Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Tuyên Quang: Đột phá nông nghiệp bằng phát triển công nghệ tưới tiên tiến

Tuyên Quang có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển các cây trồng chủ lực như mía, chè, cam, lạc... Tuy nhiên, đầu tư vào nông nghiệp còn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn gặp một số khó khăn nhất định, trong đó có việc ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tuyên Quang, hiện nay công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn đã được nghiên cứu, phát triển và ứng dụng rộng rãi tại một số tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tại Tuyên Quang, việc ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước phục vụ cho cây trồng cạn đã bước đầu được một số cá nhân đưa vào thử nghiệm.

Đơn cử như mô hình ứng dụng tưới cho vườn cây ăn quả của ông Nguyễn Năm Châu tại thành phố Tuyên Quang; ông Trần Xuân Hạnh, Nguyễn Văn Nghiệp tại xã Bình Xa (Hàm Yên). Qua khảo sát của ngành Nông nghiệp tỉnh, các mô hình này đều cho năng suất cao hơn đến 60% so với các vườn không tưới liền kề.

Để người dân có mô hình điểm so sánh, học tập, ngành Nông nghiệp Tuyên Quang đã xây dựng 9,28 ha cây trồng chủ lực ứng dụng mô hình tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nước.

Trong đó có 5,18 ha mía thuộc xã Bình Xa, 1,1 ha cam tại xã Yên Lâm (Hàm Yên) và 3 ha chè tại xã Mỹ Bằng (Yên Sơn).

Trong số này, dự án ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho mía tại xã Bình Xa đã hoàn thành nghiệm thu, đánh giá hiệu quả và bàn giao hệ thống tưới cho địa phương quản lý, sử dụng.

Theo anh Trần Ngọc Thanh, Trưởng Phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 5,18 ha mía tại xã Bình Xa sau thu hoạch có năng suất đạt trên 79,4 tấn/ha, tăng so với mía đối chứng 22,9 tấn/ha, lợi nhuận tăng thêm 43 triệu đồng.

Anh Thanh cho biết, theo tính toán, công nghệ tưới tiết kiệm, tưới tiên tiến khi mở rộng đại trà ra vùng nguyên liệu mía sẽ tăng giá trị canh tác thêm ít nhất 20,6 triệu đồng/năm, lợi nhuận tăng thêm ít nhất 8,3 triệu đồng/năm.

Sau mô hình này, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện Yên Sơn, Sơn Dương và UBND phường Ỷ la (TP Tuyên Quang) cũng đang xây dựng các dự án thâm canh chè, mía, cây ăn quả, rau theo công nghệ tưới tiên tiến…

Tuy nhiên, kinh phí để lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới tiết kiệm vẫn còn khá cao, trong khi đó chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nước chưa nhiều.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, hiện có 2 chính sách hỗ trợ người nông dân là Quyết định 68/2013/QĐ-TTg, ngày 14-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, trong đó mức vay tối đa bằng 100% giá trị hệ thống thiết bị tưới tiên tiến, tiết kiệm nước và hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay trong 2 năm đầu, 50% trong năm thứ 3.

Hiện, Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương cũng hỗ trợ đầu tư ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt để phát triển vùng mía nguyên liệu đến năm 2020, trong đó hỗ trợ 2 triệu đồng và cho vay 20 triệu đồng không tính lãi trong 3 năm cho hộ, nhóm hộ đầu tư lắp đặt hệ thống công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây mía, có quy mô diện tích từ 2 ha trở lên.

Tuy nhiên, đến nay, chưa có tổ chức, cá nhân nào vay theo 2 chính sách hỗ trợ trên. Nguyên nhân, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là do chi phí đầu tư ban đầu đối với công nghệ này khá cao, trên 100 triệu đồng trở lên; thời gian cho vay ngắn.

Thêm vào đó, công tác tuyên truyền, phổ biến về các chính sách và nhận thức của người dân về tác dụng, hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn còn hạn chế, trên địa bàn tỉnh cũng chưa có các mô hình tưới hiệu quả để người dân học tập và triển khai ứng dụng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tuyên Quang, khi chính sách hỗ trợ khuyến khích được thông qua, người dân và doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ 50% lãi suất. Đây sẽ là động lực quan trọng để tạo sự đột phá trong nông nghiệp công nghệ cao – lĩnh vực đang thu hút sự quan tâm rất lớn của người dân và doanh nghiệp.

Theo Báo Tuyên Quang