Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Làn sóng đổ tiền tỷ vào nông nghiệp công nghệ cao

“Chưa bao giờ xã hội có sự quan tâm đến nông nghiệp như hiện nay khi hàng loạt doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Sự chuyển hướng này mang theo khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Điều này kỳ vọng cho sự bứt phá mạnh mẽ của nền nông nghiệp Việt Nam...” – Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá.

Đổ bạc tỷ vào nông nghiệp

Năm 2016, đánh dấu sự tham gia của rất nhiều “đại gia” đầu tư vào nông nghiệp từ Trường Hải, Hòa Phát, Vingroup, cho đến cánh chim đầu đàn về công nghệ thông tin FPT...

Đây là những doanh nghiệp được đánh giá sẽ tạo nên sự thay đổi cả về chất và lượng cho ngành nông nghiệp nước nhà.

Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ôtô Trường Hải (Thaco), đồng thời là Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh, cho hay công ty sẽ bắt tay vào xây dựng mô hình trồng lúa công nghệ cao, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến tại một tỉnh phía Bắc.

“Cây lúa trồng ở miền Nam đã tốt, đạt năng suất cao nên tôi chọn miền Bắc để đầu tư. Tôi nhận thấy nền nông nghiệp chúng ta đã đến mức không thể phát triển được nữa.

Nếu không có công nghiệp nông nghiệp, không có tiền để bù lỗ cho nông nghiệp như các nước khác sẽ khó có thể thành công, nên tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm dấn thân”- ông Dương tâm sự.

Theo ông Dương, điểm yếu của nông nghiệp Việt Nam không phải xuất phát từ năng suất của cây trồng mà là do thất thoát quá nhiều sau thu hoạch và vận chuyển, chất lượng nông sản giảm sút.

Vì vậy, ông đã nghĩ đến việc nghiên cứu ra mô hình làm nông nghiệp tập trung, dùng máy móc để hỗ trợ cho việc sản xuất, thu hoạch nông sản.

Ông Vũ Văn Tiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) chia sẻ, hiện nay tỷ trọng doanh nghiệp tham gia vào nông nghiệp quá ít.

Vì vậy, việc phát động doanh nghiệp đầu tư vào ngành cần hướng đến phân khúc nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm chất lượng cao. Bởi an toàn thực phẩm đang là vấn đề “nhức nhối” của toàn xã hội.

Nếu không làm ngay, làm nhanh thì sẽ bị căn bệnh ung thư tấn công, nguy cơ ảnh hưởng đến giống nòi người Việt trong tương lai.

Ứng dụng công nghệ cao là xu thế tất yếu

Theo TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế T.Ư (CIEM), khi có thêm các doanh nghiệp ngoài ngành đổ vốn vào nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, đây là dấu hiệu quá tốt, vì lâu nay vốn đầu tư cho lĩnh vực này vẫn rất thấp. Và họ sẽ góp phần tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn cho ngành nông nghiệp nói chung.

“Theo tôi, cách nhìn nhận về giá trị gia tăng của nông nghiệp đã thay đổi đáng kể. Thứ nhất, thời kỳ nông sản giá rẻ đã dần qua rồi, mặc dù vẫn có nhiều mặt hàng giá cả bấp bênh, song nhờ đầu tư , người ta có thể tạo ra được những giá trị gia tăng cao hơn. Thứ hai, nhiều doanh nghiệp bắt đầu nhìn nhận nông nghiệp theo chuỗi giá trị, nghĩa là không phải nông nghiệp thuần túy, mà đó là chế biến, tiêu thụ, đa dạng sản phẩm” – ông Thành cho hay.

Theo các chuyên gia kinh tế, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng thu hút vốn đầu tư để tái cơ cấu toàn diện. Nông nghiệp cũng là lĩnh vực có nhiều lợi thế và tiềm năng ở Việt Nam.

Tuy nhiên, để thu hút nhiều hơn nữa các doanh nghiệp đầu tàu này vào lĩnh vực được đánh giá là rất nhiều rủi ro, Nhà nước cần tháo gỡ các vướng mắc khó khăn về việc tiếp cận đất đai, thủ tục hành chính, thuế… cho các doanh nghiệp.

TS Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn - đưa ra ba giải pháp: Thứ nhất, cần đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thông huyết mạch giao thông.

Thứ hai, cung cấp đất sạch, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động cho thuê, giao đất, góp đất, kể cả đất của dân, của nông lâm trường trước đây…

Thứ ba, giảm tối đa các phí, thuế có liên quan cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, khấu trừ thuế VAT cho nguyên liệu vật tư thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp.

Với việc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo dành từ 50.000 - 60.000 tỷ đồng ưu đãi cho nông nghiệp và hàng loạt chỉ đạo sửa đổi, tháo gỡ vướng mắc về tích tụ ruộng đất, thủ tục hành chính... và đặc biệt là nhu cầu có thực của thị trường, nông nghiệp được đánh giá sẽ là kênh hút nhiều vốn đầu tư nhất trong năm nay.

Theo San Nguyễn (Dân Việt)