Doanh nghiệp càng lớn, càng cần đổi mới để phát triển bền vững

Doanh nghiệp càng lớn mạnh thì càng ít khi chấp nhận rủi ro và sai lầm dẫn đến việc họ ít tạo ra những giá trị mới cho cộng đồng. Vậy doanh nghiệp lớn và lâu đời cần làm gì để khẳng định vị trí của mình trước sự phát triển mạnh của cộng đồng khởi nghiệp hiện nay?

Tại không gian của Saigon Innovation Hub chiều ngày 16/03/2017 đã diễn ra buổi hội thảo mang tên “Giải pháp nhằm tạo ra những đổi mới đột phá cho doanh nghiệp”.

Tham dự buổi hội thảo gồm có Giáo sư Christopher Westland -Trường Đại học Illinois; ông Nguyễn Bá Quỳnh - Giám đốc khối Khách hàng Chính phủ và Doanh nghiệp Nhà nước của Microsoft Việt Nam; ông Adrian Tan - Giám đốc Chương trình huấn luyện của Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA), và ông Brian Cotter - Chuyên gia về đổi mới sáng tạo của UNICEF.

Chủ đề được người tham dự quan tâm là làm thế nào để một công ty có thể liên tục đổi mới, sáng tạo nhằm hướng đến sự phát triển bền vững trong tương lai.

"Trước hết, chúng ta cần hiểu rõ “Đổi mới là gì?” – ông Brian Cotter mở đầu buổi giao lưu: “Đổi mới là thay đổi, là tạo ra những qui trình, sản phẩm hay cách làm mới và khác biệt nhằm mục đích giải quyết một vấn đề nào đó hiệu quả hơn. Đổi mới không có nghĩa chúng ta phải tạo ra phát minh, có thể đó chỉ là thay đổi mô hình kinh doanh hay thích nghi với môi trường mới để cung cấp các sản phẩm tốt hơn". 

Đối với một đất nước, đổi mới góp phần tạo ra những sản phẩm tốt và khai thác tối đa những ý tưởng hay tài năng mới. Còn đối với doanh nghiệp, đổi mới chính là yếu tố cơ bản để có thể đạt được tăng trưởng nhanh chóng.

Các tổng công ty và tập đoàn lớn luôn có ý thức đổi mới và họ cũng coi đổi mới là một phần không thể tách rời trong chiến lược phát triển của họ.

Tuy nhiên, chúng ta lại dễ dàng thấy rằng, những đổi mới sáng tạo thường xuất hiện và phát triển bên ngoài phạm vi của những tập đoàn đã phát triển, mà cụ thể hơn là trong cộng đồng khởi nghiệp đông đảo hiện nay.

Họ có ý tưởng mới, ý tưởng hay và muốn thử nghiệm xem có khả thi không. Do đó, họ lập doanh nghiệp mới với những ý tưởng “táo bạo, điên rồ” và không ngại thất bại. Như vậy, trong cuộc chiến đổi mới ngày càng gay gắt, thách thức dành cho các doanh nghiệp lớn và lâu đời chính là làm thế nào để vượt qua những giá trị cũ, tiếp tục đổi mới thành công, giữ được chỗ đứng vững chắc trên thị trường?

Theo ông Adrian Tan, “Doanh nghiệp càng lớn mạnh thì những ý tưởng mới, những giải pháp cấp tiến càng ít có cơ hội được thực thi. Tuy nhiên, quá trình đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp sẽ trở nên dễ dàng và hiệu quả nếu họ biết áp dụng đúng phương pháp.".

Bí quyết đầu tiên cho doanh nghiệp lớn là “giải phóng” các nhà lãnh đạo mới. Theo nghiên cứu, đôi khi những cuộc họp bàn mang tính chất “truyền thống” lại góp phần làm hạn chế khả năng đột phá. Đó là lí do tại sao doanh nghiệp nên khuyến khích những nhà lãnh đạo đổi mới thoát khỏi những khuôn mẫu thường nhật và cho phép họ áp dụng những cách riêng, dù có khi những ý tưởng táo bạo của họ chưa thể định hình một cách rõ ràng nhất.

Tiếp theo, doanh nghiệp lớn phải chịu chấp nhận rủi ro và sai lầm – điều mà họ nên học tập từ các công ty khởi nghiệp.

Thực ra khi đổi mới, sai lầm không có nghĩa là thất bại mà ngược lại còn là nguồn thông tin quan trọng và quý giá giúp doanh nghiệp tìm ra hướng đi hợp lý để cải thiện sản phẩm/dịch vụ. Về lâu dài, đây sẽ là con đường duy nhất để tạo ra sự đổi mới bền vững.

Cuối cùng là tối ưu hóa nguồn tài sản của doanh nghiệp. Doanh nghiệp lớn có một nguồn tài sản vô giá mà các startups luôn ao ước, đó là những kinh nghiệm tích lũy được qua nhiều năm hoạt động, danh tiếng thương hiệu, các mối quan hệ đối tác và khách hàng…

Việc doanh nghiệp cần làm là tận dụng những “lợi thế cạnh tranh” này để tạo ra đổi mới thay thế những khuôn khổ cũ đang tồn tại.

Thảo Vy - Khampha

Tin tứcQuântin tức