Cần sự tư vấn, chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao
Sở khoa học và công nghệ (KH&CN) TP.HCM vừa tổ chức buổi hội thảo: "Thúc đẩy chuyển giao tiến bộ KH&CN về nông nghiệp (NN)". Tại hội thảo, Sở KH & CN đã giới thiệu chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN về nông nghiệp.
Đi đầu trong các hoạt động ứng dụng KH&CN vào NN, Trung tâm nghiên cứu và phát triển NN công nghệ cao TP.HCM s thực hiện hương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN về NN thông qua các hoạt động như:
nghiên cứu và xây dựng các mô hình sản xuất NN mang tính ứng dụng cao; phối hợp với các sở ngành, địa phương trong việc tổ chức đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và nông dân, chuyển giao các mô hình sản xuất NN có hiệu quả phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng chú trọng xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị hàng hóa, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016 – 2025.
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ cao của đa số người sản xuất còn gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu tư ban đầu cao. Hơn nữa, người sản xuất đòi hỏi phải có trình độ nhất định để tiếp nhận kỹ thuật, công nghệ tiên tiến.
Vì vậy, để thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất NN thật sự có hiệu quả và bền vững thì rất cần sự hỗ trợ về tư vấn, chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực NN công nghệ cao từ các cơ quan, đơn vị nghiên cứu.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản – chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Hợp tác xã thương mại, dịch vụ Phú Lộc, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa và hướng đến sản xuất rau VietGAP số lượng lớn và sản xuất rau hữu cơ thì đơn vị cần được hỗ trợ nguồn đất để sản xuất cũng như làm mô hình thí nghiệm sản xuất NN công nghệ cao để nông dân học tập.
Thành phố cũng cần hỗ trợ việc xây dựng nhà xưởng sơ chế đóng gói và về mặt kỹ thuật giúp nông dân sản xuất ra những sản phẩm an toàn, chất lượng.
Trả lời thắc mắc của một ý kiến về mức hỗ trợ tối đa 70% kinh phí mỗi dự án nhưng không quá 300 triệu đồng/dự án, có phải là quá ít, ông Nguyễn Khắc Thanh – phó giám đốc Sở KH&CN TP.HCM – cho biết, đây chỉ là kinh phí cho việc tư vấn kỹ thuật, thiết kết, xây dựng mô hình, chuyển giao ... hoàn toàn không phải là nguồn vốn để kinh doanh, sản xuất.
Doanh nghiệp muốn hoạt động ít nhất phải có vốn đầu tư hoặc sẽ được hỗ trợ từ các nguồn quỹ kích cầu khác.
Vấn đề kết nối cung – cầu và khó khăn trong việc liên kết cũng được rất nhiều đại biểu quan tâm, TS. Phạm Văn Tấn – phó giám đốc Phân viện cơ điện NN & công nghệ sau thu hoạch – cho rằng, bên cạnh việc các đơn vị cần chủ động và tích cực hơn trong việc tìm kiếm nguồn khách hàng thì Sở KH&CN với vai trò đầu mối và cơ quan quản lý nhà nước cũng cần làm tốt vai trò kết nối như nắm rõ các thông tin về người cần được chuyển giao (có nhu cầu chuyển giao gì, tên tuổi, nơi cư ngụ, điện thoại liên hệ ...) và cung cấp cho bên chuyển giao.
Một kiến nghị khác cho rằng do các đơn vị hiện còn gặp nhiều khó khăn trong việc liên kết và chào hàng sản phẩm vì thế có thể gởi ý tưởng, mô hình về Sở, từ đó Sở sẽ kết nối với cộng đồng để có sức lan tỏa và hiệu quả hơn.
Theo ông Lê Huy Hoàng – Phòng quản lý KH&CN cơ sở, Sở KH & CN, mục tiêu của sở giai đoạn 2016 – 2020 Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN về NN là xây dựng được ít nhất 120 mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN có hiệu quả; xây dựng được ít nhất 20% mô hình liên kết ứng dụng KH&CN theo chuỗi giá trị hàng hóa.
Chuyển giao được ít nhất 150 lượt công nghệ mới, tiên tiến; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và tổ chức triển khai dự án, năng lực ứng dụng, chuyển giao công nghệ cho ít nhất 50 cán bộ quản lý và 50 kỹ thuật viên cơ sở, khoảng 3.000 lượt nông dân để có đội ngũ cán bộ kỹ thuật, quản lý thường xuyên bám sát địa bàn giúp nông dân tiếp tục mở rộng việc áp dụng các tiến bộ KH&CN đã được chuyển giao.
Có ít nhất 1 doanh nghiệp KH&CN hoạt động chuyển giao KH&CN phục vụ phát triển nông thôn.
Tuyết Mai - Khoa học phổ thông