Thách thức từ cách mạng 4.0: Trường đại học dễ thua doanh nghiệp về nghiên cứu, đào tạo
Trong cách mạng công nghiệp 4.0, hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của các trường đại học sẽ đối mặt với các yêu cầu cải cách và cạnh tranh mới. Nhiều tập đoàn công nghệ mạnh sẽ có nhiều trải nghiệm quý giá mà giới hàn lâm đại học không có được.
Thực tế này được nêu tại hội thảo quốc tế “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và ứng dụng tại các trường đại học, cao đẳng Việt Nam” do Hiệp hội Các trường đại học và cao đẳng Việt Nam (AVU&C) tổ chức ngày 24/2 tại TPHCM.
Tiến sỹ (TS) khoa học Phan Quang Trung - Phó Chủ tịch AVU&C - cho rằng, cách mạng 4.0 có thể đưa đến tình trạng bất bình đẳng lớn hơn, đặc biệt là nguy cơ phá vỡ thị trường lao động. Trong tương lai, tài năng, tri thức sẽ là yếu tố quan trọng của sản xuất hơn là yếu tố vốn, khiến thị trường việc làm ngày càng tách biệt.
Do đó, khu vực giáo dục đại học đang đứng trước nhiều thách thức rất lớn như không thể dự đoán các kỹ năng mà thị trường lao động sẽ cần do tốc độ thay đổi công nghệ diễn ra quá nhanh; các hoạt động đào tạo và nghiên cứu đối mặt với các yêu cầu cải cách và cạnh tranh mới. Nhiều tập đoàn công nghệ mạnh sẽ có nhiều trải nghiệm quý giá mà giới hàn lâm đại học không có.
"Điều đó làm giảm đáng kể ranh giới và khoảng cách về tri thức, khả năng sáng tạo giữa khu vực đại học và công nghiệp.
Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi giáo dục phải đem lại cho người học những kỹ năng, kiến thức cơ bản lẫn tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với các thách thức và yêu cầu công việc thay đổi liên tục để tránh nguy cơ bị đào thải" - ông Trung nói.
Theo TS Mạc Văn Tiến - Tổng cục Dạy nghề, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, để đáp ứng nhân lực cho nền kinh tế sáng tạo, hoạt động đào tạo phải thay đổi, nhất là về phương thức và phương pháp với sự ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin.
Nhà trường cần chuyển đổi sang mô hình “chỉ đào tạo những gì thị trường cần” và hướng tới “chỉ đào tạo những gì thị trường sẽ cần”.
Với mô hình này, sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp chặt chẽ hơn, đồng thời đẩy mạnh việc hình thành các cơ sở đào tạo trong doanh nghiệp để chia sẻ các nguồn lực chung.
Chia sẻ về sự chuẩn bị dài hạn cho cách mạng 4.0, TS Mai Thanh Phong - Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa TPHCM, nhà trường cho biết, trường có các chương trình đào tạo đội ngũ giảng viên và quản lý với các đối tác công ty, trường đại học nước ngoài.
Phương pháp giảng dạy của trường là hướng người học đi theo quy trình “hình thành ý tưởng - thiết kế - triển khai – vận hành”.
"Chúng ta không thể làm gì với cách mạng công nghiệp 4.0 nếu như chất lượng nhân lực đang ở tầm của cách mạng công nghiệp 1.0.
Việc nhận thức và chuẩn bị đón đầu cách mạng 4.0 là cần thiết. Đại học là một tổ chức tiên phong trong vấn đề này, do việc đào tạo con người mất nhiều thời gian, nhân lực và tài lực.
Vì vậy, Chính phủ nên có chính sách đầu tư trọng điểm cho các trường đại học tiềm năng nhằm ươm mầm hình thành các tổ chức đào tạo và nghiên cứu mạnh" - TS Phong nói.