Thời của tự động hóa hay bí mật của anh chàng "vô đạo đức"
Những vấn đề xoay quanh xung đột giữa ứng dụng công nghệ và lao động truyền thống chưa bao giờ hết nóng. Mới đây chia sẻ của một anh chàng đã bí mật biến công việc toàn thời gian của mình thành 2 tiếng làm việc nhẹ nhàng mỗi tuần đang gây ra những tranh cãi nảy lửa trên các diễn đàn Stack Overflow và Hacker News.
Theo lời anh chàng này, công việc quản lý dữ liệu mà anh ta đang làm thuộc loại “chán nhất quả đất” tuy nhiên anh ta không thể từ bỏ công việc vì mức lương khá tốt và quan trọng hơn là anh ta được làm việc ở nhà và có thời gian chăm con.
Mọi việc bắt đầu khi anh chàng phát hiện công việc mình đang làm hoàn toàn có thể được thực hiện tự động. Kết quả là một chương trình tự động được ra đời giúp tác giả của nó hầu như không phải làm gì trong 6 tháng gần nhất.
“Nếu lúc trước tôi phải mất cả tháng để hoàn thành công việc thì bây giờ chỉ mất 10 phút để quét dữ liệu ở các bảng và xử lý qua chương trình”. Hàng tuần, anh ta vẫn báo cáo công việc với công ty và không ai phàn nàn gì về kết quả công việc.
Thậm chí chương trình do anh chàng này viết hoạt động quá tốt đến mức anh ta phải cố tình tạo ra vài lỗi để kết quả công việc trông có vẻ “giống như do người làm”.
Mặc dù hiệu quả của hành động “tự động hóa” công việc này là điều không phải bàn cãi nhưng vẫn có một điều khiến anh chàng thông minh này phải băn khoăn: “Có nên cho công ty biết về điều này hay không? ”.
“Tôi chỉ tốn 1 -2 tiếng mỗi tuần nhưng vẫn nhận đủ lương của công việc toàn thời gian. Có nhiều thời gian rảnh rỗi thì rất tuyệt nhưng tôi không biết làm điều này mà không cho công ty biết có đúng hay không?” . Anh chàng này cũng lo sợ rằng nếu công ty biết, họ sẽ lấy chương trình đó và đuổi việc anh ta.
Ngay sau khi câu chuyện này được chia sẻ trên các diễn đàn, hàng loạt luồng ý kiến trái chiều đã được đưa ra.
“Cậu không bán thời gian. Thứ mà cậu bán là kết quả công việc. Còn việc cố tình tạo ra các kết quả lỗi thì đúng là không tốt” là một ý kiến được nhiều người đồng tình.
Tác giả ý kiến này lấy ví dụ: “Giả sử trong một tháng cậu vẫn làm việc đủ giờ làm nhưng chất lượng công việc quá kém thì sao? ... Nếu mục tiêu quan trọng nhất là thời gian làm việc thì cậu chỉ cần đơn giản có mặt trong đủ 40 tiếng và khỏi cần quan tâm kết quả công việc”.
Nếu công ty không phàn nàn gì về kết quả công việc của anh chàng này cũng như anh ta không vi phạm các quy định trong hợp đồng thì chẳng có gì sai nếu anh ta hưởng lợi từ chương trình tự động của mình.
Tuy nhiên, không phải tất cả ý kiến đều đồng tình với việc làm của anh chàng trong câu chuyện. Có ý kiến cho rằng cần xét câu chuyện này theo hướng quan niệm đạo đức về “việc phải làm hay việc nên làm?”
Theo ý kiến này, anh chàng của chúng ta có hàng loạt cái sai: được trả tiền cho 40 giờ làm việc nhưng chỉ làm có 2 giờ, sử dụng chương trình tự động đến 6 tháng mà không báo cho công ty, báo cáo “láo” công việc hàng tuần, cố tình tạo kết quả lỗi để che dấu sự dối trá...
Cuộc tranh luận của hai phe “lợi ích” và “đạo đức” vẫn chưa kết thúc. Cũng chưa ai biết anh chàng trong câu chuyện đã chọn cách giải quyết nào nhưng xét theo một góc độ khác thì ít nhất anh ta vẫn còn may mắn khi có trong tay quyền chủ động.
Việc viết ra chương trình tự động rút 40 giờ làm việc xuống còn 2 giờ khiến anh chàng của chúng ta lo lắng không biết công ty có lấy chương trình đó và sa thải anh ta hay không. Nhưng câu hỏi chuẩn có lẽ phải là “Liệu công ty có lấy chương trình và sa thải anh ta cùng với 19 người khác không?”.
Một lần nữa chúng ta thấy công việc của mình mong manh thế nào trước sự tấn công của công nghệ.
Chắc hẳn bạn không muốn một ngày đẹp trời nhận được lời cảm ơn vì những đóng góp cho công ty kèm với lời chúc sớm tìm được công việc mới chỉ vì tên đồng nghiệp đáng ghét mới viết ra một chương trình tự động hay đơn giản là công ty vừa sử dụng một hệ thống mới.
Giả sử trong hoàn cảnh đó, bạn sẽ theo phe nào: “lợi ích” hay “đạo đức”? Tôi hy vọng bạn có đủ thời gian để lựa chọn trước khi thực sự phải ra quyết định.
Phạm Sơn