Việc làm trong tương lai: cái chết của những kỹ năng riêng lẻ (p2)
Nhà tuyển dụng trong tương lai cần tập trung vào kỹ năng trình bày vấn đề
Khoa học dữ liệu không chỉ là ngành nghề duy nhất cần nâng cao kỹ năng.
Công việc của những nhà tuyển dụng cũng cần hệ thống lại, khi trí tuệ nhân tạo đã xuất hiện và có thể đánh giá hồ sơ, năng lực của những ứng viên để đưa ra quyết định tuyển dụng, thậm chí nó còn có thể gửi thư chúc mừng và chào đón nhân viên mới, rồi lên kế hoạch làm việc cho họ.
Mya là một ví dụ về nhà tuyển dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo, đã được ra mắt vào năm 2016 và đang trên đà đạt được mục tiêu tương tác với 2 triệu người vào hết năm 2017.
Mya học tập và sử dụng ngôn ngữ tự nhiên cũng như những kiến thức từ con người để tuyển dụng nhân sự, tìm kiếm nguồn lao động và nhiều hơn nữa.
Khi trí tuệ nhân tạo đã đáp ứng được vai trò của một nhà tuyển dụng, thì họ sẽ còn phải làm gì nữa để nhận được lương từ công ty?
Ông Brendan Browne, Phó Chủ tịch mảng Tiếp nhận Tài năng Toàn cầu của LinkedIn cho biết, khi việc lên lịch, tìm kiếm và tuyển dụng nhân sự đều đã có máy móc đảm trách, thì những nhà tuyển dụng nên phát triển khả năng trình bày vấn đề của họ.
Cụ thể ở đây Browne muốn đề cập đến việc những nhà tuyển dụng sẽ trình bày lý do tại sao những nhân viên mới sẽ làm việc ở đây và vai trò của họ trong việc xây dựng công ty sẽ như thế nào.
Việc này khá quan trọng bởi người lao động khi có ấn tượng đầu tiên tốt đẹp đều mong muốn được gắn bó lâu hơn với công ty, điều đó thuyết phục và động viên chúng ta rằng ta có những kỹ năng độc đáo của con người mà không máy móc nào thay thế được.
“Con người làm việc với nhau còn phải dựa vào cảm xúc, chứ không chỉ một đống số liệu,” Browne tóm lại.
Trong một nền kinh tế tri thức số, ngoài khả năng phân tích thị trường và nhu cầu lao động như bao nhà tuyển dụng khác, họ còn phải có được tài kể chuyện đầy thuyết phục để giữ lại những nhân tài cho công ty.
Lãnh đạo trong tương lai ngoài tài lãnh đạo phải vững kỹ thuật số
Chúng ta không để tương lai do các nhà tương lai học tiên đoán hay quyết định, mà chúng ta cần chuẩn bị cho nó.
Các nhà lãnh đạo ngày nay phải sẵn sàng đối mặt với những biến động, sự không chắc chắn, tính phức tạp và mơ hồ của thị trường toàn cầu.
Phải thừa nhận rằng sức mạnh của kỹ thuật số đã phá vỡ nét truyền thống của nhiều ngành công nghiệp và giúp tốc độ tăng trưởng đi lên, nhưng theo khảo sát gần đây của MIT, có đến 70% vị giám đốc cho biết mình không có đủ kỹ năng kỹ thuật số để lèo lái doanh nghiệp.
Và 90% trong số họ tin rằng các hoạt động kinh doanh của họ đang bị gián đoạn hoặc sẽ bị đổi mới bằng các mô hình kinh doanh số.
Lấy ví dụ ở ngành dịch vụ tài chính. Theo nghiên cứu của Citigroup, đến năm 2023, các công ty FinTech sẽ chiếm 17% thị trường dịch vụ ngân hàng tiêu dùng ở Bắc Mỹ, hay 203 tỷ dollar.
Điều này gây nên một làn sóng nâng cao tay nghề của các công ty tài chính hiện nay.
Ngân hàng DBS ở Singapore khởi nguồn cuộc đua vào năm 2014, và đã tạo ra một cơn sốt cho những đối thủ cạnh tranh, giúp thay đổi tư duy và văn hóa ngành ngân hàng, khiến các ngân hàng làm việc tận tình như những công ty khởi nghiệp.
Các ngân hàng đã đề xuất những giải pháp mới về ngân hàng di động và tự động. Đến nay DBS đã đưa ra 50 giải pháp ngân hàng mà có 12 điều đã trở thành sự thật.
Giám đốc điều hành của DBS, ông Piyush Gupta, hiểu rẳng làm ngân hàng vào năm 2017 không chỉ vững chuyên môn ngân hàng, mà còn phải biết đối diện và nắm bắt kịp với những biến động trong ngành kỹ thuật số.
Công ty của bạn vượt qua cái chết của một kỹ năng đơn lẻ như thế nào? Chính bạn có chủ động cải thiện kỹ năng của mình để sống sót qua nó không?
Quang Niên (Theo Forbes)