Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Google và Amazon bắt đầu ‘không đội trời chung’

Ngày 5/12/2017, Google công bố sẽ cắt dịch vụ truyền hình trực tiếp Fire TV của Amazon ra khỏi YouTube, bắt đầu từ ngày 1/1. Google cũng ngay lập tức bắt đầu chặn YouTube khỏi thiết bị hiển thị thông minh Echo Show của Amazon.

Hãng tìm kiếm lớn nhất thế giới cho biết họ đang phản ứng lại trước những động thái không công bằng của Amazon khi không trưng bày các sản phẩm của hãng này trên mạng cũng như không hỗ trợ dịch vụ Amazon Prime Video trên Chromecast.

Sáng ngày hôm sau, Amazon triển khai ứng dụng Prime Video trên Apple TV. Ứng dụng này chạy ổn định trên nền tảng của Apple, hỗ trợ các video chuẩn 4K HDR cũng như các tính năng độc quyền của tvOS như tìm kiếm Siri hay tích hợp ứng dụng TV. Amazon cũng triển khai ứng dụng cho thế hệ Apple TV thứ ba - vốn đã ngừng cung cấp từ năm ngoái.

Tại sao lại có quá nhiều tin tốt cho Apple và tin xấu cho Google? Một giả thuyết cho rằng trong khi Apple Amazon chỉ cạnh tranh nhau ở một vài khía cạnh nhỏ lẻ, Amazon và Google là hai đối thủ trực tiếp ở mảng kinh doanh chính.

Tất cả đều vì mục tiêu kinh doanh

Rõ ràng Google và Amazon là hai mô hình kinh doanh khác nhau. Trong khi một bên thu lời từ bộ máy tìm kiếm và các dịch vụ mạng khác, bên còn lại là mô hình giao dịch trực tuyến. Thế nhưng vì sự lấn sân của mình tới các lĩnh vực mới, hai cái tên này dần trở thành đối thủ theo các cách khác nhau:

Cả Google Assistant và Amazon Alexa đều liên quan đến các dịch vụ điện toán đám mây của hai công ty này. Các nhà phát triển thứ ba có thể sử dụng Amazon Web Service để triển khai tính năng của Alexa hoặc Google Cloud để kích hoạt Google Assistant.

Họ cũng đồng thời có thể mua quyền truy cập các bộ máy cho phép Alexa và Google Assistant phát huy khả năng trong các ứng dụng của mình.

Amazon và YouTube đã đối đầu nhau về mảng truyền hình trực tiếp kể từ khi Amazon mua Twitch vào năm 2014.

YouTube giờ đây thống trị mảng trực tiếp trò chơi điện tử trong khi Twitch vẫn là cái tên đứng đầu về số lượt xem và doanh thu.

Đến thời điểm này, có thể hiểu tại sao Amazon không muốn hỗ trợ các sản phẩm của Google và ngược lại: Mỗi công ty đều dùng phần cứng để củng cố bản thân cũng như đánh thẳng vào mảng kinh doanh cốt lõi của đối phương.

Nếu không có một thoả thuận nào giữa đôi bên, trong đó quy định cả hai đối xử công bằng với dịch vụ của đối phương và để người dùng quyết định, Amazon và Google sẽ tự làm suy yếu nhau.

Apple như một con bài thay thế

Apple khó có thể coi là một mối nguy đối với cả hai công ty. Trong khi Amazon và Google đều bán phần cứng với giá rẻ và lấy tiền từ dịch vụ, mảng kinh doanh cốt lõi của Apple lại là bán phần cứng với giá cao. Và mặc dù mảng dịch vụ của Apple đang phát triển, nó cũng không hề ‘lấn sân’ Google và Amazon.

Apple cũng nằm ngoài cuộc chiến điện toán đám mây, cho phép Google, Amazon và Microsoft triển khai dịch vụ của mình tới các nhà phát triển.

Và khi Apple đang lên kế hoạch cho một dịch vụ chiếu phim cao cấp, đó cũng không phải là một nền tảng để chiếu trực tiếp trò chơi điện tử, nơi mà người dùng có xu hướng ‘gắn bó’ với một nền tảng cố định. Có chỗ cho cả Amazon và Apple cùng phát triển, nhất là khi video chỉ là một mảng nhỏ của Amazon Prime.

Tất cả đều nói lên rằng Amazon và Google có thể tự tin đầu tư vào hệ sinh thái của Apple mà không cần phải lo ngại. Dù sao, khi người dùng Apple đã có sẵn xu hướng chi nhiều tiền, việc đầu tư này sẽ có lợi nhiều hơn là có hại.

Kết quả của ‘cuộc chiến’ này lại là một nghịch lý khi cả Amazon và Google đều muốn mở rộng dịch vụ của họ trên nhiều nền tảng nhưng thực chất lại đang cản trở nhau. Và mặc dù nổi tiếng là một nền tảng đóng, Apple lại là ‘mảnh đất màu mỡ’ để đầu tư.

Hiệp (Theo techhive)

See this gallery in the original post