Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Nông nghiệp công nghệ cao có "quá sức" với Việt Nam?

Ý kiến chuyên gia cho rằng áp dụng công nghệ cao đối với nông nghiệp Việt có thể là một bước chuyển quá xa, nhưng điều này không có nghĩa là Việt Nam không thể áp dụng.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC) là chủ trương mang tính đột phá, góp phần xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam phát triển toàn diện theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, việc phát triển NNCNC vẫn còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế nhất định. 

TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT), trả lời phóng viên Báo điện tử Chính phủ về vấn đề này.

Thưa ông, dường như cho đến nay khái niệm NNCNC vẫn chưa thực sự rõ và điều này có ảnh hưởng đến việc ưu đãi, hỗ trợ không?

TS. Đặng Kim Sơn: Khó có thể tìm thấy một định nghĩa phù hợp, nhất quán và đúng trong mọi hoàn cảnh về NNCNC. Quan điểm về “công nghệ cao” và cách thức ứng dụng còn gây nhiều tranh cãi. Nhiều doanh nghiệp sản xuất nông sản còn khá mơ hồ về khái niệm này.

Theo quan điểm tôi, NNCNC là nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, các công nghệ đó phải bảo đảm có hàm lượng khoa học mới phát minh trong thế kỷ 21 ở mức độ “nhiều”, từ đó đem lại năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng đặc biệt.

Ở đây, chúng ta không còn bàn đến những công nghệ trong thế kỷ 20, thời đại này là của công nghệ nano, công nghệ sinh học, số hóa, vật liệu mới… Đây là những công nghệ mũi nhọn đi từ khoa học cơ bản chuyển thẳng sang khoa học ứng dụng.

Có những quan điểm cho rằng một nhà kính, nhà lưới trong đó có hệ thống điều khiển môi trường sản xuất mang tính chất nhân tạo; một cánh đồng được trang bị hệ thống thủy lợi tự động; san phẳng đồng ruộng bằng laser, sử dụng máy móc cơ giới cỡ lớn, liên hoàn với nhau là ứng dụng công nghệ cao… Tôi cho rằng quan điểm này chưa đúng.

Với hàm lượng công nghệ tân tiến, mang tính cập nhật cao như vậy, những điều kiện hiện có của Việt Nam đã phù hợp để phát triển NNCNC hay chưa?

TS. Đặng Kim Sơn: Theo tôi, việc áp dụng công nghệ cao đối với nông nghiệp Việt có thể là một bước chuyển quá xa do nền nông nghiệp nước ta có xuất phát điểm và mức độ phát triển thấp.

Với bối cảnh hiện tại, mục tiêu tái cơ cấu nền nông nghiệp, hướng tới một nền nông nghiệp “mới” là phù hợp và nên được ưu tiên.

Nền nông nghiệp mới không đại diện bởi vấn đề “công cụ” như công nghệ, nguồn vốn, đất đai, nhân lực… mà phải bảo đảm được tính hiệu quả và tính tiết kiệm. Thêm vào đó, phải tạo thêm được giá trị gia tăng về chất lượng, dinh dưỡng, văn hóa… để cùng một đơn vị sản phẩm như trước nhưng có thể bán với giá cao hơn.

Một yếu tố nữa không thể thiếu là yếu tố “bền vững”, thể hiện ở việc sản xuất thân thiện với môi trường, bảo vệ cảnh quan; không tiêu hao, lãng phí cơ hội của thế hệ mai sau; đứng vững trước biến động, các cú “sốc” của thị trường và xã hội.

Tóm lại, phải bảo đảm cả ba khía cạnh kinh tế, xã hội, môi trường mới là một nền nông nghiệp mới.

Để làm được điều này, cần xác định các mặt hàng có lợi thế, có khả năng cạnh tranh; tiến hành nghiên cứu thị trường trước để không xảy ra các cuộc khủng hoảng thừa nông sản trong thời gian trước.

Nên nhắm vào các thị trường có giá tốt, khan hiếm, có giá trị gia tăng cao, đừng ham sản xuất nhiều và dùng chính sách giá rẻ.

Tiếp đó, phải xây dựng được các chuỗi giá trị, dựa trên tính ổn định của nguồn nguyên liệu, các khâu khác từ chế biến đến tiêu thụ phải gắn liền với nhau để trực tiếp đưa hàng hóa đến người mua cuối cùng theo con đường chính ngạch.

Chúng ta cần phải chuẩn bị những gì để đón đầu xu hướng NNCNC?

TS. Đặng Kim Sơn: Tôi nói cần ưu tiên tái cơ cấu nền nông nghiệp nói không có nghĩa là Việt Nam không thể áp dụng được hệ thống NNCNC. 

Hiện nay, một số các doanh nghiệp lớn như TH, Vinamilk đã sử dụng công nghệ gene đối với đàn bò sữa, cho năng suất và khả năng chống chịu cao; tích hợp gắn con chip cho đàn bò; xây dựng hệ thống chuồng trại hiện đại, đồng bộ. 

Đây là những mô hình tốt nhưng tỷ trọng chưa nhiều. Vì vậy, song song với việc tái cơ cấu nền nông nghiệp, cần thực hiện các điều kiện hỗ trợ, mở đường cho NNCNC phát triển.

Khoa học, công nghệ là một loại hình đầu tư rất đặc biệt, tiềm ẩn rủi ro cao nhưng đồng thời hứa hẹn mang lại nguồn lợi nhuận lớn.

Các ngân hàng thương mại thông thường không chấp nhận rủi ro cao như vậy. Do đó, nên nghiên cứu phương án lập các quỹ đầu tư mạo hiểm để thúc đẩy việc nghiên cứu, phát triển công nghệ, đồng thời tìm ra các phương pháp ứng dụng công nghệ vào sản xuất một cách có hiệu quả và phù hợp.

Trong trường hợp chưa có ngay các quỹ với hình thức như vậy, các ngân hàng thương mại cần phải thay đổi cách ứng xử, phải hành động như người tham gia đầu tư, kết hợp với doanh nghiệp, cùng xây dựng dự án.

Không thể đợi các doanh nghiệp xây dựng xong đề án vay, sau đó mới đi thẩm tra kiểm tra dựa trên hàng loạt các tiêu chí rồi mới ra quyết định cho vay.

Thêm vào đó, cần phải nhân rộng mô hình vườn ươm khoa học công nghệ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, biến những ý tưởng công nghệ khả thi thành sản phẩm định hình.

Các vườn ươm cung cấp cho doanh nghiệp một môi trường có chi phí thấp (hoặc miễn phí), hỗ trợ phát triển qua các giai đoạn huấn luyện và hướng dẫn chuyên sâu với những người cố vấn giàu kinh nghiệm.

Ngoài ra, cần thiết phải đưa các viện nghiên cứu, các trường đại học ra khỏi “tháp ngà”. Kinh phí nghiên cứu không nên cấp phát hằng năm theo kế hoạch mà cần được xây dựng thành quỹ do đại diện cho người nông dân và doanh nhân quản lý.

Nếu thực hiện được việc đấu thầu quyền nghiên cứu khoa học công nghệ thì vấn đề lúc này chỉ là tính hiệu quả của sản phẩm cuối cùng.

Phân định rõ trong quan hệ người bán và người mua sản phẩm công nghệ, thương mại hóa các hoạt động nghiên cứu khoa học là cách tốt nhất để gia tăng hiệu suất của các cơ quan này.

Một yếu tố quan trọng không thể thiếu đó là cần tập trung nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng. Cần có đường xá để máy móc chạy, cần có hệ thống điện, nước ổn định để phục vụ sản xuất.

Kết hợp đồng bộ bốn yếu tố này cần lộ trình cụ thể và tốn nhiều thời gian, nhưng như vậy mới gỡ được các “nút thắt” cản trở nền nông nghiệp nước nhà phát triển theo hướng hiện đại.

Thu Hương - Báo chính phủ

Bài gốc