Từ năm 2021 có thể tổ chức cho thí sinh làm bài thi trên máy tính
Từ năm 2021 trở đi, các bài thi, môn thi được thiết kế phù hợp với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; nếu điều kiện cho phép có thể tổ chức cho thí sinh làm bài thi trên máy tính.
Nội dung trên được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo với Quốc hội tại Báo cáo số 810/BC-BGDĐT.
Bộ trưởng cho biết, sau 3 năm thực hiện đổi mới, đến nay phương thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy đã đạt được những mục tiêu cơ bản, được xã hội đồng tình đánh giá cao.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, nâng cao độ phân hóa của đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và từng bước định hướng nội dung theo lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Người đứng đầu ngành Giáo dục và Đào tạo cũng cam kết sẽ “rà soát lại các nhóm đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên để điều chỉnh mức điểm ưu tiên trong tuyển sinh cho phù hợp với điều kiện thực tế và thực hiện tốt hơn công bằng xã hội”.
Vẫn theo Báo cáo nêu trên, năm 2017, thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn nguyện vọng; đặc biệt là sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng để phù hợp với kết quả thi nhằm tăng khả năng trúng tuyển vào các ngành nghề phù hợp với khả năng và điều kiện của thí sinh. Đây là quy định rất nhân văn, được thí sinh, phụ huynh đồng tình cao.
Tổng số nguyện vọng đăng ký là rất lớn, tuy nhiên với phương thức, quy trình xét tuyển và lọc ảo tối ưu cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ của công nghệ thông tin và mạng máy tính, sau khi kết thúc quy trình lọc ảo, mỗi thí sinh được trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng mà thí sinh đã đăng ký.
Quá trình tuyển sinh cũng đã đảm bảo quyền tự chủ của các trường (xác định chỉ tiêu, lập đề án tuyển sinh, xác định điều kiện tuyển sinh, tham gia nhóm hay tuyển sinh độc lập; dự tính tỷ lệ ảo, xác định điểm trúng tuyển và danh sách thí sinh trúng tuyển…). Thông tin tuyển sinh của các trường được công khai minh bạch và đầy đủ trong đề án tuyển sinh.
Nhờ áp dụng công nghệ thông tin trong tất cả các khâu của quy trình xét tuyển, đặc biệt là lần đầu tiên, công nghệ lọc ảo được áp dụng trong công tác tuyển sinh, ngay trong đợt 1 đã có tới 170 trường xét trúng tuyển đủ chỉ tiêu; nếu tính từ mức đạt trúng tuyển 70% trở lên so với chỉ tiêu thì con số này lên tới 234 đơn vị (chiếm 73% số đơn vị tuyển sinh). Con số này cao hơn nhiều so với các năm trước, từ đó giảm được áp lực cho đợt tuyển sinh bổ sung.
Ngoài ra, việc hai nhóm xét tuyển chung (56 trường phía Bắc và 86 trường phía Nam), trong đó có hầu hết các trường lớn tham gia, phối hợp trong sử dụng chung nguồn tuyển và cơ sở dữ liệu tuyển sinh đã phát huy tác dụng trong việc triển khai quy trình tuyển sinh thuận lợi, nhanh chóng; đảm bảo tính thống nhất của nhóm và quyền tự chủ của các trường thành viên.
Anh Phương - SGGP