Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Thiếu nhân lực, nhiều công ty Nhật Bản mua robot

Các công ty cỡ vừa ở Nhật Bản đang lên kế hoạch tậu thêm robot và các thiết bị khác để tự động hóa nhiều hoạt động.

Reuters dẫn khảo sát do Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) thực hiện cho biết nhiều công ty có vốn cổ phần từ 100 triệu đến 1 tỷ yen Nhật có kế hoạch tăng 17,5% tiền đầu tư vào năm tài chính bắt đầu từ tháng 4 năm nay. Đây là mức tăng đầu tư kỷ lục.

Hiện không rõ bao nhiêu phần trong khoản tiền trên sẽ được chi cho tự động hóa, song các hãng bán thiết bị tự động và robot cho biết đơn đặt hàng của họ đang tăng, còn chính phủ Nhật cho hay một phần lớn số tiền đầu tư được dùng để tăng năng suất. Doanh thu nhiều nhà sản xuất robot Nhật đi lên trong quý 1/2017, lần đầu tiên tăng trong vài quý gần đây.

Giám đốc Phòng Chính sách công nghiệp thuộc Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) Seiichiro Inoue cho biết: “Phần vốn đầu tư để tăng năng suất đi lên là vì tình trạng thiếu hụt nhân lực”. Nỗ lực này nếu đi đúng hướng sẽ là điểm sáng cho Nhật Bản, nền kinh tế đang chật vật với tình trạng dân số già đi nhanh chóng. Tự động hóa cũng là tin tốt cho các nhà sản xuất thiết bị, nâng cao hiệu suất lao động thấp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chính phủ Nhật Bản dự báo đầu tư vào các thiết bị nhằm tiết kiệm nhân lực sẽ tăng trong năm tài khóa này. Cách nước Nhật đối mặt với thực trạng già hóa dân số là bài học cho nhiều nước khác sẽ gặp cùng vấn đề trong thời gian tới, trong đó có Trung Quốc, Hàn Quốc.

“Hơn 90% doanh nghiệp Nhật là cỡ vừa và nhỏ, song hầu hết không sử dụng robot. Chúng tôi đang đưa ra rất nhiều ứng dụng, gói sản phẩm để nhắm đến các hãng này”, Yasuhiko Hashimoto, nhân viên bộ phận robot của Kawasaki Heavy Industries nói.

Một trong số các sản phẩm này là robot hai cánh tay với chiều cao 170 cm. Kawasaki cho hay nó bán chạy là vì có thể được điều chỉnh cho phù hợp với một loạt ứng dụng công nghiệp cần thiết với các nhà sản xuất điện tử, chế biến thực phẩm và sản xuất dược phẩm.

Hitachi Construction Machinery thì cho biết họ nhận được rất nhiều đề nghị mua loại máy đào được lập trình bằng máy tính, sử dụng hệ thống định vị toàn cầu để thực hiện các rãnh có độ chính xác đến cm và hạ thời gian đào xuống còn một nửa.

Theo BOJ, nhiều doanh nghiệp cỡ vừa có kế hoạch tăng chi tiêu nhiều hơn các hãng lớn, vốn chỉ đặt mục tiêu tăng 0,6% chi tiêu trong năm nay. Công ty nhỏ ít linh hoạt hơn trong việc xoay sở thực trạng thiếu hụt lao động vì họ khó trả thêm lương cho nhân viên hay chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài.

Theo cafebiz