Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Thưởng đến 200 triệu cho bài viết khoa học công bố quốc tế

ĐH Kinh tế TP.HCM đã công bố tài trợ tối đa 200 triệu đồng cho bài nghiên cứu công bố quốc tế trên các tạp chí khoa học ISI/Scopus. Nhiều trường khác cũng có những chính sách khuyến khích bằng tài chính.

Nghiên cứu viên tại phòng thí nghiệm nghiên cứu cấu trúc vật liệu Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) - một trong những đơn vị có nhiều bài báo công bố quốc tế hằng năm - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Nhà trường còn hỗ trợ 10 triệu đồng/đề tài khi viết thuyết minh đấu thầu đề tài cấp nhà nước, đề tài NAFOSTED; hoặc 35 triệu đồng/đề tài nếu đề tài không được chấp thuận và chuyển thành đề tài cấp trường.

Nhiều trường ĐH khác cũng đã treo thưởng từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng cho giảng viên có bài báo công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế. Chính sách này có phải là giải pháp tối ưu để thúc đẩy nghiên cứu khoa học của trường ĐH?

Sẵn sàng đầu tư tiền tỉ

Từ đầu năm 2017, ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng đã áp dụng chính sách thưởng cho giảng viên có bài báo đăng trên các tạp chí khoa học ISI/Scopus với mức 30 triệu đồng/bài (trước đó, mức thưởng là 8 triệu đồng/bài). 

"Đối với đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường thường được hỗ trợ khoảng 60 triệu đồng. Nhưng để khuyến khích các đề tài mang tính thực tiễn, nhà trường sẵn sàng đầu tư đến 2 tỉ đồng hỗ trợ chuyển giao công nghệ", TS Nguyễn Thiên Tuế - hiệu trưởng nhà trường - cho hay.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn - phó hiệu trưởng phụ trách ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - cho biết: "Năm học này, trường chúng tôi tăng mức đầu tư kinh phí cho hoạt động nghiên cứu khoa học lên 200% với 2 tỉ đồng. Trường cũng đưa ra chính sách mới khuyến khích nghiên cứu khoa học trong giảng viên và sinh viên. 

Theo đó, giảng viên có bài báo đăng tải trên các tạp chí khoa học uy tín của quốc tế danh mục ISI sẽ được thưởng 50 triệu đồng, đăng trên tạp chí khoa học của trường cũng được hỗ trợ 3 triệu đồng. Sinh viên có công trình nghiên cứu tốt sẽ được hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng/đề tài".

Nhiều năm nay, ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) quy định giảng viên trình độ GS phải có 2 bài báo quốc tế/năm, PGS có 1 bài báo quốc tế và ít nhất 1 bài báo trong nước/năm, TS có 1 bài báo quốc tế/năm và ThS có ít nhất 1 bài báo trong nước/năm. 

Nếu giảng viên có công bố khoa học vượt quy định này được thưởng 1.500 USD/bài báo quốc tế ISI (hơn 30 triệu đồng).

Từ tháng 2-2011, ĐH FPT đã thực hiện chính sách thưởng cho các công trình khoa học của cán bộ nhân viên, giảng viên cơ hữu, sinh viên của trường được công bố trên các tạp chí khoa học trong danh sách ISI. 

Theo đó, mức thưởng cho bài báo đăng trên các tạp chí trong ISI Journal Standard List là 40 triệu đồng, đăng trên các tạp chí trong ISI Journal Expanded List là 20 triệu đồng... 

TS Lê Trường Tùng - chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT - cho biết: "Chúng tôi muốn giảng viên phải nhảy vào cuộc chơi quốc tế với việc công bố trên các tạp chí uy tín".

Tuy vậy, ông Lê Trường Tùng cũng thừa nhận đưa ra chính sách thưởng cho giảng viên nghiên cứu thì dễ, nhưng tổ chức nghiên cứu khó hơn rất nhiều

Thưởng lớn, giảng viên vẫn không màng

GS.TS Nguyễn Trọng Hoài - phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế TP.HCM - cho biết: "Từ năm 2012, trường đã có chính sách tài trợ tối đa 150 triệu đồng/bài báo công bố quốc tế trên các tạp chí khoa học ISI/Scopus. Dẫu vậy, chỉ có khoảng 15% giảng viên của trường tham gia hoạt động trên. Do đó nhà trường phải đưa ra thêm chính sách mới". 

Cũng theo ông Hoài, nếu chỉ thưởng cao sẽ không thúc đẩy được việc nghiên cứu hàn lâm và công bố quốc tế. 

Trường đã và sẽ có nhiều giải pháp song song việc tài trợ tiền cho giảng viên như: tổ chức các lớp tiếng Anh học thuật cho giảng viên; mời các chuyên gia/GS ngoài nước gắn kết, hợp tác với trường trong công bố quốc tế; tổ chức hội thảo về công bố quốc tế theo nhóm chuyên ngành với diễn giả là các giảng viên có kinh nghiệm công bố quốc tế và tổng biên tập tạp chí đạt chuẩn ISI/Scopus; thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh (chuyên ngành hoặc liên ngành)...

TS Nguyễn Thiên Tuế cũng cho rằng chính sách thưởng tiền giảng viên có bài báo công bố quốc tế chỉ tác dụng một phần. Điều quan trọng hơn là việc tạo môi trường thật tốt mới có thể thúc đẩy nghiên cứu khoa học trong giảng viên.

Nhà trường đã tập trung đầu tư thành lập các nhóm nghiên cứu trẻ có giảng viên liên khoa cùng phối hợp nghiên cứu.

Theo TS Lê Văn Út - trưởng phòng quản lý phát triển khoa học và công nghệ ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM), nghiên cứu là nhiệm vụ của giảng viên ĐH, của nhà khoa học. 

"Đó là công việc mà nhà khoa học phải làm và được trả lương để làm. Chính sách này tốt hơn chính sách khen thưởng khủng. Tại trường chúng tôi, nhiều chức vụ chuyên môn được trả lương rất hậu.

Nhưng nếu hằng năm người giữ chức vụ đó không có công bố ISI/Scopus tác giả chính thì xem như không làm tròn trách nhiệm đối với chức vụ đó và sẽ bị xem xét lại", TS Lê Văn Út nói.

Tiến sĩ chỉ giảng dạy, "chạy sô", ít tham gia nghiên cứu

Theo PGS.TS Lê Thị Kim Phụng - phó chủ nhiệm khoa kỹ thuật hóa học ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), hiện nay dù số TS ở các trường ĐH nhiều nhưng số người tham gia các nhóm nghiên cứu lại ít, nhiều TS về trường chỉ giảng dạy, thậm chí "chạy sô" dạy nhiều trường. Họ không được kéo vào nghiên cứu.

Bên cạnh đó, khi nhà trường tuyển dụng giảng viên,TS nhưng không hướng đến việc đưa người đó vào nhóm nghiên cứu nào. Thậm chí có những TS từ nước ngoài về được tuyển dụng vào trường, nhưng đến lúc làm việc lại không ráp được vô nhóm nghiên cứu nào.

Để thúc đẩy nghiên cứu trong giảng viên, PGS Phụng cho rằng: "Việc tập trung đầu tư hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh ở trường ĐH rất quan trọng. Các nhóm nghiên cứu cần có sự định hướng từ lãnh đạo nhà trường, theo đúng hướng phát triển của trường".

Ví dụ, ĐH Quốc gia hoặc nhà trường cần nhóm nghiên cứu xử lý vấn đề ngập mặn ở ĐBSCL. Khi đó người đứng đầu nhóm nghiên cứu lĩnh vực này sẽ tập hợp lực lượng nghiên cứu.

"Đừng để những TS nghiên cứu lĩnh vực này đi long nhong", PGS.TS Lê Thị Kim Phụng nói.

Trần Huỳnh - Báo Tuổi trẻ

See this gallery in the original post