Hồ chống ngập 'khủng' đầu tiên ở TP.HCM làm xong, sẵn sàng 'đón' mưa lớn
Sau 10 ngày thi công liên tục, hồ điều tiết chống ngập thông minh đầu tiên tại TP.HCM đã hoàn thành, bắt đầu đưa vào sử dụng ngày 10.8.
Theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên, chiều 10.8, hồ điều tiết đã hoàn thành tất cả các công đoạn.
Công nhân thi công tại công trình này đã tiến hành tháo dỡ toàn bộ lô cốt, rào sắt và vận chuyển xe cơ giới ra khỏi khu vực.
Khu vực nơi có hồ điều tiết được tráng nhựa bằng phẳng như hiện trạng ban đầu, phương tiện giao thông có thể di chuyển trên mặt hồ điều tiết thoải mái.
Ông Trần Đức Vượng (52 tuổi, ngụ đường số 6, P.Linh Đông) cho biết, cơn mưa lớn kéo dài 2 giờ, chiều 9.8 khiến đường Tô Ngọc Vân (đoạn giao với Phạm Văn Đồng) ngập sâu.
Tuy nhiên, ở khu vực trước nhà thiếu nhi Q.Thủ Đức, đang sắp hoàn thành hồ điều tiết, nước thoát rất nhanh, không xảy ra ngập nước.
“Khu này lúc trước ngập dữ lắm, có hôm trên đường Tô Ngọc Vân nước ngập chảy xiết như thác, cuốn trôi xe máy. Không biết trận mưa lớn sắp tới ra sao, chứ mưa hôm 9.8 không ngập ở khu này, tôi thấy vui mừng rồi”, ông Vượng phấn khởi nói
Giới thiệu cơ chế vận hành của hồ điều tiết chống ngập, đại diện công ty thoát nước đô thị TP.HCM, cho biết hồ điều tiết được xây tại điểm được xem là ngập nhất khu vực.
Khi mưa lớn đổ xuống, từ hai miệng cống thu nước sẽ dẫn theo đường ống về hệ thống lọc rác, trước khi đổ vào hồ điều tiết.
Nếu vài ngày mới mưa một cơn, thì hồ điều tiết này sẽ tự thẩm thấu và thấm hết nước, còn nếu mưa liên tục nhiều ngày kế tiếp, thì sẽ có một máy bơm hút nước từ hồ điều tiết ra và xả vào hệ thống thoát nước hiện hữu của TP để tạo đủ khoảng trống cho hồ điều tiết chứa nước trong những cơn mưa tiếp theo.
Trao đổi với báo Thanh Niên ngày 10.8, ông Trần Văn Chín, Chủ tịch công ty VMC Group (đơn vị thi công) cho biết, công trình hồ điều tiết đã hoàn thành toàn bộ và đang chờ mưa lớn đổ xuống.
Khu vực thu nước về hồ điều tiết từ đoạn đầu đường số 6, theo đường Võ Văn Ngân về trước khu vực nhà thiếu nhi Q.Thủ Đức, dài khoảng 120m.
“Phía doanh nghiệp chúng tôi lúc nào cũng luôn trong tư thế sẵn sàng đầu tư ngay công trình chống ngập này thêm nhiều điểm trên địa bàn TP.HCM. Nếu UBND TP đánh giá công trình này hoạt động hiệu quả, thì đơn vị sẵn sàng nhân rộng mô hình”, ông Chín cho biết.
Theo ông Chín, công nghệ này hiện đang sử dụng rất phổ biến tại Nhật Bản và một số nước tiên tiến, hiệu quả chống ngập rất tốt.
Trong quá trình thi công hồ điều tiết, mọi hoạt động đều diễn ra rất thuận lợi. So với xây hồ bê tông thì công trình này thi công rất nhanh, tái lập hoàn trả lại mặt đường sạch đẹp như tình trạng ban đầu, đảm bảo cho xe trọng tải dưới 20 tấn lưu thông trên bề mặt.
Đồng thời, trong điều kiện khả năng không sử dụng hồ điều tiết, cần di dời thì chi phí bỏ ra là để tái lập lại mặt đường, còn vật liệu trong hồ điều tiết là mô đun Croswave có thể đem sử dụng tiếp tục ở công trình khác.
Trước đó, sáng 1.8, công ty Sekisui (Nhật Bản) cùng đối tác Việt Nam là công ty VMC Group đã tiến hành động thổ, xây dựng hồ điều tiết trên đường Võ Văn Ngân (P.Linh Chiểu, Q.Thủ Đức).
Phó chủ tịch TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đánh giá cao công trình này, kỳ vọng công nghệ mới này sẽ giúp chống ngập hiệu quả khu vực Q.Thủ Đức.
Theo đó, hồ điều tiết này có diện tích 13 x 14 m, sâu 3,15m, khả năng chứa nước trên 100 m3 nước. Hồ được làm bằng vật liệu Croswave là các vật liệu nhựa dạng mô đun lắp ghép có tính bền cơ học cao, độ rộng lớn, khả năng chứa nước lên đến 95%.
Đây là chất liệu vừa lưu trữ được nước và vừa tự thẩm thấu. Nếu những trận mưa liên tiếp xảy ra khiến hồ điều tiết đầy thì có thể sử dụng máy bơm hỗ trợ tự động ra ngoài nhằm điều tiết cho những trận mưa tiếp theo.
An Huy - Báo Thanh niên