Thay đổi tư duy làm nông nghiệp với phương pháp hữu cơ vi sinh
Tốt nghiệp ngành tin học, nhưng Bùi Ngọc Châu (SN 1982, xã Tiên Cẩm, Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) lại trở thành chuyên gia tư vấn nông nghiệp, tham gia vào rất nhiều dự án nông nghiệp lớn trên cả nước, chìa khóa để chàng thanh niên này thành công là thay đổi tư duy làm nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ hữu cơ vi sinh.
“Bén duyên” với nông nghiệp
Châu kể, mình “bén duyên” với ngành nông nghiệp khi một lần sang Thái Lan, được tận mắt thấy những nông dân nước bạn làm việc rất chuyên nghiệp.
Họ không sử dụng bất kỳ loại hóa chất bảo vệ thực vật hay thức ăn tăng trưởng nào nhưng sản phẩm vẫn đạt chất lượng và năng suất.
Và đặc biệt, môi trường nông nghiệp tại đây rất trong lành, sạch sẽ. Nông dân cũng không lam lũ như ở Việt Nam, họ giống như ông chủ trong trang trại của mình và có thu nhập cao từ nghề nông.
Anh Châu chia sẻ: “Lâu nay, chúng ta vẫn chưa định hình được một phương pháp cụ thể khi làm nông nghiệp. Nông dân vẫn đang áp dụng cùng một lúc 3 phương pháp là truyền thống, vô cơ và hữu cơ.
Ví dụ dễ hiểu, trên cùng một đơn vị diện tích trồng lúa, họ vừa bón phân thô, sau đó lại bón tiếp các loại phân hóa học và phun thuốc trừ sâu.
Như vậy, khi có dịch bệnh sẽ rất khó tìm ra nguyên nhân và hơn nữa năng suất, chất lượng cũng không đồng đều qua các năm. Muốn cải thiện được thực trạng này, chúng ta nên chọn một phương pháp cụ thể để áp dụng”.
Khi trở về nước, anh Châu bắt tay ngay vào việc nghiên cứu phương pháp hữu cơ vi sinh. Ban đầu anh nhờ các nhà khoa học có chuyên ngành liên quan vi sinh ở Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.Hồ Chí Minh hướng dẫn.
Ngoài ra, Châu còn tìm tòi, học hỏi thêm kiến thức trên nhiều nguồn tài liệu. Sau khi tạo được thành công một loại men vi sinh hữu cơ trong phòng thí nghiệm, anh trở về Quảng Nam và bắt đầu thử nghiệm thực tế. Năm 2008, anh Châu mở một trang trại nuôi bồ câu.
Bằng những kiến thức có được trong thời gian dài nghiên cứu, anh đã áp dụng thành công việc xử lý phân và mùi hôi trong chuồng nuôi bằng phương pháp ủ men vi sinh. Năm 2012, cũng bằng phương pháp này anh áp dụng làm đệm lót sinh học cho mô hình nuôi heo của mình.
Trong giai đoạn này, anh còn sản xuất được thức ăn cho heo từ các phế phẩm nông nghiệp như thân cây bắp, lá cây... bằng phương pháp vi sinh.
Với những thành công trên thực tiễn, anh Châu được các nhà khoa học tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.Hồ Chí Minh giới thiệu cho các dự án tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Nông và TP.Hồ Chí Minh...
Tại những nơi này, anh Châu đã triển khai thành công phương áp hữu cơ vi sinh đối với nhiều loại đối tượng sản xuất khác nhau như tiêu, cà tím, cải... Từ đó, anh liên kết tư vấn nông nghiệp cho nhiều đơn vị, cá nhân ở các tỉnh thành khác trên cả nước.
Thay đổi tư duy làm nông nghiệp
Anh Châu hiện có 4 cơ sở sản xuất nguyên liệu đầu vào trong canh tác hữu cơ để cung cấp cho nông dân ở Đà Lạt, Đắk Nông, Đắk Lắk và Tiên Phước. Ngoài ra, anh còn liên kết tư vấn cho rất nhiều dự án lớn của các đơn vị trong và ngoài nước.
Nói về những lợi ích của việc áp dụng phương pháp hữu cơ vi sinh trong nông nghiệp, anh Châu chia sẻ: “Nguồn nguyên liệu để sản xuất phân vi sinh đều từ các chất hữu cơ quen thuộc trong môi trường xung quanh nên để triển khai mô hình, người dân không tốn nhiều chi phí.
Hơn nữa, để tạo được một loại phân đúng chất lượng sẽ không có mùi hôi thối. Nếu có mùi hôi thì đó là loại phân gây hại cho cây giống.
Như vậy, việc áp dụng phương pháp này hoàn toàn có lợi cho môi trường xung quanh vì nó không gây ô nhiễm. Và quan trọng nhất, một thực phẩm được tạo ra từ quá trình không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào thì sẽ đảm bảo chất lượng”.
Minh chứng cho điều đó, tại các tổ hợp tác, hợp tác xã và gia trại cá nhân ở Đà Lạt, Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu), Đắk Lắk... có liên kết với anh Châu để sản xuất rau sạch, cà phê sạch, tiêu hữu cơ... thì sản phẩm đầu ra rất đạt chất lượng và cho năng suất cao. Khi tiếp nhận một dự án, anh Châu luôn cam kết sẽ cho ra sản phẩm tốt.
Và khâu mà anh bắt tay vào làm đầu tiên là tìm hiểu và xử lý các chất độc hại trong đất. Bởi anh quan niệm, đất tốt thì cây sẽ sinh trưởng và phát triển.
Theo anh Châu, bản chất của ngành nông nghiệp hiện đại phải đảm bảo được 4 tiêu chí: sản phẩm không chứa chất độc hại; quá trình canh tác phải an toàn cho người canh tác trực tiếp, sản xuất phải đảm bảo vệ sinh môi trường; giảm công lao động và nâng cao năng suất; tiết kiệm chi phí đầu tư.
Và phương pháp hữu cơ vi sinh đáp ứng được những yêu cầu nói trên. Trong buổi gặp gỡ giữa UBND tỉnh Quảng Nam và các nông dân trí thức trẻ vừa qua, anh Châu phát biểu:
“Quảng Nam có một lợi thế để thành lập trung tâm nghiên cứu công nghệ cao theo phương pháp hữu cơ vi sinh áp dụng trong nông nghiệp. Bởi chúng ta có một vùng rộng lớn chăn nuôi gia súc ở Điện Bàn, Đại Lộc và nhiều vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo.
Nếu đầu tư, chúng ta sẽ có một chuỗi liên kết khép kín về nông nghiệp để tạo ra sản phẩm chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế hiện nay”. “Hiến kế” này được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đánh giá cao và đề nghị anh Châu sớm làm kế hoạch cụ thể để nghiên cứu triển khai trong thời gian tới.
Để chuẩn bị cho những dự định lâu dài, vừa qua anh Châu thành lập Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp hữu cơ Tiên Phước do anh làm giám đốc.
“Đây được cho là nền móng để tôi thực hiện trách nhiệm của một người trẻ đối với việc phát triển ngành nông nghiệp sạch của tỉnh cũng như cả nước” - anh Châu nói.
Theo Cổng TTĐT Tiên Phước