Ra mắt Viện nghiên cứu khoa học mang tên Phan Châu Trinh
Sáng 7/2, tại Trung tâm Văn hóa – Thể thao & Du lịch TP. Hội An (Quảng Nam) đã diễn ra lễ ra mắt Viện Phan Châu Trinh.
Sự kiện thu hút sự tham dự của đông đảo các nhà văn hóa và lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, đặc biệt là sự có mặt của bà Nguyễn Thị Bình (nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh kiêm Chủ tịch danh dự Viện Phan Châu Trinh).
Nhà văn Nguyên Ngọc – Chủ tịch hội đồng Viện chia sẻ, sự ra đời của Viện nhằm mục đích phát huy di sản tinh thần to lớn của nhà khai sáng Phan Châu Trinh, dựa trên nền tảng “Khai Dân Trí, Chấn Dân Khí, Hậu Dân Sinh”.
Qua đó góp phần từng bước xây dựng Quảng Nam, đặc biệt là đưa phố cổ Hội An trở thành một trung tâm văn hóa của miền Trung.
"Sứ mệnh của Viện là phấn đấu trở thành một viện nghiên cứu khoa học và tư vấn chính sách, tập trung vào các lĩnh vực xã hội, văn hóa; ra sức thu hút tinh hoa thế giới, phát huy tinh hoa Việt.
Hoạt động chính của Viện sẽ là nghiên cứu khoa học, tổ chức hội thảo khoa học, giảng dạy tiếng Việt và ngoại ngữ. Về lâu dài, chúng tôi sẽ có những công trình nghiên cứu tập trung chủ yếu vào khu vực miền Trung – Tây Nguyên, cùng một số công trình văn hóa – xã hội nói chung”, ông Ngọc nhấn mạnh.
Để thực hiện các chiến lược đề ra, Viện Phan Châu Trinh đã hình thành 2 hội đồng: hội đồng viện và hội đồng khoa học. Cả hai hội đồng đều do nhà văn Nguyên Ngọc đảm nhiệm chức chủ tịch.
“Thể hiện sự tin tưởng đối với Viện, Thường vụ Tỉnh ủy đã giao nhiệm vụ biên soạn bộ Toàn chí Quảng Nam, dự kiến gồm trên 20 tập, sẽ được hoàn thành trong 5 năm.
Song song với bộ Toàn chí, chúng tôi sẽ triển khai công trình nghiên cứu về vai trò Phan Châu Trinh trong lịch sử tư tưởng cận đại và hiện đại Việt Nam; tổng kết 30 năm phát triển của Hội An và những thách thức hiện nay; công trình điều tra về xã hội học ở miền đông Quảng Nam trong dự án phát triển vùng đất này”, ông Ngọc nói thêm.
Chia sẻ tại buổi lễ ra mắt, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nói: “Đứng trước cánh cửa hội nhập cùng sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật lần thứ 4, chúng ta đang có cơ hội rất lớn.
Viện Phan Châu Trinh còn rất mới mẻ, nếu muốn thành công thì cần đòi hỏi sự hợp tác thống nhất cùng phát triển của cả 2 địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng. Sự hỗ trợ, góp sức về mặt tài chính của doanh nghiệp là điều kiện cần để Viện duy trì hoạt động”.