Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Nghiên cứu mô hình chia sẻ xe đạp thông minh tại TP.HCM

Mỗi xe đạp có một thẻ nhớ tương tự thẻ nhớ của điện thoại di động. Người dùng có thể dùng thiết bị thông minh tải ứng dụng để tìm xe đạp công cộng gần nhất, quét mã và khóa xe sẽ tự động mở.

Ngày 22-12, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã tiếp Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) để nghe phương án đầu tư xe đạp công cộng trên địa bàn thành phố.

Xe đạp dùng chung

Đại diện tập đoàn Hyosung tại Việt Nam, ông Yoo Sun Hyung cho biết công ty đang triển khai mô hình xe đạp thông minh để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Công ty đã bắt đầu dự án từ năm 2016 và đang mở rộng ra thị trường quốc tế.

Giới thiệu chi tiết hơn, ông Chris Martin, đại diện công ty Mobike nói mobike là kế hoạch chia sẻ xe đạp thông minh đầu tiên trên thế giới. Hiện công ty đã sản xuất 8 triệu xe phân phối cho 200 thành phố của 12 nước trên thế giới. 

Với chương trình này, mỗi xe đạp có một thẻ nhớ tương tự thẻ nhớ của điện thoại di động. Người dùng có thể dùng thiết bị thông minh tải ứng dụng để tìm xe đạp công cộng gần họ nhất, sau đó thực hiện thao tác quét mã và khóa xe sẽ tự động mở. 

Xe có thiết kế đặc biệt là không có hệ thống sên dĩa, bánh xe không có nhiều thanh nan hoa, vỏ xe không dùng ruột - có ưu điểm ít hư hỏng, cơ động.

"Xe này có vốn đầu tư thấp, được kiểm soát bằng internet, không gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, với dự án này, công ty chúng tôi không cần tiền đầu tư từ chính phủ Việt Nam, dù chính quyền vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng thúc đẩy hợp tác chặt để triển khai dự án cũng như nhân rộng về sau" - ông Chris Martin bày tỏ.

Với TP.HCM, ông Chris Martin cho rằng để giảm lượng xe máy sử dụng trên đường, có thể dùng xe đạp để di chuyển những quãng ngắn một cách tiện lợi. 

Mọi người có thể dùng xe đạp để di chuyển đến bến xe, nhà ga. Một xe có thể phục vụ nhiều lượt khách trong ngày theo nguyên tắc chia sẻ. 

Ví dụ thành phố có 10 triệu người cùng nhau chia sẻ một lượng xe đạp nhất định thì tất nhiên sẽ giảm được ùn tắc so với việc mỗi người sắm một chiếc để đi. 

Song song đó, tình trạng của hệ thống cơ sở hạ tầng không ảnh hưởng nhiều đến khả năng phát huy tiện ích của loại hình xe đạp mới này. 

Hệ thống thông minh của mobike giúp giảm thiểu chi phí đầu tư và chi phí quản lý mạng giao thông của chính quyền TP. Khi triển khai hệ thống xe đạp công cộng thành công thì có thể nâng cấp lên xe đạp điện.

Trình đề án chi tiết trong tháng 1-2018

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhìn nhận mô hình mobike có những mặt phù hợp với thực trạng giao thông của TP, dù rằng đây là phương tiện giao thông cá nhân nhưng có vai trò thúc đẩy sự phát triển của giao thông công cộng. 

Hình thức quản lý bằng công nghệ cũng phù hợp vì hiện nay đa phần người đi làm ở TP đã sử dụng thiết bị di động thông minh.

Trước mắt, loại hình mobike dạng này có thể giúp giảm xe cá nhân vào trung tâm TP, giảm việc lấn chiếm vỉa hè để đậu xe. 

Trong tương lai, đến giai đoạn thích hợp thì TP sẽ tính đến việc thu phí khi xe vào trung tâm. "Nhưng đó là chuyện tương lai. Khi mà chúng ta đã bố trí đủ các phương tiện thay thế xe cá nhân ở trung tâm"- ông Tuyến nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Tuyến cũng lưu ý một số nét khác biệt của TP.HCM. Đó là giao thông TP khá phức tạp, có thể phải tính toán việc hạn chế xe tải trọng lớn ở một số tuyến đường để ưu tiên cho người đi xe đạp. Hoặc cần có cơ chế cho phép sử dụng vỉa hè để xe đạp lưu thông. 

Nói cách khác là cần xây dựng một hành lang pháp lý phù hợp.

Ngoài ra còn phải tính chuyện quản lý, bảo vệ tài sản này tránh mất cắp, hư hỏng; quy định độ tuổi người sử dụng xe đạp công cộng nhằm đảm bảo an toàn… 

Ông Tuyến chỉ đạo Sở Giao thông vận tải TP làm việc chi tiết với phía tập đoàn để báo cáo UBND TP trong tháng 1-2018 để TP xem xét, quyết định.

Mai Hương - Báo Tuổi trẻ

See this gallery in the original post