Khởi nghiệp trong nông nghiệp - hướng đi mới đầy tiềm năng
Khởi nghiệp trong nông nghiệp thời gian qua đã có bước phát triển ngoạn mục và đang ngày càng thu hút được nhiều quan tâm của giới công nghệ.
Theo dự báo của nhiều chuyên gia, đây là lĩnh vực đầy tiềm năng trong bối cảnh nhu cầu lương thực trở nên cấp thiết trong những năm sắp tới.
Trào lưu sôi động
Theo tờ TechCrunch, mỗi năm dân số thế giới tăng khoảng 77,6 triệu người. Với tốc độ đó, dân số toàn cầu sẽ đạt gần 10 tỷ người vào năm 2050. Cùng với sự gia tăng dân số, nhu cầu về lương thực, thực phẩm cũng tăng mạnh - ước tính gấp đôi mức hiện tại vào năm 2030.
Bên cạnh đó, những tồn tại trong quá trình canh tác nông nghiệp truyền thống như tạo ra khí thải nhà kính, thực phẩm không an toàn... là các thách thức mà nền nông nghiệp thế giới phải đối mặt.
Theo các chuyên gia, để giải được những bài toán hóc búa đó, công nghệ phải đóng vai trò ngày càng lớn hơn. Tín hiệu vui là thời gian qua, khởi nghiệp (startup) trong lĩnh vực công nghệ nông nghiệp (Agtech) đang dần trở nên sôi động.
Theo TechCrunch, trước năm 2013, thị trường này hầu như là con số không khi hầu hết những sáng tạo công nghệ trong nông nghiệp bị bó hẹp vào công nghệ sinh học.
Các khoản đầu tư, những đổi mới sáng tạo cũng chỉ gói gọn trong cộng đồng những người làm trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, thị trường này đã liên tục có sự bứt phá ngoạn mục. Theo báo cáo đầu tư về Agtech năm 2014 của AgFunder - một cộng đồng các nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghệ nông nghiệp, số tiền đầu tư trong lĩnh vực này đã đạt con số 2,36 tỷ USD với 264 hợp đồng, vượt qua lĩnh vực công nghệ tài chính (2,1 tỷ USD) và công nghệ sạch (2 tỷ USD).
Theo thống kê mới nhất, con số này đạt 3,2 tỷ USD trong năm 2016 với 580 hợp đồng được ký kết.
Bên cạnh đó, số nhà đầu tư gia nhập thị trường này cũng tăng đều qua từng năm và đạt tới con số 672 trong năm 2015.
Ngoài những quốc gia có thế mạnh truyền thống về nông nghiệp công nghệ cao như Mỹ, Israel, nhiều quốc gia châu Á cũng đã gia nhập trào lưu khởi nghiệp bằng nông nghiệp như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản...
Các xu hướng nông nghiệp công nghệ cao
Theo tổ chức nghiên cứu thị trường nổi tiếng CBInsights, Agtech bao gồm những công nghệ giúp tăng tính hiệu quả trong nông nghiệp, gồm các loại chính:
Phần mềm quản lý nông trang (gồm những sản phẩm cho phép nông dân quản lý hiệu quả các nguồn lực, năng suất mùa vụ, động vật trong nông trang...); cảm ứng (gồm những cảm ứng thu thập dữ liệu, giúp nông dân quản lý được tình trạng mùa vụ, thời tiết, tình trạng đất đai...);
Phân tích dữ liệu thực địa (phân tích dữ liệu lớn để dự đoán và xử lý các vấn đề nhằm tối ưu hóa, nâng cao tính hiệu quả, quản trị rủi ro và tiết kiệm năng lượng...); dữ liệu động vật/thực vật (sử dụng phần mềm và phần cứng để thu thập dữ liệu từ gia súc, các mô hình chăn nuôi đến việc tác động tới nguồn gene);
Phân tích dữ liệu thực vật (thu thập thông tin về thành phần thực vật như hệ vi sinh vật, biểu hiện di truyền hoặc phân tích dữ liệu để nâng cao chất lượng nghiên cứu, phát triển hạt giống, nuôi dưỡng cây).
Một số lĩnh vực khác cũng thu hút nhiều startup gồm công nghệ robotic và máy bay không người lái (dùng robot và drone để thực hiện các công việc đồng áng một cách có hiệu quả); tưới tiêu thông minh (gồm các hệ thống giúp quản trị và tự động điều chỉnh lượng nước sử dụng tại nông trang); nông trang thế hệ mới (chuyên về các công nghệ tiên tiến, giúp cung cấp những phương thức canh tác mới, đặc biệt là ở những nơi phương thức canh tác truyền thống không làm được).
Mảng cuối cùng trong bức tranh về Agtech là thị trường tiêu thụ (giúp kết nối người nông dân tới nhà cung cấp hoặc khách hàng không qua trung gian).
Trong các lĩnh vực trên, dữ liệu nông nghiệp là mảng có nhu cầu lớn nhất. “Năm 2017 sẽ là năm của dữ liệu nông nghiệp.
Nhu cầu của nông dân về lĩnh vực này đang tăng cao, đặc biệt là mảng dữ liệu chăn nuôi như chăn nuôi bò sữa, bò thịt, lợn và gia cầm” - Todd Janzen - một chuyên gia trong ngành nông nghiệp của Mỹ - dự đoán.
Bên cạnh đó, những startup chuyên về lĩnh vực đất đai, mùa vụ (cung cấp các sản phẩm phân bón, thuốc trừ sâu, hạt giống, sản phẩm bón bổ sung cho đất, công nghệ chỉnh sửa gene) cũng đang nhận được nhiều quan tâm, đầu tư lớn.
Theo số liệu nửa đầu năm 2016, họ đã nhận được số vốn khoảng 164 triệu USD, gần bằng cả năm 2015.
Mảng robotic và máy bay không người lái cũng đang nóng dần. “Đây là lĩnh vực vốn ít được chú ý trong quá khứ, nhưng đang dần được các công ty công nghệ tại thung lũng Silicon quan tâm trong thời gian qua” - Rob Leclerc - CEO của chợ đầu tư trực tuyến AgFunder - cho biết.
Hòa An - Khoa học phát triển