Tăng năng suất dừa sáp Cầu Kè bằng nuôi cấy phôi
Để khắc phục tình trạng cầu luôn kém xa cung của dừa sáp Cầu Kè, phát triển bền vững và hướng đến xuất khẩu sản vật quý hiếm này của Trà Vinh, Sở KH&CN Trà Vinh đang triển khai dự án xây dựng mô hình trồng dừa sáp bằng nguồn cây giống nuôi cấy phôi.
Giá trị cao hơn 10 lần dừa thường
Dừa sáp có mặt ở Cầu Kè, Trà Vinh từ những năm 1960. Nhiều người kể lại rằng, một nhà sư người Khmer ở Trà Vinh sang Campuchia tu hành và khi trở lại, ông đã mang giống dừa này về trồng ở Cầu Kè và từ đó vùng đất này có thêm một sản vật đặc biệt.
Bên trong trái dừa sáp không phải là nước và cơm dừa giòn như bình thường. Chiếm trọn lòng quả là dạng sáp sền sệt màu trắng đục; chút nước trong hiếm hoi ở giữa cũng cô đặc như sương sa.
Bởi gần như không có nước nên dừa sáp không dành để giải khát. Nó thường được chế biến thành sinh tố, dầm với đường, sữa hoặc trái cây...và hương vị thơm, dẻo, béo vô cùng đặc biệt của nó khiến ai đã ăn một lần là không thể quên.
Dừa sáp quý còn vì rất hiếm. Mỗi cây chỉ có vài trái là dừa sáp, số còn lại là những trái dừa bình thường. Chính vì thế, giá mỗi trái dừa sáp cao hơn dừa thường hàng chục lần. Tình trạng khan hiếm hàng thường xuyên xảy ra vào những ngày lễ tết.
Ông Thạch Phu My - Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Hòa Tân, đơn vị sản xuất dừa sáp đã được bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa từ năm 2012 - cho biết:
“Do điều kiện tự nhiên của vùng đất Cầu Kè phù hợp với giống cây này nên dừa sáp trồng ở đây có hương vị đặc trưng và ngon hơn hẳn những vùng khác”.
Hiện HTX có 26 hộ trồng dừa sáp, cung cấp cho thị trường khoảng 10.000 trái/năm với mức giá 160.000-200.000 đồng/quả, có lúc lên tới trên 250.000 đồng/quả. Thị trường chủ yếu là TPHCM và các tỉnh miền Tây.
Tăng tỷ lệ quả sáp bằng nuôi cấy phôi
Ông Lê Văn Truyền - chuyên viên Phòng Quản lý chuyên ngành, Sở KH&CN Trà Vinh - cho biết diện tích trồng dừa sáp ở Cầu Kè nói riêng và tỉnh Trà Vinh nói chung đang không ngừng được mở rộng.
Tuy nhiên theo ông Thạch Phu My, tham vọng xuất khẩu dừa sáp của HTX Hòa Tân chưa thể thực hiện do sản lượng còn thấp.
“Dừa sáp không phải cứ trồng cây nào ra sáp cây đó, tỷ lệ trái dừa sáp ở mỗi buồng dừa chỉ khoảng 25-30%.
Trước đây, chúng tôi có trồng thử nghiệm dừa sáp nuôi cấy phôi và kết quả là số trái sáp chiếm tỷ lệ trên 80% buồng dừa.
Tuy nhiên, do cây giống dừa sáp nuôi cấy phôi có giá quá cao, từ 800.000-1.000.000 đồng/cây nên bà con không đủ khả năng kinh tế để đầu tư” - ông My nói và bày tỏ mong muốn Sở KH&CN Trà Vinh hỗ trợ người dân giống dừa sáp nuôi cấy phôi, đồng thời tỉnh cần quy hoạch vùng trồng dừa sáp, xây dựng thương hiệu dừa sáp với tầm nhận diện sâu và rộng hơn.
Ông Lê Văn Truyền cho biết, Sở KH&CN đang triển khai dự án xây dựng mô hình trồng dừa sáp bằng nguồn cây giống nuôi cấy phôi tại Trà Vinh, thuộc chương trình Nông thôn - Miền núi, thời gian thực hiện từ tháng 11/2016 đến tháng 11/2019.
Theo đó, tỉnh sẽ tiếp nhận quy trình công nghệ nuôi cấy phôi dừa sáp; xây dựng mô hình trồng dừa sáp bằng nguồn cây giống nuôi cấy phôi nhằm phát triển bền vững và gia tăng thu nhập thực tế cho hộ nông dân trồng dừa, phát triển sản phẩm đặc trưng cho tỉnh.
Cũng theo ông Truyền, dự án sẽ hỗ trợ 100% cây giống cho nông dân tham gia mô hình. Tiêu chuẩn tham gia là có diện tích trồng từ 0,5-1ha (trường hợp một hộ gia đình không đủ diện tích thì có thể ghép với 1-2 hộ liền kề thành một mô hình), đặc biệt ưu tiên đồng bào dân tộc Khmer.
Cần có giải pháp khoa học phân biệt quả dừa sáp
Ông Thạch Phu My cho biết, do trái dừa sáp nằm lẫn trong buồng dừa mà đa số là trái dừa thường nên việc xác định quả nào là sáp hoàn phụ thuộc vào kinh nghiệm nhận dạng của người trồng dừa. “Đây là khó khăn lớn của người trồng dừa, thương lái và cả người tiêu dùng.
Nhu cầu thực tế đặt ra là cần có thiết bị hoặc phương pháp khoa học để xác định chính xác độ sáp của quả dừa nhằm đảm bảo chất lượng mỗi sản phẩm bán ra thị trường, bảo đảm uy tín cho các nhãn hiệu đã được bảo hộ như dừa sáp Hòa Tân” - ông My chia sẻ.
Ông Lê Văn Truyền cũng đưa ra cảnh báo: “Hiện tại, do sản lượng dừa sáp chưa cao nên sản phẩm được phân phối qua các điểm bán nhỏ lẻ trong và ngoài tỉnh.
Tình trạng pha trộn các quả dừa chưa đạt chuẩn sáp vẫn đang xảy ra, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp”.
Theo ông, nhà cung cấp sản phẩm dừa sáp cần xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm chặt chẽ, đảm bảo chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Trịnh Điệp - Khoa học phát triển