Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Công nghệ tài chính: mang ngân hàng đến gần người tiêu dùng hơn

Các công ty khởi nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ tài chính (Financial Technology, hay còn được gọi là FinTech) – một lĩnh vực vẫn còn mới như chính các công ty này – đang từng bước giúp những dịch vụ tài chính ngân hàng trở nên phổ biến hơn với nhiều người dùng hơn bằng nhiều giải pháp hứa hẹn.

Cho đến thời điểm hiện tại, sự thiếu hụt về hiểu biết tài chính và mức độ tiếp cận các dịch vụ liên quan đến tài chính – ngân hàng vẫn còn nổi cộm trên toàn cầu. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, hiện nay có 2 tỷ người không tiếp cận đến các dịch vụ ngân hàng.

Lí do cho vấn đề này bao gồm lịch sử vay trả tín dụng của những người này chưa đủ thuyết phục, uy tín tín dụng thấp do quyết định tài chính sai lầm trong quá khứ, hoặc họ sinh sống ở những nơi mà dịch vụ tín dụng và tài chính vẫn còn hạn chế.

Trong bối cảnh không mấy khả quan đó, các công ty và các nhà đầu tư hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính đã và đang tìm ra những giải pháp để khiến các dịch vụ tài chính – ngân hàng trở nên phổ biến hơn với nhiều người dùng hơn.

Đơn cử như Phòng Thí nghiệm Giải pháp Tài chính (Financial Solutions Lab), một chương trình của Trung tâm Đổi mới Dịch vụ Tài chính (Center for Financial Services Innovation – CFSI), đã tập hợp lại những công ty khởi nghiệp có liên quan đến tài chính Mỹ. Bà Jennifer Tescher, người sáng lập và cũng là giám đốc chương trình, đã giúp thực hiện nhiều sáng kiến nhằm gia tăng mức độ tham gia dịch vụ tài chính của người dân thông qua chương trình này.

Các công ty khởi nghiệp của chương trình bao gồm Propel – một công ty tập trung vào việc hiện đại hóa chương trình phiếu thực phẩm của chính phủ Mỹ, Bee – một công ty hướng đến cung cấp dịch vụ tài chính cho người thu nhập thấp, và các công ty khởi nghiệp hỗ trợ các khoản tiết kiệm và hoàn trả nợ như Digit, EarnUp, và LendStreet.

Trong khi đó, một số công ty khởi nghiệp khác thì khai thác dữ liệu thay thế để đánh giá rủi ro theo một hướng khác, nhằm mở rộng khách hàng tiềm năng, thay vì dựa hoàn toàn vào điểm tín dụng FICO của hãng phân tích dữ liệu Fair Isaac Corporation (FICO) – một yếu tố chủ chốt giúp các tổ chức cho vay đánh giá khả năng thanh toán nợ của một cá nhân – để lựa chọn khách hàng phù hợp.

Trong một chiều hướng khác, một số công ty có hướng giải quyết vấn đề tiếp cận đến dịch vụ tín dụng bằng việc cung cấp hệ thống đánh giá tín dụng thay thế, và nhất là giao dịch tín dụng nhanh chóng qua các ứng dụng ví điện tử như Apple Pay. Người tiêu dùng và doanh nghiệp nhận tiền vay từ các công ty khởi nghiệp thông qua ứng dụng ví điện tử sẽ không phải đến một chi nhánh ngân hàng để giao dịch.

Loạt ứng dụng tài chính này thực sự đã thu hút sự quan tâm của thế giới, và những nền kinh tế thiên về tiền mặt dường như chú ý nhiều đến loạt ứng dụng này hơn những nền kinh tế thiên về thanh toán bằng thẻ – tỷ lệ sử dụng ví điện tử ở Mexico là 38%, hơn gấp đôi so với tỷ lệ ở Mỹ (17%), dù có đến 93% người Mỹ tiếp cận đến các dịch vụ tài chính.

Các công ty tài chính kiểu mới không phải là không có vấn đề. Về mặt chủ quan, các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tài chính sẽ không mang lại tỷ lệ lãi suất cao như các đối thủ truyền thống. Về mặt khách quan, trong bối cảnh việc áp dụng những thành tựu công nghệ tiên tiến như ví điện tử sẽ không có ích gì nếu hiểu biết cơ bản về tài chính của phần lớn dân số thế giới không được cải thiện.

Mặc dù vậy, lĩnh vực công nghệ tài chính cũng đã nhanh chóng có được sự hỗ trợ từ một vài nhà đầu tư mạo hiểm, vì các nhà đầu tư này nhận ra rằng góp vốn vào tài chính toàn diện – hay nói cách khác là góp vốn vào khả năng mở rộng khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính – sẽ mang lại lợi ích về cả tầm ảnh hưởng lẫn lợi nhuận. Với sự phát triển và hợp tác đầu tư này, dần dần khoảng cách giữa các khách hàng và dịch vụ tài chính sẽ không còn nữa.

Quốc Huy (Theo Forbes)

See this gallery in the original post