Quảng Ngãi: Đẩy mạnh công nghệ vào nông nghiệp

Ông Dương Văn Tô - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Mặc dù có nhiều khu kinh tế công nghiệp hoạt động trên địa bàn nhưng xét về bản chất, Quảng Ngãi vẫn là địa phương có nền kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn.

Thay đổi phương thức

Trong những năm qua, nông nghiệp Quảng Ngãi tuy có bước phát triển song nhìn chung vẫn còn tình trạng sản xuất manh mún, sản xuất không gắn với tiêu thụ và nhất là chưa tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao và an toàn.

Vì vậy, việc tìm hướng đi mới, phù hợp không chỉ giúp ngành nông nghiệp Quảng Ngãi phát triển theo hướng hàng hóa một cách bền vững, giúp người nông dân có điều kiện tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống mà còn giúp người tiêu dùng được tiếp cận với các sản phẩm nông sản sạch, an toàn do chính người nông dân trong tỉnh sản xuất thay vì phải nhập từ các nơi về.

Quyết tâm xây dựng nền nông nghiệp sạch và an toàn được các cấp chính quyền của tỉnh Quảng Ngãi theo đuổi từ nhiều năm nay. Và trên thực tế ngay sau khi có Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp (ngày 22/5/2015), Sở đã và đang triển khai lập 14 quy hoạch chuyên ngành.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các quy hoạch gặp một số khó khăn, vướng mắc sau như: Việc huy động nguồn lực, phân bổ vốn và thanh toán vốn của các dự án nông nghiệp chưa kịp thời; sự tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp tài trợ để tạo nguồn thu đầu tư cho các dự án trọng điểm còn rất hạn chế; diện tích đất sản xuất của hộ xã viên được giao theo Nghị định số 64/CP của Chính phủ nhỏ lẻ, manh mún và phân tán ở nhiều xứ đồng, nên rất khó cho công tác tập trung đầu tư thâm canh, cơ giới hóa; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chí phát triển, nhất là giao thông và thủy lợi…

Chính vì vậy, nhằm tạo điều kiện cho ngành nghề, làng nghề nông thôn trong tỉnh phát triển, cùng với việc tích cực triển khai thực hiện tốt Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và thực hiện nhiều chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Sở đã chỉ đạo Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp với các địa phương khảo sát, đánh giá thực trạng của các làng nghề, nhu cầu cần hỗ trợ đầu tư để phát triển.

Trên cơ sở đó tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn; triển khai việc xây dựng quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn gắn với thực hiện Đề án “mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030.

Tỉnh Quảng Ngãi đã Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn ở các huyện đồng bằng trong tỉnh đến năm 2020. Trong đó, toàn tỉnh hình thành 7 vùng sản xuất rau an toàn tập trung, với tổng diện tích canh tác 293,1 ha; bao gồm các huyện: Bình Sơn (81,2 ha), Sơn Tịnh 36,9 ha, Nghĩa Hành (32 ha), Tư Nghĩa (47,2 ha), Mộ Đức (35 ha), Đức Phổ (6,9 ha), Thành phố Quảng Ngãi (53,9 ha).

Tính đến cuối năm 2016, trên địa bàn tỉnh đã có 8 tổ chức và 2 cá nhân tham gia sản xuất rau an toàn được cấp giấy chứng nhận, với tổng diện tích thực hiện 12 ha. Tỉnh cũng đã bước đầu hình thành vùng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với diện tích 30 ha tại huyện Nghĩa Hành.

Trong chăn nuôi, có nhiều công ty lớn liên kết với người chăn nuôi, đã áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất chăn nuôi.

Bên cạnh đó, hình thành được một số mô hình chăn nuôi từ sản xuất đến tiêu dùng để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sự liên kết trong chăn nuôi như: Công ty cổ phần C.P Việt Nam và Công ty cổ phần Thái Việt Swine line. Trong đó, có hai trại chăn nuôi là Trại chăn nuôi thương phẩm Phương ở thành phố Quảng Ngãi và Trại chăn nuôi thương phẩm Phong huyện Nghĩa Hành được cấp chứng nhận VietGAP.

Ngoài ra, một số trang trại đang làm thủ tục trình UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư như: dự án cơ sở sản xuất lợn giống của Công ty cổ phần Nông lâm nghiệp Phú Sơn, trang trại chăn nuôi lợn - EVAP của Công ty cổ phần Nông nghiệp Sông Trà, trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng an toàn sinh học của Công ty TNHH MTV Hà Tân, dự án Cơ sở chăn nuôi gia súc theo hướng công nghiệp sạch Phổ Cường của Công ty THNN MTV Hằng Hiên...

Cú hích cho nông nghiệp

Trong các đề án, Đề án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Quảng Ngãi được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội để tiếp tục xúc tiến, kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đây là một trong những ngành nghề, lĩnh vực được tỉnh Quảng Ngãi xác định ưu tiên để thu hút đầu tư với nhiều chính sách ưu đãi đầu tư.

Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Quảng Ngãi được quy hoạch trên diện tích khoảng 190 ha thuộc thôn 2 và thôn 4, xã Bình Hòa, huyện Bình Sơn. Đây được xem là Trung tâm khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp, là đầu tàu quan trọng để đưa kết quả ươm tạo, nghiên cứu vào sản xuất; tổ chức đào tạo, chuyển giao công nghệ, thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư để xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng và cạnh tranh cao.

Theo Đề án, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Quảng Ngãi gồm 5 phân khu chức năng theo quy định tại Quyết định 575 của Thủ tướng Chính phủ, gồm: Khu trung tâm hành chính (diện tích 0,80 ha); Khu đào tạo, chuyển giao công nghệ, trình diễn và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (1,72 ha); Khu nghiên cứu ứng dụng, thử nghiệm và trình diễn mô hình sản xuất (4,92 ha); Khu đầu tư sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (161,07 ha); Khu xử lý chất thải (1,95 ha).

“Kêu gọi đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gồm các sản phẩm chăn nuôi, trồng trọt sạch, có năng suất, chất lượng cao, được sản xuất theo quy mô công nghiệp, có thị trường tiêu thụ ổn định sẽ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của Việt Nam và quốc tế”- ông Dương Văn Tô nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tô: “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Quảng Ngãi thành lập sẽ là một trong 12 Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của cả nước theo Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 04/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là cơ sở quan trọng để đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy chuyển giao công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đào tạo nhân lực công nghệ cao ngành nông nghiệp, phục vụ tốt đời sống người dân”.

Ông Tô cho biết: Tỉnh Quảng Ngãi sẽ bố trí 100% kinh phí từ ngân sách tỉnh để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng sạch đối với 190 ha của Khu nông nghiệp theo lộ trình, tiến độ thực hiện của các dự án đầu tư vào Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.”

Lê Trang - enternews