Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Hiệp hội đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Để thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, Sở Khoa học & Công nghệ (KH&CN) TP.HCM cần sự giúp sức của đông đảo các Hiệp hội, nhà khoa học.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM trong buổi làm việc với Hội Doanh nghiệp Cơ khí – Điện TP ngày 8/2.

Ông Dũng cho biết, trong năm 2016, Sở đã tham mưu 5 chương trình trọng điểm về phát triển KHCN cho TP trong 5 năm tiếp theo. Trong đó, nổi bật nhất là xây dựng một TP khởi nghiệp sáng tạo.

Để làm được điều đó, TP phải hình thành được hệ sinh thái khởi nghiệp, hệ thống đổi mới sáng tạo của mình.

Hệ sinh thái này sẽ bao gồm: hệ thống pháp luật, hạ tầng phục vụ, giáo dục, hoạt động nghiên cứu phát triển, môi trường thử nghiệm để đưa sản phẩm vào thực tiễn...

Theo ông Dũng, hiện nay, đề tài tại các viện, trường mới chỉ dừng ở mức độ nghiên cứu. “Đề tài nghiên cứu phải tạo ra được sản phẩm, được xã hội công nhận thì mới là đổi mới sáng tạo. Có như thế KHCN mới đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.

Ông Dũng cho rằng, từ chuyện nghiên cứu đến ra được sản phẩm là một quá trình rất dài, đòi hỏi phải có sự gắn kết giữa doanh nghiệp và viện, trường.

Hiện tại, Sở đang triển khai một số chương trình hỗ trợ cho nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển thị trường KHCN…

Trong các chương trình này, Sở sẽ định hướng lại tỷ trọng đầu tư của nhà nước theo hướng tập trung nhiều hơn cho những đề tài , nhóm đề tài nghiên cứu ứng dụng, triển khai nhanh vào thực tế.

Chính vì thế, khu vực khối các doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc liên kết với các viện, trường để đưa ra những hướng nghiên cứu mới.

Những hướng nghiên cứu này, các trường, viện  có thể hợp sức cùng nhau làm, doanh nghiệp hỗ trợ một phần, nhà nước hỗ trợ một phần.

Hiện nay, ngân sách của TP chi cho KHCN không nhiều. Nhưng nếu cần thiết, Sở có thể hỗ trợ các đơn vị xin nguồn kinh phí tài trợ từ Bộ KH&CN, hoặc xin cơ chế đặt hàng từ Bộ cho những dự án có tính khả thi cao.

Ông Dũng cũng cho rằng, các Hiệp hội đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc kết nối các doanh nghiệp thành viên với Sở KHCN.

Cụ thể, trong chương trình hỗ trợ doanh nghiệp và nâng cao năng suất chất lượng, Sở rất cần sự hỗ trợ của Hiệp hội trong việc hướng dẫn các doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản trị chất lượng vào trong quá trình sản xuất…

Ông Dũng chia sẻ, thay vì đi tìm các doanh nghiệp có sử dụng công nghệ, thiết bị nào đấy, sau đó mời các đơn vị, doanh nghiệp khác tới thăm và học hỏi mô hình như trước đây; trong thời gian tới, Sở sẽ có hướng tiếp cận đổi mới.

Đó là chỉ đưa ra những nhiệm vụ, mục tiêu và cơ chế, sau đó thuê các đơn vị tư vấn bên ngoài đề xuất nội dung công việc để đổi mới cho doanh nghiệp.

Khi đó, các Hiệp hội cần phải hỗ trợ Sở trong việc khảo sát các nhóm doanh nghiệp thành viên của mình đang cần gì, nhu cầu thế nào để các nhóm tư vấn có thể triển khai một cách hiệu quả. Không chỉ đào tạo về lý thuyết mà còn có thể thực hành ngay trên thực tế.

Thời gian tới, TP cũng hình thành các cộng đồng khởi nghiệp. Trong đó, chú trọng vào 4 nhóm cộng đồng khởi nghiệp IT, cơ khí tự động, nông nghiệp và hóa – sinh học…

Chia sẻ tại buổi gặp gỡ, đại diện Hội Doanh nghiệp Cơ khí – Điện TP cho biết, trong những năm qua, Hội đã hình thành một số nhóm doanh nghiệp mạnh để tham gia nghiên cứu chế tạo thử trong lĩnh vực cơ khí chế tạo máy.

Hiện nay, một số sản phẩm,thiết bị nhập khẩu đã bị hạn chế niên hạn theo quy định của Chính phủ. Nếu mua máy mới ở nước ngoài thì giá thành đắt, mua của Trung Quốc thì lại rơi vào bẫy chất lượng, nên một số doanh nghiệp chúng tôi sẵn sàng nghiên cứu và đi đầu trong việc xây dựng các sản phẩm theo hướng thay thế hàng ngoại nhập.

Với phương châm đi thì sẽ thành đường, khi máy móc của mình được thị trường chấp nhận thì sẽ hình thành một xu thế để các doanh nghiệp khác noi theo”, vị này cho biết.

Được biết, hiện Hội Doanh nghiệp Cơ khí – Điện TP đã thành lập một trung tâm nghiên cứu ứng dụng để có thể tiếp nhận sự hỗ trợ cũng như tập hợp các đầu bài nghiên cứu KHCN phục vụ các doanh nghiệp thành viên.

Sắp tới đây, Hội sẽ thành lập câu lạc bộ Robot, với thành viên là các doanh nghiệp, cá nhân, nhà khoa học có niềm đam mê nghiên cứu về lĩnh vực này, tạo nên một sân chơi, cánh cửa để ứng dụng các sản phầm vào cuộc sống và sản xuất.

Thiện An - Khampha