Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Cái chết của văn hoá đọc thật sự rất đáng sợ

Tôi đang trải qua một cơn khủng hoảng. Tôi đã từng rất thích đọc sách. Tôi đang viết bài này trong văn phòng mình, bao phủ bởi 27 kệ sách cao với 5,000 cuốn.

Trong nhiều năm qua tôi đã đọc chúng, đánh dấu chúng, và ghi lại các chú thích trên máy tính để tôi tiện trích dẫn sau này trong các bài viết của mình. Chúng đã trở thành công việc và hơi thở của tôi.

Sách giúp tôi biết mình là ai. Sách dẫn tôi đi trên những hành trình của số phận, giới thiệu tôi tới những kì quan của khoa học và thiên nhiên, dạy tôi về những vấn đề như công lý hay sắc tộc.

Quan trọng hơn, sách là nơi tôi tìm thấy những cuộc hành trình, mở lối đến những thực tại mà tôi không hề hay biết.

Khủng hoảng ở đây là nãy giờ tôi chỉ kể về quá khứ của tôi, không phải hiện tại. Tôi đã từng đọc 3 quyển sách mỗi tuần. Nhưng gần đây tôi đọc sách ít hơn, số lượng sách cần đầu tư thời gian cũng ít dần.

Internet và mạng xã hội đã luyện cho tôi ‘thói quen’ bị phân tâm khi đang đọc.

Chúng ta luôn bị phân tâm trên mạng

Khi tôi đọc tin bài trên mạng, sau một vài đoạn tôi bắt đầu nhìn thanh cuộn để xem bài này có dài không.

Rồi tôi bất giác nhấp vào các link liên kết để thấy mình đã nhảy sang trang báo khác, đọc dòng status mới của bạn bè, và lại đắm vào mô tả về một cuộc khủng bố mới diễn ra, hay đôi khi là tin thời tiết ngày mai.

Tồi tệ hơn, tôi bị cuốn vào những ô pop-up gợi ý nhỏ đang thủ thỉ với tôi, “Nếu bạn thích bài viết này, bạn hẳn cũng sẽ thích bài ABC…”

Tôi cũng hay liếc xuống cuối trang để đọc những dòng tít bắt tai: 30 sự thật “sởn gai ốc”...; 10 lỗi ăn mặc thường gặp của sao; Cười lăn với những bức hình được camera Walmart ghi lại.

Chúng lôi tôi đi khỏi bài viết ban đầu.

Một báo cáo của Nielsen năm 2016 cho thấy trung bình một người Mĩ dành ra hơn 10 giờ một ngày cho các phương tiện truyền thông, bao gồm radio, TV và các thiết bị điện tử, chiếm 65% thời gian thức tỉnh trong ngày, từ đó ít thời gian hơn cho việc đọc sách.

Có nhiều bài báo nghiên cứu hành vi của những người rất thành công như Oprah Winfrey, Bill Gates, Warren Buffett hay Mark Zuckerberg.

Họ đều có điểm chung mà người viết gọi là “Luật 5 giờ”: Họ luôn dành ra 5 giờ một tuần (hay mỗi giờ một ngày) cho việc tiếp thu kiến thức. Ví dụ:

  • Bill Gates đọc 50 cuốn sách/năm
  • Mark Zuckerberg đọc ít nhất một cuốn sách mỗi 2 tuần
  • Mark Cuban đọc nhiều hơn 3 giờ mỗi ngày
  • Arthur Blank, đồng sáng lập Home Depot, đọc hai giờ/ngày

Khi được hỏi về bí quyết thành công, Warren Buffett chỉ vào một chồng sách và nói: “Đọc 500 trang như vậy mỗi ngày.

Đó là cách kiến thức vận hành. Nó giúp mình hình thành sở thích. Mọi người đều có thể làm điều đó, nhưng tôi đảm bảo không nhiều người sẽ thực sự làm…”

Tờ Quartz nói: “Việc đọc không khó. Chúng ta có thời gian. Nhưng điều đáng sợ nhất - điều mà ai cũng né tránh - là chúng ta luôn bị phân tâm.”

Chúng ta phải luyện lại cách đọc

Đọc sách là một cuộc chiến trường kì, giống như việc bạn không muốn bị cám dỗ bởi “phim đen” trên Internet. Chúng ta phải xây dựng một pháo đài đủ mạnh để chống chọi các cám dỗ bên ngoài để nuôi dưỡng thói quen đọc sách bên trong.

Tôi thấy đọc thơ rất hữu hiệu. Tôi không thể lướt qua thơ; chúng buộc tôi phải chậm lại, suy ngẫm, tập trung, nếm từng từ từng đoạn một.

Để đọc sâu hơn, tôi sẽ dành ra một giờ mỗi ngày khi tôi sung sức nhất về mặt tinh thần, chứ không phải lúc tôi mệt mỏi vì những việc khác. Tôi đeo tai nghe và nghe những bản nhạc du dương để tách mình khỏi những việc gây xao nhãng.

Tôi cũng không nhắn tin. Giờ tôi cất điện thoại trong túi với sự tự hào riêng, cảm thấy xót xa cho những cô cậu tuổi teen hằng ngày kiểm tra điện thoại 2,000 lần một ngày.

Tôi vẫn đang xây dựng thành trì của riêng mình với hi vọng khôi phục lại niềm yêu thích đọc sách mà tôi từng có. Chỉ khi đó tôi mới có thể ngăn mình nhấn vào link kiểu như “10 lỗi ăn mặc của các sao” trên mạng.

Theo Hiệp (Sáng kiến cộng đồng)