Chàng kỹ sư cơ điện bén duyên với nông nghiệp công nghệ cao

Trong khán phòng quy tụ các doanh nghiệp khởi nghiệp vừa và nhỏ của Thái Lan, Mỹ, Nhật..., chàng kỹ sư cơ điện tử người Việt tự tin giới thiệu dự án ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp sạch, thu hút cả trăm người nghe.

Đó là Nguyễn Đức Máy (25 tuổi) - phó giám đốc Công ty cổ phần Chè Cầu Đất, Đà Lạt (Lâm Đồng), người vừa được Bộ Thương mại Thái Lan mời tham gia diễn đàn “Kinh tế mới” với vai trò diễn giả của VN, tổ chức tại Bangkok đầu năm nay.

Rời phố, lên đồi

Hai năm trước, Máy được nhiều người biết đến sau khi giành giải nhất giải thưởng tài năng Lương Văn Can khi đang là sinh viên năm cuối khoa cơ khí Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng.

Nhiều lời mời hấp dẫn về các công ty, tập đoàn tại VN, Nhật Bản và học bổng thạc sĩ ở Đài Loan đến với anh. Nhưng sau thời gian ấy, Máy “lặn mất tăm”, không thấy ở thành phố mà cũng chẳng xuất ngoại.

Thật ra, đó là giai đoạn anh hiện thực hóa hướng đi riêng, gắn với nông nghiệp sạch. Máy cùng các cộng sự “bỏ phố” lên đồi chè Cầu Đất để ứng dụng giải pháp nông nghiệp thông minh mà mình đầy tâm huyết.

“Lăn lộn” với người nông dân, có lúc nản chí tưởng chừng bỏ cuộc, nhưng giờ nhìn lại Máy vẫn khẳng định không hối hận. “Chúng tôi còn trẻ nên sẵn sàng đi những con đường khác biệt, thậm chí mạo hiểm, nhưng cái mình tích lũy được là kinh nghiệm và sự trải nghiệm” - Máy quả quyết.

Giữa đồi chè bạt ngàn trên cao nguyên lộng gió, xuất hiện một quán cà phê container mang phong cách hiện đại mà bất cứ ai lên đây cũng phải đến. Du khách vừa ngắm cảnh, chụp hình, lại có cơ hội thưởng thức các loại trà được trồng ngay tại Cầu Đất.

Chia sẻ về ý tưởng của mình, Máy bảo: “Du khách đến đây nườm nượp, sao không xây dựng một chỗ nghỉ chân cho họ, vừa là nơi để thưởng thức sản phẩm, quảng bá thương hiệu?”.

Rồi bạn cùng các cộng sự thiết kế và cho ra đời quán cà phê độc đáo này. Ngày thường quán đón 300-500 khách, dịp lễ thu hút cả ngàn lượt khách ghé thăm, doanh thu mỗi tháng đều trên 300 triệu đồng.

Dù là kỹ sư cơ điện tử nhưng từ khi lên đồi chè, Máy làm tất tần tật mọi việc từ cuốc đất, lái máy cày đến lập quy hoạch, quản lý nhân sự... với lý lẽ rất đơn giản:

“Mình là kỹ sư nhưng kinh nghiệm thực tế không bằng người nông dân thì phải trải nghiệm mới tạo ra các sản phẩm thiết thực cho họ. Hiểu được con người, vùng đất mới làm nông nghiệp được”.

Có lẽ vì thế mà anh đã nghiên cứu những nhà kính trồng rau, củ, quả phù hợp địa hình cao trên 1.650m như Cầu Đất, chịu được gió lớn và dễ tháo lắp. Không những thế, các nhà kính và khung đỡ giàn rau thủy canh được thiết kế, thi công với giá rẻ, phù hợp nhu cầu sử dụng của người nông dân tại Đà Lạt.

Ông Mai Văn Khẩn, giám đốc HTX Tân Tiến (Đà Lạt), cho biết HTX dự kiến lắp giàn rau thủy canh trên diện tích 1.000m2. Hiện Máy và các kỹ sư đã lắp được 506m2, đồng thời chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, trồng rau... cho nông dân.

“Chúng tôi đã trồng được ba lứa rau xà lách thủy canh, đều cho kết quả tốt nên rất tin tưởng vào năng lực và sự nhiệt tình của những người trẻ như Máy” - ông Khẩn nói.

Tuy nhiên, sản phẩm tâm huyết nhất của Máy là bộ điều khiển và giám sát tưới tiêu tự động. Các thông số về sự phát triển của rau, nhiệt độ, độ ẩm... đều được giám sát tự động, điều khiển bằng điện thoại và lưu trữ dữ liệu qua điện toán đám mây.

Ngồi trong phòng, Máy có thể theo dõi cơ sở dữ liệu để biết chu kỳ sinh trưởng các loại rau từ khi gieo hạt đến lúc thu hoạch. Trên diện tích 3.000m2, vườn rau thủy canh trồng trong nhà kính tại Cầu Đất thu hoạch 2-3 tạ rau sạch mỗi ngày.

Ấp ủ dự án mới

Hiện tại Máy cùng các cộng sự hoàn thiện hệ thống điều khiển và giám sát tưới tiêu tự động, trong đó có kết hợp với đối tác Intel để phát triển, mở rộng hệ thống, ứng dụng giải pháp IoT cho nhiều ngành nghề khác trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

“Tôi nghĩ giàu có thật sự không phải là về tiền bạc mà là giàu các mối quan hệ, sức khỏe tốt, sự trải nghiệm và không ngừng tự hoàn thiện. Do vậy, chúng tôi xác định tiếp tục chọn con đường riêng gắn với nông nghiệp sạch” - Máy bộc bạch.

Máy chia sẻ thêm một dự án mới mình ấp ủ về đầm Sam ở Huế trồng rừng ngập mặn. Anh dự định xây dựng một hệ sinh thái về môi trường và văn hóa trên vùng đầm phá kém phát triển này. “Huế có nhiều điều kiện để phát triển lắm, mình có hoài bão và trải nghiệm nhất định thì phải đặt nền móng để tìm hướng phát triển bền vững cho quê hương” - Máy khẳng định.

Sau khi trồng rừng, Máy sẽ nuôi cá, tôm theo hình thức quảng canh, không sử dụng thức ăn công nghiệp để tái tạo hệ sinh thái đầm phá, rồi làm homestay để du khách có thể trải nghiệm đời sống dân cư đầm phá hoàn toàn miễn phí.

Bạn đang dành thời gian về miền Tây để nghiên cứu các mô hình khai thác du lịch hệ sinh thái rừng ngập mặn và sẽ bắt đầu thực hiện ở Huế vào cuối năm nay.

Chọn con đường dũng cảm

Thạc sĩ Đỗ Thế Cần, giảng viên Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, cho biết hướng đi của kỹ sư Nguyễn Đức Máy thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, với xu hướng phát triển bền vững và sự vận động của nền kinh tế trong thời đại công nghệ đi cùng vấn đề bảo vệ môi trường.

“Một hướng đi dũng cảm vì đối mặt với nhiều thách thức và khả năng thất bại rất cao. Nhưng em ấy đã can đảm và sự ủng hộ của gia đình với em thật tuyệt vời, bởi không phải ai cũng dễ dàng để con mình bỏ phố lên đồi và chọn con đường đi khác với tư duy thông thường như thế” - ThS Cần nhấn mạnh.

Theo Tuổi trẻ