Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Trung Quốc không ngừng tăng cường siết chặt kiểm duyệt internet (P1)

Các nhà chức trách Trung Quốc vừa ra lệnh các công ty internet phải chặn triệt để các dịch vụ VPN bắt đầu từ tháng 2 năm sau, biến đất nước tỷ dân này thành một ốc đảo thông tin giữa thời đại internet.

Trung Quốc từ lâu đã nổi tiếng với hệ thống kiểm duyệt internet mạnh mẽ của mình. Ngoài mục đích hạn chế những thông tin không thân thiện với chính quyền, đây cũng là một trong những cách hữu hiệu giúp nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới có thể tránh được sự phụ thuộc quá nhiều vào phương Tây.

Nếu như Trung Hoa thời cổ đại có công trình Vạn Lý Trường Thành bền vững vượt thời gian và nổi danh khắp thế giới, thì Trung Quốc thời nay cũng có Vạn Lý Hỏa Thành (The Great Firewall) là một công cụ kiểm duyệt internet vô cùng nghiêm ngặt và không kém phần nổi danh.

Có hơn 60 quy định về kiểm soát internet được đưa ra qua các kỳ họp quốc hội rồi được đưa về cho các địa phương và các công ty internet thực hiện.

Trung Quốc có lẽ rất tự hào bởi hệ thống kiểm duyệt của họ được đánh giá là gắt gao và hiệu quả nhất trên thế giới.

Chính quyền tiến hành kiểm duyệt thông tin trên mạng thông qua các nhà cung cấp dịch vụ internet, các công ty truyền thông quản lý các trang thông tin lớn hay mạng xã hội, cũng như những trang mạng nước ngoài nếu có ý định phát triển lâu dài tại quốc gia này.

Theo một thống kê vào năm 2013, số lượng Cảnh sát internet - một đội quân được lập ra chỉ để gỡ bỏ những thông tin sai phạm - đã là hơn 2 triệu người. Mục tiêu kiểm duyệt chính là các vấn đề về lịch sử, chính trị, mâu thuẫn sắc tộc.

Tiến hành ngăn chặn cả VPN

Các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Trung Quốc từ lâu đã phải khổ sở với Luật An toàn không gian mạng do nước này quy định, nhằm đảm bảo yêu cầu nghiêm ngặt về việc chuyển nhận dữ liệu từ trong ra ngoài nước.

Các công ty nước ngoài nếu muốn truy cập các trang web quốc tế, phải đăng ký một đường dây riêng và lưu lượng thông tin của họ đều được kiểm tra gắt gao.

Một trong những phương pháp vượt tường lửa để truy cập những trang web bị chặn phổ biến nhất, là sử dụng VPN (Virtual Private Network, hay Mạng riêng ảo).

Mạng VPN hầu hết được sử dụng nội bộ trong các công ty, cho phép nhân viên truy cập được những trang web mà chính phủ ngăn chặn.

Thế nhưng mới đây, Bắc Kinh đã ra lệnh cho các công ty viễn thông nhà nước gồm China Mobile, China Unicom và China Telecom ngăn chặn người dùng sử dụng VPN từ tháng 2 năm sau. Giờ đây sử dụng VPN là một điều trái pháp luật.

Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc cam kết sẽ tăng cường kiểm soát việc sử dụng VPN trong các doanh nghiệp và gây áp lực để các công ty hạn chế việc tự do sử dụng VPN để truy cập thông tin trái phép.

Trước sự kiện này, cổ phiếu của Tập đoàn 21Vianet - nhà cung cấp dịch vụ mạng và cơ sở dữ liệu của Hoa Kỳ tại Trung Quốc - đã bị sụt giảm 4,1%. Cũng vậy, công ty công nghệ Westone nổi tiếng với sản phẩm VPN của mình cũng đã bị mất 1,5% giá trị cổ phiếu.

Trong khi đó, những công ty viễn thông quốc gia và Bộ CNTT nước này vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức nào.

Những gã khổng lồ vô danh tại Trung Quốc

Ngoài ra, một trong những cách thức kiểm duyệt phổ biến khác mà Trung Quốc sử dụng, là dựng tường lửa ngăn chặn những địa chỉ IP từ các trang mạng ‘không thân thiện’, kết quả là người sử dụng sẽ không truy cập được những trang web đó. Danh sách các trang bị chặn phải lên đến con số hàng ngàn.

Bởi vì bị ngăn chặn từ Trung Quốc, nên những gã khổng lồ trong thế giới công nghệ như Google hay Facebook đều vắng bóng tại đất nước tỷ dân này.

Những công ty công nghệ lớn trên thế giới muốn phát triển tại Trung Quốc, phải đứng trước sự lựa chọn, hoặc hạn chế tự do thông tin, hoặc bỏ qua thị trường màu mỡ này.

Google từng có một thời gian hoạt động ở đại lục, nhưng sau các thỏa thuận không thành với chính phủ Trung Quốc về vấn đề kiểm duyệt các kết quả tìm kiếm, Google.cn ngày nay đã được chuyển hướng về Google.com.hk đặt tại Hồng Kông.

Để đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin của người dân và sự giám sát thông tin của chính quyền, nước này đã đầu tư vào xây dựng những bộ máy tìm kiếm với thông tin ‘sạch’.

Ví dụ khi tìm kiếm thông tin về “Thiên An Môn”, thay vì thấy những hình ảnh đẫm máu về cuộc bạo loạn năm 1989, trang Baidu.com sẽ đưa ra kết quả phong cảnh nắng ấm đẹp tuyệt vời của quảng trường rộng lớn nằm giữa lòng thủ đô Bắc Kinh.

Cũng như vậy, Facebook, vốn là một mạng xã hội mở với thông tin tự do được người dùng cập nhật liên tục, nên được Trung Quốc nhìn nhận với ánh mắt không thiện cảm.

Quốc gia này đã chặn Facebook một cách hoàn toàn vào năm 2009 khi vụ bạo động của người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương diễn ra.

Gần đây trong những động thái liên quan nhằm đem Facebook đến Trung Hoa đại lục, chàng tỷ phú trẻ tuổi Mark Zuckerberg đã chạy bộ cùng những người bạn của mình một cách vui vẻ và không đeo khẩu trang giữa bầu không khí ô nhiễm tại chính quảng trường Thiên An Môn lịch sử.

Trước khi Facebook có thể mở rộng thị trường của mình tại đất nước tỷ dân này, hay nói thực tế hơn là dường như không bao giờ, thì chính tại đất nước này cũng xuất hiện những phiên bản sao chép từ các mạng xã hội lớn trên thế giới, nơi người dùng phải khai báo thông tin cá nhân mới có quyền cập nhật trạng thái.

Và hàng loạt các trang mạng vang danh khắp địa cầu đều trở nên vô danh ở Trung Quốc như YouTube, Twitter, Yahoo, Wikipedia, Reddit, Bing, …

Người dùng cũng không quá đắn đo về sự hiện hữu của những trang mạng này, bởi họ đã được sử dụng những phiên bản thay thế để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt trên mạng cơ bản của mình.

‘Nắm rõ lai lịch’ của từng người dùng mạng

Trên thực tế chính quyền không thể biết hết được hàng trăm triệu người dùng internet mỗi ngày, nhưng họ có những phương pháp riêng để tóm gọn những cá nhân hay tổ chức nào cố tình lan truyền những thông tin không tốt về chính quyền.

Với đội ngũ an ninh mạng dày đặc, họ có thể điều tra ra nguồn phát thông tin chỉ trong tích tắc và sẽ có biện pháp xử lý ngay với nguồn thông tin và người phát ra nó.

Chính quyền thậm chí từng có kế hoạch dùng căn cước công dân để xác minh tài khoản nhằm đảm bảo có thể kiểm soát được công dân trên mạng.

Và mới đây nhất, khi cơn sốt livestream đang bùng nổ trên khắp thế giới thì Trung Quốc đã đón đầu xu hướng bằng việc ngăn chặn vĩnh viễn dịch vụ này với lý do quá khó để kiểm soát nội dung được phát đi trực tiếp.

Bởi vì livestream được phát đi trực tuyến và sẽ kết thúc rồi bị xóa sau một khoảng thời gian ngắn, nên việc quản lý được nội dung của các buổi phát trực tiếp là rất khó, nếu không muốn nói là không khả thi.

Tại Trung Quốc có 3 trang mạng là Weibo, iFeng và ACFUN đang cung cấp dịch vụ livestream. Hoạt động này đem lại lợi nhuận rất lớn không chỉ cho nhà cung cấp dịch vụ mà còn cho người sử dụng mạng.

Theo thống kê trước khi dịch vụ này bị chặn, có đến 340 triệu người sử dụng nó trong khi nó chỉ mới ra mắt được chưa đầy một năm.

Ngoài ra, những đoạn tin nhắn tán gẫu giữa bạn bè và đồng nghiệp cũng được chính quyền kiểm soát một cách gián tiếp.

Những nhà cung cấp dịch vụ chat phải chịu trách nhiệm trước pháp luật để kiểm soát những nội dung nhạy cảm.

Để làm được điều này, họ tạo những bộ lọc từ ngữ và sẽ chặn tự động nếu tin nhắn của người dùng có những từ ngữ vi phạm với bộ lọc.

Vậy là, dù không thật sự biết được ai đang hoạt động sau những tài khoản mạng, nhưng chính quyền Trung Quốc vẫn có thể quản lý được thông tin trên mạng chặt chẽ đến cấp độ từng cá nhân.

Quang Niên