‘Cuộc cách mạng’ nông nghiệp công nghệ cao ở Ea Súp

Người nông dân Ea Súp đang làm quen với một tư duy làm nông nghiệp hoàn toàn mới, thay đổi hẳn cách sống cách nghĩ của họ, góp phần hiện thực hóa giấc mơ làm nông nghiệp công nghệ cao (NN - CNC) và thúc đẩy kinh tế, quốc phòng an ninh ở địa bàn biên giới này.

Hành trình từ NN - CNC...

Ea Súp là một huyện nằm sát biên giới với Campuchia, việc phát triển kinh tế xã hội gắn với quốc phòng an ninh là vô cùng quan trọng để đảm bảo khu vực phên dậu vững chắc của đất nước.

Mặc dù đã được Đảng, nhà nước đầu tư hỗ trợ rất nhiều về phát triển hạ tầng nhưng trăn trở lớn nhất của Lãnh đạo Đoàn Kinh tế quốc phòng (KTQP) 737 là làm thế nào giúp cho người dân phát triển kinh tế, không chỉ thoát nghèo và còn có thể làm giầu.

Với quỹ đất nông nghiệp lên tới gần 30 ngàn ha, địa hình bằng phẳng thuận lợi cho việc cơ giới hóa kèm theo nguồn nước tưới phong phú, nhưng qua hơn 10 năm hình thành và phát triển, đến nay khu KTQP Ea Súp vẫn chưa xác định được cây trồng hàng hóa chủ lực có giá trị cao để mang lại thu nhập tốt cho người dân tới định cư sinh sống.

Trong bối cảnh đó, dự án trồng cây ca cao do Cty Cacao Intercontinental Coporation (CIC) được khởi tạo bởi nhóm các chuyên gia ngành ca cao, doanh nhân và Đoàn KTQP 737.

Trong thế “kiềng 3 chân” - họ và người nông dân Ea Súp đã biến điều tưởng chừng như không thể thành có thể ở vùng đất cằn khô bạc màu khi trồng thành công bước đầu cây ca cao xen canh cây chuối trên vùng đất canh tác Khu KTQP Ea Súp, bao gồm nông trại CIC và liên kết với các nông hộ nhỏ trong khu vực.

Lần đầu tiên đưa công nghệ caovào làm nông nghiệp ở huyện vùng sâu vùng xa này, đã đem lại những đổi thay quan trọng cho địa phương.

"Có thể xem việc áp dụng thành công kỹ thuật tưới nhỏ giọt của Israel là cuộc cách mạng trong kỹ thuật canh tác và chuyển đổi cơ cấu tại Khu kinh tế quốc phòng Ea Súp" - Tiến sĩ Phạm Hồng Đức Phước, chuyên gia đầu ngành ca cao Việt Nam, nhận xét. Công nghệ tưới này giống như chiếc chìa khóa thần mở ra tiềm năng của vùng đất chưa được khai phá.

Kết quả là trang trại cacao đang phát triển xanh tốt, chuối xen canh đã cho thu hoạch ngay năm đầu tiên và bắt đầu được xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, Trung Đông...

Từ 50 ha trang trại tập trung đầu tiên, CIC đã mở rộng quy mô trang trại, và mở rộng liên kết với các hộ nông dân để đưa diện tích trồng cacao lên 200ha, trong đó các hộ liên kết cũng được đầu tư và áp dụng công nghệ tưới hiện đại.

Để khắc phục những khó khăn về nước tưới, CIC đã áp dụng công nghệ cao với kỹ thuật tưới nhỏ giọt của Israel. Tất cả các khâu khảo sát, thiết kế, thi công, lắp đặt đều được thực hiện trực tiếp bởi các chuyên gia nước bạn.

Đây là một trong số rất ít nông trại quy mô lớn ở Việt Nam và trong ngành ca cao thế giới được áp dụng 100% công nghệ, thiết bị tưới nhỏ giọt của Israel ngay từ giai đoạn kiến thiết cơ bản.

Đại tá Ngô Minh Điền, Chính ủy Đoàn kinh tế quốc phòng 737, sau chuyến đi thực tế vườn ca cao ở nông trại CIC đã rất phấn khởi:

"Công nghệ tưới nhỏ giọt là giải pháp giúp tiết kiệm nước hiệu quả, có lợi về chi phí, cây ca cao phát triển tốt, tái tạo độ che phủ rừng ở đây lên tới 70%. Thành công bước đầu nàyđã tạo việc làm và tăng thu nhập cho hộ dân, khiến người dân yên tâm tin tưởng".

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó TGĐ của CIC phân tích: “Ở Israel, nông nghiệp là lĩnh vực mà 95% là khoa học và chỉ 5% lao động.

Do đó việc chúng tôi đầu tư vốn đưa công nghệ cao vào vận hành nông trại CIC không chỉ là thiết lập hệ thống tưới tiêu, mà còn phải đầu tư đồng bộ toàn bộ hệ  thống máy móc công cụ nông học công nghệ cao cho toàn bộ chuỗi giá trị của cây cacao, từ khâu giống, khâu trồng và chăm sóc cây, cho đến công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch.

Với trang trại quy mô lớn, CIC cũng đã triển khai các phần mềm để quản lý nghiệp vụ nông nghiệp tên thực địa nông trường, và phần mềm ERP (Enterprise Resource Planning-hệ thống hoạch định tài nguyên doanh nghiệp).

Đến thương hiệu toàn cầu nông sản Việt

Việt Nam vốn nổi tiếng với vị thế hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nông sản hàng hóa (gạo, cà phê, tiêu, hạt điều,…), tuy nhiên thương hiệu toàn cầu của người Việt lại vẫn còn rất khiêm tốn.

Bà Trần Kim Yến, đại diện cho Quỹ đầu tư Việt Nam – Ô man (cơ quan quản lý đầu tư của Quỹ Dự Trữ Quốc Gia Vương Quốc Oman tại VN) chia sẻ:

“Các quỹ đầu tư mong muốn tìm những cơ hội đầu tư vào các công ty Việt Nam trong lĩnh vực NN-CNC có khả năng theo suốt được chuỗi giá trị của nông sản - được gọi là “From Farm to Table” (từ nông trại tới bàn ăn) và có thể đưa được thương hiệu riêng của nông sản Việt Nam tới tay người tiêu dùng trên nhiều thị trường xuất khẩu chứ không chỉ là bán sỉ tại của nông trại”.

Để xây dựng thành công thương hiệu toàn cầu cho nông sản Việt thì bản thân doanh nghiệp phải có định hướng xây dựng thương hiệu và kênh phân phối nông sản ở các thị trường mục tiêu ở nước ngoài với chất lượng ổn định, sản lượng ổn định, và giá thành ổn định.

Muốn như vậy, hướng đi NN-CNC trên nền tảng nông trại quy mô lớn là xu hướng tất yếu. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không bắt nhịp từ thời điểm này, chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Khó khăn lớn nhất của các đơn vị làm NN-CNC chính là vấn đề tiếp cận đất đai, cần những quỹ đất lớn mới thực hiện được nông trại quy mô lớn. Nhiều địa phương cấp đất dự án nhưng doanh nghiệp không thể tiếp cận quỹ đất sạch vì địa phương không thể thực hiện đền bù giải tỏa tỷ lệ đa số quỹ đất đã bị người dân xâm canh.

Vừa qua trong phiên họp Diễn đàn Kinh tế tư nhân VN 2017 (31/7), nhóm công tác về Nông nghiệp cũng đã kiến nghị xóa bỏ hạn điền để tạo cơ chế tập trung/tích tụ đất đai - và tìm nhiều biện pháp thiết thực để cùng các địa phương hỗ trợ doanh nghiệp NN-CNC nhanh chóng tiếp cận quỹ đất sạch.

PV - VTC