Làm nông nghiệp sạch… tiền không phải là số một

Là nhóm trưởng của “Thế hệ ưu tú”, Lê Minh Vương đã cùng các thành viên trong nhóm chuyển giao miễn phí nhiều dự án nông nghiệp và bảo vệ môi trường cho bà con nông dân nghèo.

1486449369-2ab.jpg

“Mục tiêu của nhóm là phụng sự cho cộng đồng, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng tôi chưa lúc nào nghĩ đến việc bỏ nhóm”, Lê Minh Vương nói.

Nông nghiệp với môi trường phải song hành

- Anh có thể cho biết, nhóm Thế hệ ưu tú được thành lập như thế nào?

Lê Minh Vương: Năm ba đại học, tôi làm đề tài nghiên cứu về xử lý bùn ao tôm để nuôi trùn quế. Khi làm gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, thiết bị, máy móc… Nhà trường cũng không hỗ trợ gì nhiều trong quá trình thực hiện nên tôi rất nản, không muốn nghiên cứu nữa mà chỉ tập trung vào học thôi.

Nhưng mà đam mê nghiên cứu của tôi lớn quá nên không bỏ được. May mắn là tôi tìm được giáo viên hướng dẫn tận tâm, chu đáo, giúp tôi hoàn thành đề tài.

Sau khi ra trường, tôi nghĩ là làm nghiên cứu gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn như vậy, tại sao mình không thành lập một nhóm những người có cùng đam mê với mình để hỗ trợ nhau?

Bạn này sẽ lấy điểm mạnh của mình để bù cho điểm yếu của bạn kia, cùng nhau hoàn thiện và biến các ý tưởng thành sản phẩm. Thế là tôi hợp tác cùng hai người bạn nữa và thành lập nhóm Thế hệ ưu tú vào ngày 19/8/2014.

- Tại sao anh chọn học về môi trường, nhưng lại dẫn dắt Thế hệ ưu tú theo đuổi các dự án về nông nghiệp?

Lê Minh Vương: Năm tôi học lớp 7, ở quê người ta nuôi tôm rất nhiều và kiếm được nhiều tiền. Tuy nhiên, 2 - 3 năm sau, tôm chết hàng loạt, người dân thua lỗ nặng nề đến mức phải bán nhà, bán ruộng.

Lúc đó, biết lý do tôm bị bệnh chết là do biến đổi khí hậu, do bùn ao nuôi tôm làm nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng... nhưng tôi không có cách nào giải quyết được vì vốn kiến thức chuyên sâu hầu như không có.

Từ đó, tôi nung nấu ý định học ngành môi trường để xử lý chất thải và biến chúng thành vật liệu hữu ích. Bản thân tôi cũng vốn xuất thân từ gia đình thuần nông, nên từ nhỏ tôi đã đam mê với nông nghiệp và thiên nhiên.

Đó chính là những lý do tôi định hướng nhóm đi theo hướng nông nghiệp sạch.

Hiện nhóm Thế hệ ưu tú đã và đang thực hiện nhiều dự án về nông nghiệp: như cải tạo bùn thải từ ao nuôi tôm thành phân bón hữu cơ vi sinh và kết hợp nuôi trùn quế, dự án “chai mặt trời”, mô hình lọc nước cải tiến sử dụng ánh sáng mặt trời, xử lý rác hữu cơ nuôi trùn quế, mô hình lọc nước mặn thành nước ngọt… để phục vụ cho bà con nghèo người nông dân.

Nhóm cảm thấy môi trường là mảng cần phải theo đuổi cùng nông nghiệp. Vì hai thứ này luôn luôn đi đôi với nhau.

Nông nghiệp bền vững tạo ra sản phẩm an toàn và thân thiện với môi trường, an toàn với sức khỏe con người. Ngược lại, môi tường xanh sạch cũng là đòn bẩy và tiền đề thúc đẩy nông nghiệp sạch phát triển.

- Anh đánh giá như thế nào về các dự án startup nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay?

Lê Minh Vương: Hiện tại, có rất nhiều nhóm làm startup nông nghiệp. Họ làm về công nghệ, nông sản sạch, logictis trong nông nghiệp… Tôi không biết họ làm thật hay chỉ theo phong trào, vì khi làm nông nghiệp các nhóm sẽ gặp rất nhiều khó khăn về vốn, nhân sự, thị trường…

Tôi chỉ sợ các nhóm đó có máu lửa, nhiệt huyết, nhưng lại không có định hướng về lâu dài. Họ nên và rất cần những bậc tiền bối hướng dẫn, tư vấn thêm kinh nghiệm. Bản thân tôi cũng đang rất cần những người như vậy…

Có một điều đáng mừng là, so với Iran, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ… nông nghiệp Việt Nam vẫn có nhiều lợi thế hơn. Đặc biệt là các sản phẩm về trùn quế, dịch trùn... ta không hề thua kém các nước Úc hay Canada.

Khi tôi nói chuyện với các chuyên gia nông nghiệp ở nước ngoài, họ cũng công nhận Việt Nam nuôi trùn quy mô lớn và rất có tiềm năng để cung cấp phân trùn quế sạch cho nông nghiệp sạch.

Chúng ta nuôi trùn ở quy mô công nghiệp, trong khi các nước khác chỉ có thể nuôi trùn ở quy mô nhỏ. Mà trùn quế cũng là một trong những dự án quan trọng mà nhóm Thế hệ ưu tú đang theo đuổi.

Không nên hỗ trợ 100% chi phí

- Anh hãy chia sẻ một vài câu chuyện đáng nhớ trong quá trình chuyển giao sản phẩm cho bà con?

Lê Minh Vương: Lúc làm bể lọc nước ở Ninh Thuận, nhóm có đến địa phương để khảo sát trước. Ngày đầu tiên tới thì nhóm chứng kiển cảnh một em bé chừng 5-6 tuổi và một cụ già ngồi hứng nước uống. Nước rất đục, cặn và nhìn thấy cả lăng quăng trong đó. Tôi hỏi "uống vậy không sợ hả", em bé lắc đầu, còn cụ già thì bảo: quen rồi.

Khi đem mẫu nước về TP.HCM xét nghiệm, tôi thấy hàm lượng E.coli trong nước vượt chuẩn Bộ Y tế đến một triệu lần.

Nhìn cảnh đó, nhóm thấy xót xa lắm. Khi lắp xong hai bể lọc nước, hàm lượng E.coli giảm xuống gần bằng 0, chúng tôi thấy nhẹ cả lòng. Cũng có chút tự hào vì nhóm đã giúp được chút ít cho bà con nghèo nơi đây.

Còn lần lắp tấm năng lượng mặt trời cho bà con ở Hóc Môn, lúc đầu mọi người tưởng nhóm lừa đảo nên rất dè chừng. Sau đó vào giải thích, thuyết phục thì bà con mới chịu cho lắp. Khi mọi người tin mình rồi thì họ quý mình lắm, lần nào xuống họ cũng nhiệt tình mời ở lại ăn uống.

Tuy nhiên, có một điều đáng buồn là công trình xử lý phế thải từ cây thanh long chuyển giao cho bà con thì bị bỏ bê.

Một phần do nhóm không theo sát, tiếp nữa là do mọi người quá bận nên lười chăm sóc. Qua chuyện này, nhóm rút ra kinh nghiệm là không hỗ trợ 100% chi phí, không lo mọi thứ từ A - Z cho bà con nữa.

Những dự án tiếp theo, nhóm chỉ cho quy trình công nghệ, hướng dẫn cách sử dụng và hỗ trợ một phần nhỏ con giống, vật tư thôi.

Còn những chi phí khác như nhân công, xây dựng... bà con phải tự lo. Nếu họ bỏ tiền ra, họ sẽ tiếc tiền, không bỏ ngang như vậy và tôn trọng giá trị mà dự án mang lại hơn.

- Làm việc "không công" mãi như thế, anh lấy đâu ra kinh phí để duy trì, phát triển?

Lê Minh Vương: Có rất nhiều người hỏi tôi là không có tiền thì làm sao duy trì nhóm? Nhưng theo bản thân tôi, không nhất thiết phải xem đồng tiền là số một, mình giúp cho xã hội, họ có thể giúp lại mình vào một lúc nào đó.

Ví dụ bây giờ nhóm chuyển giao miễn phí các công trình cho bà con, thì sau này nhóm kinh doanh sản phẩm sạch, mình có thể bán lại cho những gia đình ngày xưa mình giúp. Họ cũng sẽ là kênh truyền thông quảng bá sản phẩm cho mình sau này.

Hoặc với đối tượng mà nhóm đã truyền cảm hứng qua nhiều buổi gặp gỡ, giao lưu giới thiệu về nông nghiệp sạch và môi trường, đó sẽ là những khách hàng tiềm năng. Gieo gì thì gặt nấy thôi.

Bởi vì mình làm việc tốt nên được mọi người ủng hộ. Trong gia đình tôi, mẹ là người động viên tôi rất nhiều. Lúc làm hai bể lọc nước, mẹ tôi còn bảo là nên gói gém, trích một khoản tiền từ khoản kinh phí để mua quà tặng người dân nghèo ở đó.

Mẹ tôi đã đích thân gói từng gói mì tôm, chai xì dầu bỏ vào bao, chở xe lên đó tặng cho bà con. Đó là động lực giúp tôi duy trì nhóm Thế hệ ưu tú sau bao nhiêu lần nản lòng.

- Cảm ơn anh về buổi trò chuyện!

Bích Trâm - Khampha