Bình Thuận trồng thanh long sạch công nghệ cao

Bình Thuận đang quy hoạch Trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho cây thanh long tại huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc, với diện tích gần 10.000 ha.

“Khóa” diện tích, “mở” chất lượng

Đó là khẳng định của anh Đỗ Khắc Đông Nghi, sở hữu trang trại thanh long đến 9 ha tại H.Hàm Thuận Bắc vừa được công nhận đạt chất lượng châu Âu (Global GAP). Theo anh Nghi, hiện nay xu thế của người trồng thanh long tại Bình Thuận (nơi có diện tích và sản lượng lớn nhất VN) là “khóa” diện tích và “mở” chất lượng.

Sở dĩ có sự chuyển hướng rõ nét này là do thị trường Trung Quốc, nơi thu mua 80% trái thanh long của VN thời gian qua, cũng đã bắt đầu chuyển sang nhập loại trái cây này theo hướng chất lượng cao, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Anh Nghi cho biết: “Mấy ngày nay một doanh nghiệp (DN) của Trung Quốc đề nghị được tham quan trang trại của tôi để ký hợp đồng mua thanh long dài hạn.

Tôi chưa chấp nhận cho vào quan sát vườn vì để thăm dò xem họ có toàn tâm muốn tiếp cận công nghệ trồng thanh long chất lượng cao của tôi hay không”.

Cũng theo anh Nghi, hiện nay thanh long sạch là sự chuyển hướng của thị trường Trung Quốc. Các thương nhân Trung Quốc bắt đầu mua theo phương thức ký hợp đồng, có bảo lãnh để thu được “hàng sạch”. Do vậy, nếu ta còn sản xuất theo phương thức cũ (lạm dụng thuốc BVTV) sẽ khó bán và nhiều khả năng bị ép giá do không đạt chất lượng.

“Nếu có hàng sạch, bà con không lo đầu ra vì không chỉ những thương nhân Trung Quốc bao hàng, mà rất nhiều DN tại TP.HCM mua để xuất đi Dubai, Hàn Quốc, Đức và nhiều thị trường khó tính khác như Mỹ”, anh Nghi nói.

Bà Lê Thị Sương, nông dân ở xã Hàm Mỹ (H.Hàm Thuận Nam), đang trồng 1.300 trụ thanh long (khoảng 1,3 ha) theo hướng chất lượng cao: chỉ sử dụng phân hữu cơ vi sinh hoặc phân chuồng, không sử dụng thuốc trừ sâu, nên giá bán cũng gấp 2 lần thanh long thường. “Nếu giá bán thanh long đi Trung Quốc chừng 18.000 đồng/kg thì tôi bán cho các DN đi châu Âu từ 32.000 - 35.000 đồng/kg. Mình trồng thanh long thường, dễ dãi đầu ra thì dễ bị thua lỗ khi gặp rủi ro”, bà Sương nói.

Phải đầu tư bài bản

Chị Nguyễn Thị Ngọc, chủ một DN ở Hàm Thuận Nam, cho biết DN của chị lâu nay chuyên thu mua thanh long xuất khẩu tiểu ngạch đi Trung Quốc. Nhưng từ đầu năm đến nay, chị ký hợp đồng xuất hàng sạch với các DN Trung Quốc mà không trực tiếp chở hàng sang Pò Chài như trước đây.

“Buôn bán tiểu ngạch rủi ro cực cao, nếu không ký hợp đồng trước thì nguy cơ lỗ là khó tránh khỏi. Nên bây giờ, tôi chuyển sang thu mua hàng từ các nhà vườn đạt chất lượng Global GAP hay những nhà vườn tiêu chuẩn Viet GAP”, chị Ngọc cho hay.

Để kinh doanh thanh long sạch, DN của chị Ngọc cũng phải đầu tư hàng tỉ đồng để mua máy rửa trái, lắp ráp kho lạnh. “Bây giờ thương nhân Trung Quốc họ mua hàng tận nhà vườn và rành xuất xứ từng vùng thanh long ở đây. Nếu mình không làm ăn đàng hoàng, không đầu tư bài bản sẽ không cạnh tranh được với họ”, chị Ngọc chia sẻ.

Anh Đỗ Khắc Đông Nghi cho biết, trang trại của anh được đầu tư hệ thống tưới theo công nghệ đặc biệt, vừa tiết kiệm nước vừa có tác dụng phòng bệnh đốm trắng (một bệnh trên thanh long chưa có thuốc đặc trị). Mặt khác, trang trại của anh còn nhập hàng trăm triệu đồng thiết bị từ Đức để bao trái thanh long từ lúc còn nhỏ. “Mình đầu tư bài bản, lấy chất lượng làm đầu thì không sợ thiếu thị trường”, anh Nghi nói.

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng phòng Nông nghiệp H.Hàm Thuận Nam, hiện trên địa bàn có gần 6.000 ha thanh long được đầu tư sản xuất theo quy trình Viet GAP, Global GAP hay Euro GAP. “Thấy được ích lợi từ làm thanh long sạch, nên phần lớn nông dân trong huyện có bước chuyển khá nhanh”, ông Phúc nói.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết tỉnh đang chủ trương quy hoạch lại từng vùng thanh long. Theo đó, sẽ có vùng chuyên canh thanh long ứng dụng công nghệ cao ở Hàm Thuận Nam và một số vùng lân cận.

“Chúng tôi không khuyến khích người dân mở rộng diện tích, vì hiện nay toàn tỉnh đã có khoảng 27.000 ha (sản lượng khoảng 600.000 tấn/năm), mà hướng đến thanh long sạch. Thực tế ở các vùng chuyên canh như Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình cũng đã có những mô hình HTX làm ăn hiệu quả nhờ chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng trồng thanh long sạch.

Chỉ có làm thanh long sạch mới duy trì và tạo thị trường ổn định, bền vững cho nông dân và ngành nông nghiệp của tỉnh”, ông Nam nhấn mạnh.

Anh Huỳnh Cảnh, đại biểu HĐND H.Hàm Thuận Nam trồng 25 ha thanh long theo tiêu chuẩn châu Âu. Theo anh Cảnh, trồng thanh long sạch tuy không khó nhưng phải tuân thủ tuyệt đối quy trình về công nghệ; thực hiện đúng các bước mà tiêu chuẩn toàn cầu về kiểm dịch nông sản quy định, nhằm bảo vệ người tiêu dùng, không lạm dụng thuốc BVTV.

 

“Do vậy, nếu bà con chuyển dịch sang trồng thanh long chất lượng cao, không chỉ duy trì thương hiệu thanh long Bình Thuận mà còn có hiệu quả kinh tế rất cao vì uy tín của sản phẩm sạch”, anh Cảnh nói.

Theo Thanhnien