Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Trung Quốc đang vượt Mỹ về trí tuệ nhân tạo?

Sự cân bằng quyền lực trong công nghệ đang chuyển đổi với quyết tâm vươn lên mạnh mẽ của Trung Quốc.

Sören Schwertfeger đã hoàn thành nghiên cứu sau tiến sĩ về robot tự động ở Đức, và thay vì tới Mỹ hoặc các nước châu Âu khác, nơi trí thông minh nhân tạo (AI) đi tiên phong, anh ta lại chọn đến Đại lục vì nhận được khoản trợ cấp cao gấp sáu lần số tiền có thể nhận được ở các nước phát triển khác.

“Bạn không thể có sự khởi đầu với một phòng thí nghiệm được cung cấp đầy đủ những gì cần thiết như tôi đang có tại đây. Nguồn tài trợ nghiên cứu đang thu hẹp lại ở Mỹ và châu Âu, nhưng nó chắc chắn sẽ được mở rộng ở Trung Quốc”, Schwertfeger nói.

Theo The New York Times, sự cân bằng quyền lực trong công nghệ đang chuyển đổi. Trung Quốc từ một nước nhiều năm qua đã phải chứng kiến phương Tây phát minh ra phần mềm và các chip năng lượng cho thời đại kỹ thuật số, giờ đây đã trở thành nhân tố chính trong lĩnh vực AI.

Các chuyên gia tin rằng đất nước châu Á này chỉ bước sau Mỹ một bước nhỏ trong lĩnh vực công nghệ quan trọng nhất của tương lai.

Tuy nhiên, tham vọng về AI của Đại lục lại đang nghiêng về phía phục vụ cho nhu cầu của chính phủ nhiều hơn cho người dân, với các kế hoạch sử dụng AI để tiên đoán hành vi phạm tội, theo dõi mọi người từ các camera giấu kín, tạo tên lửa tự điều khiển và kiểm duyệt internet.

Theo hai giáo sư đã tư vấn các kế hoạch cho chính phủ Trung Quốc, Bắc Kinh đang ủng hộ việc đẩy mạnh tình báo nhân tạo của họ bằng một khoản tiền khổng lồ, với hàng tỉ USD chi cho các chương trình nghiên cứu. Không những thế, các công ty tư nhân của nước này cũng đang đẩy mạnh phát triển AI.

Baidu, công ty được mệnh danh là Google của Trung Quốc và là nhà tiên phong về AI trong nước, năm nay đã mở một phòng thí nghiệm nghiên cứu về robot có thể sử dụng trong quân sự.

Nhiều tỉnh và thành phố tại Đại lục cũng đang chi nhiều tiền cho phát triển robot và nghiên cứu AI. Ví dụ, một thành phố ít nghe danh như Tương Đàm, thuộc tỉnh Hồ Nam, đã cam kết chi 2 tỉ USD cho lĩnh vực này.

Tại Tô Châu, các công ty AI hàng đầu có thể nhận được khoảng 800.000 USD trợ cấp, trong khi Thâm Quyến đang sẵn sàng cung cấp 1 triệu USD để hỗ trợ bất kỳ dự án AI nào được thành lập tại đó.

Song có một điều đáng nói là trong khi Trung Quốc chi nhiều cho AI bao nhiêu thì Mỹ lại cắt giảm nhiều bấy nhiêu. Cụ thể là chính quyền Tổng thống Donald Trump vừa qua đã công bố ngân sách đề xuất cắt giảm ngân quỹ cho nhiều cơ quan chính phủ ủng hộ nghiên cứu tình báo nhân tạo.

Sự cắt giảm này nếu được chấp thuận sẽ khiến những nghiên cứu được chuyển sang các công ty tư nhân lớn như Facebook hay Google.

“Sự khác biệt là Trung Quốc đã coi AI là một cuộc đua trong thế hệ máy tính mới, nhưng dường như Mỹ thì không”, James Lewis, thành viên cao cấp tại Center for Strategic and International Studies, nói.

Phần lớn sự thúc đẩy AI của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng mạnh mẽ tương tự như cách người ta thúc đẩy hòa bình. Nhưng sức mạnh và sự cống hiến của nước này lại đang đặt ra cảnh báo cho cơ sở quốc phòng của Mỹ.

Bộ Quốc phòng Mỹ phát hiện ra rằng tiền của Trung Quốc đang đổ vào các công ty tình báo nhân tạo của Mỹ và Đại lục mới đang là những “người chơi chính” với mục tiêu tìm kiếm sức mạnh trong hệ thống vũ khí.

Theo báo cáo mới đây của Lầu Năm Góc, trong sáu năm qua các nhà đầu tư Trung Quốc đã tài trợ cho 51 công ty tình báo nhân tạo của Mỹ, với khoảng 700 triệu USD được huy động.

Không rõ là sự hợp tác đầu tư này sẽ tiếp diễn trong bao lâu, nhưng nhiều quan chức Washington đang kêu gọi nên cảnh giác và kiểm soát nhiều hơn với Trung Quốc.

Phương Anh - Thanhnien