Ưu điểm của giải pháp chống xói lở bờ biển bằng kè bê tông cốt sợi phi kim
Tổng Giám đốc Busadco Hoàng Đức Thảo cho biết, bê tông cốt sợ phi kim có nhiều ưu điểm so với bê tông cốt thép thông thường về độ bền, đảm bảo khả năng chống ăn mòn trong môi trường nước mặn.
Bê tông cốt phi kim do Công ty TNHH Thoát nước và phát triển đô thị Bà Rịa - Vũng Tàu (Busadco) nghiên cứu, sản xuất là sản phẩm vừa được Bộ KH&CN lựa chọn để sử dụng cho các công trình kè sóng biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Đây là doanh nghiệp KH&CN đầu tiên tham gia tuyển chọn và thực hiện nhiệm vụ “Ứng dụng giải pháp bê tông cốt sợi phi kim nhằm tăng cường tính bền vững cho các công trình kè chắn sóng ven biển ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long dưới tác động của biến đổi khí hậu”, thuộc Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ.
Ông Hoàng Đức Thảo - Tổng Giám đốc Busadco, Chủ nhiệm đề tài cho biết, bê tông cốt sợ phi kim (sợi GFRP, PP, PE,...) có nhiều ưu điểm so với bê tông cốt thép thông thường về độ bền, đảm bảo khả năng chống ăn mòn trong môi trường nước mặn.
Đồng thời, tăng bền vững cho kết cấu công trình, thuận tiện hơn trong thi công, đáp ứng yêu cầu cho cấu kiện bê tông thành mỏng đúc sẵn.
Do được đúc sẵn trong nhà máy, nên kiểm soát được chất lượng, tiến độ và tiến độ thi công chỉ bằng 1/3 thời gian so với giải pháp truyền thống do khắc phục được bất lợi về thời tiết, khí hậu, thủy văn.
Thời gian qua, Busadco đã nghiên cứu và ứng dụng thành công các sản phẩm cấu kiện bê tông đúc sẵn cốt sợi phi kim vào các công trình hạ tầng kỹ thuật tại nhiều địa phương trong cả nước.
Điển hình như Dự án xây dựng kè và nâng bãi trồng cây chắn sóng đê biển Thái Bình; Dự án nâng cấp, xây dựng đê biển Cần Giờ, TPHCM; Dự án xây dựng hào kỹ thuật phục vụ ngầm hóa các công trình hạ tầng kỹ thuật tại Bà Rịa - Vũng Tàu,…
Ông Nguyễn Văn Chiến - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thái Bình cho biết, Ban Quản lý dự án để biển Thái Bình đã lựa chọn Busadco triển khai dự án xây dựng kè chắn sóng và nâng bãi trồng cây chắn sóng tại hai xã Đông Minh và Nam Thịnh (huyện Tiền Hải).
Công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2015. Kết quả kiểm định chất lượng công trình của Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 cho thấy, công trình này có tuổi thọ và độ bền vững hơn hẳn các công trình kè biển khác để thực hiện thành công việc bảo vệ bờ biển, chống lại các tác hại của biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, Dự án Quảng trường Thái Bình xây dựng tượng đài “Bác Hồ với nông dân” đưa vào sử dụng đầu năm 2017, sử dụng cấu kiện lắp ghép chế tạo bằng bê tông cốt sợi phi kim loại phù hợp với công trình kết cấu tường chắn đất chống xói lở, bảo vệ bờ sông, hồ.
Thời gian qua, Thái Bình còn sử dụng trên 45km kênh bê tông thành mỏng, đúc sẵn, lắp ghép thành hệ thống kênh tưới tiêu rất hiệu quả.
Độ bền vững chắc gấp 3 thời gian kênh xây gạch truyền thống, có thể dịch chuyển khi thay đổi tuyến kênh, giá thành thấp hơn kênh xây truyền thống (khoảng 60%), thi công đơn giản trong mọi điều kiện thời tiết, kể cả vừa thi công, vừa phục vụ sản xuất - ông Chiến cho biết thêm.
Theo khoahocphattrien