Phát triển mỗi xã một sản phẩm trong xây dựng nông thôn mới
Ngày 2/3, tại TP. Hạ Long, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự và chỉ đạo hội nghị “Mỗi xã một sản phẩm trong xây dựng nông thôn mới, gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận, biểu dương các địa phương vào cuộc thực hiện chương trình phát triển kinh tế ngành nghề nông thôn, đặc biệt là mô hình “mỗi làng một sản phẩm” do Bộ NN&PTNT khởi xướng và triển khai thí điểm từ năm 2008 tại một số địa phương.
Từ năm 2013, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt và triển khai đề án “Tỉnh Quảng Ninh - mỗi xã, phường một sản phẩm”, đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh đầu tiên của cả nước triển khai thực hiện chương trình này một cách có bài bản, có hệ thống.
Từ thực tiễn triển khai mô hình được Bộ NN&PTNT tổng kết, nhất là từ thực tiễn 3 năm triển khai của tỉnh Quảng Ninh cho thấy đây là chương trình không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về phát triển sản xuất, mà còn có ý nghĩa trong giải quyết những vấn đề quan trọng của nông thôn như:
Giảm nghèo, việc làm, phát huy tính sáng tạo, trí tuệ của người dân, xây dựng được những tổ chức liên kết kinh tế cộng đồng bền vững, tăng khả năng sản xuất và tiêu thụ, tạo ra nhiều việc làm ổn định, đồng thời tăng thu nhập cho người dân địa phương...
Bên cạnh những kết quả nổi bật nêu trên, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trong triển khai chương trình “mỗi xã một sản phẩm” thời gian qua cũng còn bộc lộ một số mặt hạn chế, cần được khắc phục, rút kinh nghiệm.
Chương trình đã được triển khai, nhưng chưa đều khắp ở các địa phương; chưa gắn việc phát triển các sản phẩm phi nông nghiệp với tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp.
Việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (trong đó có phong trào “Mỗi xã một sản phẩm”) ở các địa phương chưa gắn liền với Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Hầu hết làng nghề chưa chủ động được nguồn nguyên liệu và có quy mô tập trung để sản xuất hàng hóa lớn.
Công nghệ sản xuất và thiết bị phần lớn ở trình độ lạc hậu, thủ công, bán cơ khí. Hạn chế về cơ sở hạ tầng, thiếu vốn, lao động có tay nghề và nghệ nhân, các vấn đề ô nhiễm môi trường...
Phó Thủ tướng cũng cho rằng, thị trường tiêu thụ sản phẩm, khả năng xúc tiến thương mại của làng nghề còn yếu. Các sản phẩm ngành nghề nông thôn gắn với du lịch còn ít, chỉ tập trung ở một số làng nghề truyền thống…
Doanh nghiệp còn chưa thực sự vào cuộc, chưa tạo động lực để thúc đẩy kinh tế phi nông nghiệp phát triển.Hoạt động của các HTX, tổ HTX còn lúng túng, chưa hiệu quả.
Theo Phó Thủ tướng, để phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người nông dân, một mặt phải tái cấu trúc nông nghiệp để tạo ra một nền sản xuất hàng hoá, có năng suất, chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.
Một mặt phải đẩy mạnh phát triển kinh tế phi nông nghiệp ở nông thôn, bao gồm các sản phẩm ngành nghề truyền thống, các sản phẩm ngành nghề mới.
"Muốn tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp, phải giảm số lượng lao động nông thôn, tích tụ ruộng đất. Cùng với đó, phải phát triển công nghiệp, lấy công nghiệp làm nền tảng để chuyển một phần lớn lao động từ nông nghiệp, nông thôn, tạo ra sản phẩm, nâng cao đời sống người dân. Phát triển kinh tế phi nông nghiệp cũng sẽ góp phần quan trọng để giảm dòng người dịch chuyển từ nông thôn ra các đô thị lớn", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành Trung ương khẩn trương hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý cũng như các cơ chế, chính sách cho phát triển ngành nghề phi nông nghiệp ở nông thôn, xây dựng cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phát triển kinh tế phi nông nghiệp.
Phó Thủ tướng yêu cầu phải tổ chức quy hoạch lại sản xuất ở nông thôn, bao gồm sản xuất nông nghiệp, phi nông nghiệp, bao gồm các sản phẩm, ngành nghề truyền thống, ngành nghề mới, xác định các sản phẩm chủ lực để ưu tiên huy động nguồn lực phát triển.
Trên cơ sở quy hoạch đã có, cần xây dựng kế hoạch thực hiện, trong đó phải nêu rõ các nguồn lực cần đáp ứng như vốn, lao động, khoa học công nghệ…, từ đó đề xuất các giải pháp để triển khai thực hiện.
“Người dân phải là chủ thể tham gia sản xuất, tạo ra sản phẩm; lấy doanh nghiệp, HTX, tổ HTX làm động lực cung cấp dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, lo vốn, khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm, phân chia lợi ích”, Phó Thủ tướng cho biết.
Cùng với đó, Nhà nước có vai trò hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân thông qua các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi nhất về đất đai, vốn, đào tạo... để doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất kinh doanh.
Các địa phương cũng phải tạo điều kiện thật tốt để các nhà khoa học, các nhà tư vấn tham gia vào quá trình tạo ra sản phẩm, liên kết chuỗi giá trị.