Trồng rau trong nhà lưới kín theo quy trình VietGAP
Sử dụng nhà lưới kín trồng rau ăn lá theo quy trình VietGAP đã thực sự đem lại nhiều lợi ích cho người nông dân, giúp người tiêu dùng an tâm khi sử dụng sản phẩm.
Trong những năm qua, TPHCM đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tái cơ cấu ngành, mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao hơn và phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp đô thị của TP, góp phần xây dựng nông thôn mới và cải thiện đời sống của người dân.
Nhiều chương trình nông nghiệp trọng điểm đã được tích cực triển khai, điển hình như chương trình mục tiêu phát triển rau an toàn, vừa giúp cung cấp một lượng rau xanh cho người dân TP, vừa mang lại thu nhập khá ổn định cho người sản xuất.
Hiện nay, TPHCM có 91 xã, phường sản xuất rau với diện tích canh tác gần 4.000ha, trong đó diện tích rau được chứng nhận VietGAP là hơn 1.500ha, sản lượng ước tính 27.637 tấn/năm.
Trong điều kiện khí hậu quanh năm nóng ẩm, chỉ có hai mùa mưa và nắng như TPHCM, việc sử dụng nhà lưới kín trong canh tác rau theo quy trình VietGAP là một giải pháp hữa hiệu giúp tạo sản phẩm an toàn, sản xuất thân thiện với môi trường, an toàn lao động và an sinh xã hội vì đã giúp tăng năng suất cây trồng từ 20 tấn/ha/vụ lên 23 - 27 tấn/ha/vụ và giảm khoảng 15% chi phí phân bón.
Đây là kiểu nhà lưới dạng mái bằng hoặc mái nghiêng hai bên, được phủ hoàn toàn bằng lưới trên mái cũng như xung quanh, cửa ra vào cũng được phủ kín bằng lưới nhằm che chắn, ngăn ngừa côn trùng thâm nhập phá hoại (chủ yếu là các loại bướm, bọ cánh cứng, nhóm côn trùng bay được...) nên giảm được 20% chi phí thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm rau an toàn hơn.
Ngoài ra còn tăng số vòng quay thời vụ cho rau ăn lá do trồng được cả mùa mưa, mà chất lượng, năng suất, mẫu mã rau vẫn đảm bảo.
Tuy nhiên, để không ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng, phát triển của cây rau, đồng thời phát huy hiệu quả mô hình nhà lưới kín, đòi hỏi phải đầu tư một cách đồng bộ từ việc thiết kế độ cao khung nhà lưới, hệ thống tưới, màu sắc lưới, sử dụng lưới che chất lượng đảm bảo, có độ bền cao để tránh mau hư hỏng và rách dẫn đến côn trùng dễ dàng thâm nhập vào nhà lưới, phải thường xuyên bảo dưỡng để đảm bảo chất lượng nhà lưới.
Sử dụng nhà lưới kín trồng rau ăn lá theo quy trình VietGAP đã thực sự đem lại nhiều lợi ích cho người nông dân, giúp người tiêu dùng an tâm khi sử dụng sản phẩm, đồng thời góp phần thiết thực vào việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP.
Để biết thêm chi tiết về cách thiết kế nhà lưới kín trong trồng rau theo quy trình VietGAP, quý bà con có thể liên hệ Trung tâm Khuyến nông TPHCM (số 43 Đinh Tiên Hoàng, phường Đa Kao, quận 1, TPHCM; điện thoại 083.8221131) .
Theo SGGP