Quý II/2018, Việt Nam sẽ có bộ tiêu chí đánh giá đô thị thông minh riêng

Thông tin chia sẻ từ Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm, dự kiến, quý II năm 2018, Bộ TT&TT sẽ hoàn thành dự thảo đầu tiên của Bộ tiêu chí đánh giá đô thị thông minh tại Việt Nam.

20171205-pg3-atam.jpg

Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm chia sẻ trong bài phát biểu khai mạc Hội thảo chuyên đề “Chiến lược xây dựng đô thị thông minh” vừa tổ chức tại Hà Nội. Hội thảo chuyên đề nằm trong sự kiện Triển lãm – Hội thảo quốc tế "Phát triển công nghiệp thông minh - Smart Industry World 2017” do Ban kinh tế Trung ương phối hợp Tập đoàn IDG tổ chức.

Xu thế đô thị hóa gia tăng tạo ra nhiều sức ép như ô nhiễm môi trường, thiếu hụt nguồn lực. Nhờ những tiến bộ vượt bậc của công nghệ ICT với tính phổ biến ngày càng cao, chi phí thấp, tiêu tốn ít năng lượng,…mà ứng dụng ICT đóng vai trò quan trọng trong việc giảm bớt các sức ép của quá trình đô thị hóa.

Tại Việt Nam, xu hướng đô thị hóa đang diễn ra ở tốc độ nhanh và có phạm vi rộng lớn. Theo dữ liệu của Bộ xây dựng, tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 19,6% trong năm 2009 đến 36,6% trong năm 2016 và mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đến 2020 là 45%. Sự phát triển của hạ tầng ICT bước đầu đáp ứng xu thế phát triển đô thị thông minh.

Nhưng Việt Nam cũng gặp phải những khó khăn tương tự như các nước trên thế giới trong quá trình xây dựng đô thị thông minh.

Xây dựng đô thị thông minh đang là xu thế của nhiều nước trên thế giới. Nhiều đô thị trên thế giới đang triển khai các sáng kiến, kết hoạch để chuyển đổi thành đô thị thông minh. Tuy nhiên, các bài học thành công lại không dễ dàng sao chép do điều kiện hoàn cảnh lịch sử, kinh tế và đặc biệt là mô hình tổ chức quản lý đô thị khác nhau.

Dù vậy, tất cả đều thống nhất sử dụng các công nghệ ICT làm phương tiện nhằm giải quyết tốt hơn các áp lực lên đô thị xunh qunah 6 lĩnh vực: kinh tế, quản trị, giao thông, môi trường, cuộc sống và cư dân thông minh.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đánh giá: Xây dựng đô thị thông minh vẫn là lĩnh vực mới và là một chặng đường dài, vừa làm vừa phải rút kinh nghiệm và thường gặp phải nhiều khó khăn như: thiếu tầm nhìn tổng thể về đô thị thông minh, các dự án được triển khai độc lập, manh mún; thiếu nguồn lực tài chính; thiếu sự tham gia của người dân nên có nhưng dịch vụ đô thị thông minh nhưng không đáp ứng được nhu cầu của người dân; khó nhân rộng các mô hình thành công và khó đánh giá đủ những tác động xã hội của đô thị thông minh.

Thế giới đã tổng kết được những bài học kinh nghiệm sau trong xây dựng đô thị thông minh: Phải lấy người dân làm trung tâm, ICT chỉ là phương tiện; Phải hình thành môi trường pháp lý về chia sẻ dữ liệu, bảo vệ an toàn thông tin, dữ liệu mở cho doanh nghiệp khai thác phát triển dịch vụ;

Về tổ chức đô thị thông minh, cần kết hợp cả hai cách tiếp cận từ trên xuống và từ dưới lên, trong đó chính quyền địa phương đóng vai trò chủ động; Về thị trường, cần tạo môi trường thúc đẩy doanh nghiệp có cơ hội phát triển trong xây dựng đô thị thông minh nhưng vẫn cân bằng được lợi ích giữa ba chủ thể: Chính quyền-người dân-doanh nghiệp.

Chia sẻ từ Thứ trưởng Phan Tâm, Bộ TT&TT đã xây dựng dự thảo nội dung hướng dẫn các nguyên tắc, định hướng về xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam và đang lấy ý kiến đóng góp của các địa phương, bộ, ngành.

Về cơ bản nội dung hướng dẫn được xây dựng trên các khuyến nghị về xây dựng đô thị thông minh của các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế như: ITU, ISO, BSI (Anh), Mỹ… kết hợp với những nghiên cứu, triển khai bước đầu về đô thị thông minh ở Việt Nam của một số địa phương, doanh nghiệp ICT, đơn vị nghiên cứu…

Hướng dẫn do Bộ đang dự thảo bao gồm những khái niệm, mục tiêu tổng quát, các nguyên tắc chung, định hướng Kiến trúc ICT, một số nội dung cơ bản trong xây dựng đô thị thông minh. Dự kiến, quý II năm 2018 sẽ hoàn thành dự thảo đầu tiên của bộ tiêu chí đánh giá đô thị thông minh, Thứ trưởng cho biết thêm.

Sau khi có hướng dẫn, Bộ TT&TT sẽ thử nghiệm ở một số địa phương để hoàn thiện và ban hành bộ tiêu chí đánh giá đô thị thông minh phiên bản 1.0. Qua thực tiễn áp dụng, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục phối hợp với các bên liên quan tiếp tục hoàn thiện ở các phiên bản tiếp theo.

D.V - ICTNews