ra một trang vàng có danh bạ điện thoại thì không có ý nghĩa. Mà thông tin doanh nghiệp phải có những yếu tố mà đối tác cần, đó là hiện nay anh sản xuất được sản phẩm gì, có khả năng sản xuất với quy mô bao nhiêu, chất lượng sản phẩm như thế nào, quy trình công nghệ và thực tiễn đang xử lý ra sao, các giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm như thế nào nếu so sánh với toàn cầu, đội ngũ nhân công ra sao, chúng ta có khả năng sản xuất những sản phẩm nào tương tự… Tới đây những thông tin đó cần phải được thu thập đầy đủ, thực chất, mới có thể hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, liên kết để tăng cường đổi mới sáng tạo, tăng sức cạnh tranh”, anh Phan Đức Hiếu nói.
Theo Thu Quỳnh - Báo Tia sáng