Những mô hình nông nghiệp công nghệ cao hấp dẫn ở Bình Thuận
Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở Bình Thuận như trồng thanh long leo giàn, trồng dưa lưới trong nhà màng không chỉ cho thấy sự nổi bật về tính hiện đại mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Các mô hình trên được HTX Nông nghiệp công nghệ cao Bình Minh triển khai tại vùng đất cát khu Lê, xã Hàm Thắng, huyện Bắc Bình, nơi nắng và gió.
Hầu hết, phần lớn diện tích đất ở đây bỏ trống. Khi áp dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho thấy cây sinh trưởng và phát triển tốt.
Thanh long leo giàn năng suất vượt trội
Lâu nay nông dân Bình Thuận chủ yếu trồng thanh long leo trụ, song hiện nay tại khu trồng thử nghiệm nhiều cây ăn trái thuộc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Bình Minh triển khai trồng kiểu leo giàn.
Theo quan sát chúng tôi, so với cách trồng thanh long truyền thống thì cách trồng thanh long theo hướng công nghệ cao của HTX khác xa.
Cụ thể, khoảng cách trồng giữa 2 hàng rộng đến 4m, riêng khoảng cách giữa các trụ bê tông là 3m, ở giữa các trụ có thêm 3 trụ phụ, nên khoảng cách giữa các trụ hầu như không có. Theo đó, thanh long sẽ phát triển, leo theo giàn, khít với nhau.
Lý giải về cách trồng nay, ông Phạm Văn Minh, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Bình Minh cho biết, sở dĩ khoảng cách trồng giữa các hàng rộng nhằm mục đích để dễ dàng đưa máy móc, thiết bị bón phân, tưới nước tự động vào để chăm sóc cây.
Theo tính toán, cách trồng thanh long này mỗi ha đất có thể trồng gần 3.000 trụ thanh long, gần gấp 3 lần trồng bình thường. Từ đó, giúp người trồng tăng tối đa hiệu quả trên một đơn vị diện tích, đồng nghĩa tăng sản phẩm đầu ra.
“Về năng suất thanh long đạt bình quân khoảng 60 tấn/ha, gấp đôi so với trồng truyền thống. Hiệu quả nhất của HTX trong thời gian qua vẫn là cây thanh long. Hiện chúng tôi đã được 1 đối tác bên Úc (Amazonia) chấp nhận là vùng thanh long Oganic của họ”, ông Minh nói.
Được biết, HTX đang triển khai 1,5ha trồng thanh long theo công nghệ cao. Diện tích thanh long này nằm trong dự án với quy mô 60ha của HTX.
Dưa lưới trong nhà màng
Bên cạnh trồng thanh long leo giàn, HTX còn triển khai mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao. Hiện HTX đã xây dựng “ngôi nhà” màng rộng 2.000m2 đang gieo ươm giống cây dưa lưới, chuẩn bị xuống giống.'
Ông Minh cho biết, đây là lứa xuống giống đầu tiên của HTX và loại dưa lưới này cũng là sản phẩm đầu tư chính của HTX trong thời gian tới.
Dưa trồng trong nhà màng được sử dụng khay xốp để gieo hạt. Hạt giống được gieo 1 hạt/lỗ. Khay ươm được đặt trong nhà ươm có che mưa và lưới chắn côn trùng. Hạt giống được tưới giữ ẩm hằng ngày. Sau khi gieo từ 7 - 10 ngày, khi cây xuất hiện lá thứ 2 thì tiến hành trồng.
Quá trình sinh trưởng, phát triển của loại dưa lưới này là 2,5 tháng, tương đương 75 ngày tuổi sẽ cho thu hoạch, có thể sản xuất liên tục với hơn 4 lứa/năm mà không cần phụ thuộc điều kiện thời tiết. Cây dưa lưới sẽ được trồng bán thủy canh.
Quá trình chăm sóc, cây phát triển trong nhà màng sẽ được kiểm soát chặt chẽ về nhiệt độ, hệ thống tưới nhỏ giọt đến từng bầu cây.
Theo đại diện HTX, mục đích sử dụng nhà màng để bảo vệ cây trồng tránh được những bất lợi về thời tiết, côn trùng, qua đó hạn chế việc sử dụng thuốc BVTV và giảm công lao động. Trong khi đó trồng dưa lới trong nhà màng cho năng suất cao (bình quân 4 tấn/1.000m2), chi phí khá thấp.
Theo tính toán của ông Minh, ngoài diện tích 2.000m2 hiện có, trong năm nay HTX sẽ tiến hành đầu tư thêm 4 nhà màng với tổng diện tích 8.000m2 để sản xuất 1ha dưa lưới sạch theo công nghệ cao và trong tương lai sẽ đầu tư tổng diện tích 5ha, với tổng chi phí khoảng 22 tỷ đồng.
Riêng về đầu ra sản phẩm, hiện tại HTX đã liên kết với một HTX trồng dưa lưới khác tại Bình Phước là Nguyên Khang Garden, bao tiêu sản phẩm với giá 27.000 đồng/kg. Mặt khác, HTX đang có kế hoạch phối hợp với Sở KH-CN Bình Thuận thực hiện đề tài 5ha rau sạch.
Kim Sơ - Kiều Hằng (Báo Nông nghiệp)