Đánh thức tiềm năng điện mặt trời ở Việt Nam
Là một trong những quốc gia có ánh nắng mặt trời nhiều nhất, Việt Nam được đánh giá có tiềm năng rất lớn để phát triển điện mặt trời. Tuy nhiên, việc biến tiềm năng thành hiện thực vẫn là một câu chuyện dài.
Theo đánh giá của Hiệp hội năng lượng sạch Việt Nam, Việt Nam là một trong những quốc gia có ánh nắng mặt trời nhiều nhất trong bản đồ bức xạ mặt trời thế giới.
Trung bình, tổng bức xạ năng lượng mặt trời ở Việt Nam dao động từ 4,3-5,7 triệu kWh/m2. Ở các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung bộ số giờ nắng khá cao, đạt từ 2.000-2.600 giờ/năm, bức xạ mặt trời trung bình 150kcal/m2 chiếm khoảng 2.000-5.000 giờ/năm, với ước tính tiềm năng lý thuyết khoảng 43,9 tỷ TOE (Hệ số chuyển đổi năng lượng).
Tuy nhiên, quá trình triển khai các dự án năng lượng mặt trời vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
Đem điện mặt trời đến với hải đảo, vùng sâu
Ở quy mô nhỏ, điện mặt trời, nhất là điện mặt trời lắp mái đã chứng tỏ được ưu điểm và đang được sử dụng ngày càng rộng rãi. Theo thông tin từ EVN, Công ty Điện lực Bà Rịa - Vũng Tàu gần đây đã đưa vào sử dụng hệ thống điện mặt trời lắp mái công suất 140 kWp ở Tòa nhà văn phòng. Nhờ đó, trung bình mỗi tháng, công ty tiết kiệm được hơn 21 triệu đồng tiền điện.
Ngoài ra, nhiều nơi như Tòa nhà Liên hợp quốc tại Việt Nam, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Nhà làm việc của Bộ Công Thương… cũng đã triển khai hệ thông điện mặt trời lắp trên mái.
Theo Giáo sư Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, điện mặt trời lắp mái có ưu điểm không chiếm dụng đất mà sử dụng diện tích các mái nhà sẵn có. Điện phát ra có thể sử dụng trực tiếp cho nhu cầu gia đình hoặc hòa vào điện lưới.
Đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa, hải đảo khó tiếp cận với điện lưới quốc gia, điện mặt trời là lựa chọn hàng đầu.
Tháng 8 vừa qua, người dân đảo Bé thuộc xã đảo An Bình, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã vui mừng đón nhận nguồn điện từ dự án điện năng lượng mặt trời do Tổng công ty điện lực miền Trung đầu tư.
300 tấm pin năng lượng mặt trời với công suất 96 kW không chỉ đem lại cho người dân ở đây nguồn điện ổn định mà còn xóa đi tiếng ồn, mùi hôi từ các máy phát điện diesel trước kia.
Đầu tháng 11.2017, điện mặt trời, nước sạch đã đến với người H’Mong tại thôn Ea Rớt thuộc xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk. Đã định cư gần 20 năm, nhưng hơn các hộ dân tại đây vẫn chưa được tiếp cận nguồn điện lưới quốc gia.
Hệ thống điện mặt trời được lắp đặt có thể sản xuất 20kWh/ngày có thể thắp sáng cho khoảng 20 hộ gia đình. Nguồn điện từ hệ thống cũng được dùng cho hệ thống lọc nước RO từ 700 - 1000 lít nước sạch mỗi ngày, giúp người dân không phải dùng nước uống không đảm bảo vệ sinh từ các con suối.
Đấu lưới cho điện mặt trời: vẫn còn nhiều khó khăn
Mặc dù đã được triển khai và chứng tỏ hiệu quả ở quy mô nhỏ nhưng để phát triển nguồn điện mặt trời đáp ứng được nhu cầu thực tế, Việt Nam cần có những dự án điện mặt trời quy mô lớn. Điều này, theo nhiều chuyên gia đánh giá, còn rất nhiếu khó khăn.
Hiện nay, cả nước có khoảng 30 nhà đầu tư trong và ngoài nước bắt đầu xúc tiến lập các dự án điện mặt trời công suất từ 20MW đến trên 300MW tại một số địa phương, tập trung chủ yếu ở miền Trung.
Theo TS Trần Thị Thu Trà - chuyên viên Ban quản lý đầu tư EVN, thực tế nghiên cứu tại một số quốc gia phát triển điện mặt trời (như Đức) cho thấy, “vấn đề đau đầu nhất” chính là vận hành an toàn và hiệu quả hệ thống điện khi công suất điện mặt trời lớn.
TS Trà cho rằng, điện mặt trời lên/xuống gần như tức thời. Nhưng điện sản xuất ra là phải tiêu thụ ngay. Vì tính chất điện mặt trời như vậy nên rất khó khăn cho việc vận hành hệ thống.
Một khó khăn nữa được chỉ ra là lưới điện Việt Nam là lưới xoay chiều, trong khi điện mặt trời là điện 1 chiều nên phải dùng thêm một thiết bị inverter để chuyển đổi. Tuy nhiên, theo chuyên gia Đặng Đình Thống, Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, đây không phải vấn đề đáng ngại bởi hiện nay các thiết bị này có hiệu suất lên đến 95-96%.
Ngoài thiết bị chuyển đổi, muốn đấu lưới cho điện mặt trời cũng còn cần nhiều các thiết bị khác để tăng hiệu thế, đảm bảo sự ổn định… Bởi vậy, ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM, cho rằng nếu muốn phát triển điện mặt trời thì các địa phương phải đầu tư hạ tầng kỹ thuật tương thích.
Trong thực tế, các tấm pin, lưới năng lượng mặt trời cần diện tích rất rộng. Điều này đang gây ra những khó khăn không nhỏ trong việc phát triển hệ thống điện mặt trời quy mô lớn. Để tạo ra lượng điện năng 166 MWh trong một năm, dự án điện mặt trời ở đảo Bé thuộc huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cần đến diện tích 2.000m2.
Nhằm tiết kiệm quỹ đất, các nhà đầu tư đã nghiên cứu tận dụng các hồ thủy điện, thủy lợi để tận dụng diện tích mặt nước trên các hồ. Tuy nhiên, dao động bất thường của mực nước trên các hồ tạo ra thách thức không nhỏ. Đơn cử như hồ thủy điện Yaly, hay Plei-krông dao động mực nước lên tới 25-40m rất khó có thể thực hiện các dự án điện mặt trời.
Ngoài các vấn đề kỹ thuật, yếu tố giá điện mặt trời cũng đang tạo ra rào cản hạn chế các nhà đầu tư. Theo đại diện EVN, đến tháng 6.2017, giá bán lẻ điện bình quân của EVN là 7,3 cent/kWh. Trong khi đó, giá điện mặt trời được EVN mua vào là 9,35 cent/kWh.
Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng, cần có những cơ chế về giá để hấp dẫn các nhà đầu tư hơn nữa. Đồng thời, các nhà đầu tư cũng thể hiện mong muốn có một chính sách giá điện mặt trời dài hơi và ổn định hơn để có thể khuyến khích các doanh nghiệp tham gia.
"Các nhà đầu tư dần chú ý đến Việt Nam là do khung pháp lý cho ngành quang điện đã được ban hành, nhưng chỉ có khung pháp lý thì chưa đủ để biến Việt Nam thành một thị trường hấp dẫn chỉ qua một đêm", ôngThomas Jakobsen, Giám đốc điều hành mảng năng lượng tái tạo của Công ty Saigon Asset Management, nhận xét.
Những thành công bước đầu
Năm 2015, Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt. Đây có thể coi là nền tảng cho sự phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam, khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội để phát triển năng lượng tái tạo với giá hợp lý, tăng dần tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng sản lượng và tiêu dùng năng lượng quốc gia.
Những ưu đãi, chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng sạch, trong đó có năng lượng mặt trời của Chính phủ đã bước đầu đem lại những hiệu quả tích cực.
Ngày 13/10/2017, Tập đoàn Sao Mai và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã ký hợp tác đầu tư dự án năng lượng mặt trời tại huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Dự án có công suất 210 MW với tổng vốn đầu tư 193,35 triệu USD. Đây có thể được coi là dự án điện mặt trời lớn nhất Việt Nam ở thời điểm hiện tại.
Ngoài ra, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) hợp tác với Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật của Chính phủ CHLB Đức “Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng”.
Dự án hỗ trợ Chính phủ Việt Nam hiện thực hóa những tiềm năng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, chiến lược Phát triển xanh và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Trong năm 2017, UBND tỉnh Bình Định đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Nhà máy điện mặt trời và điện gió Fujiwara Bình Định với tổng vốn đăng ký đầu tư là 63,69 triệu USD với diện tích 60 ha, công suất 100 MW, thời gian hoạt động là 50 năm. Dự án sẽ được triển khai đầu tư từ quý II/2017 và dự kiến hoàn thành đi vào sản xuất và kinh doanh giai đoạn 1 trong quý I/2019
Tại TP.HCM, chính quyền đã thực hiện thí điểm hỗ trợ bù giá điện mặt trời 2.000 đồng/kW từ năm 2015. Ngân hàng Thế giới (WB) cũng hỗ trợ TPHCM triển khai chương trình năng lượng mặt trời trên mái nhà tại thành phố để nhân rộng ra cho cả nước.
Phạm Sơn - Báo Khám phá