Ứng dụng công nghệ thông tin để sâu sát dân

Huyện ngoại thành Củ Chi (TPHCM) đang ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành, quản lý hành chính, với cách làm mang tính đột phá và khác biệt.

Hiệu quả từ việc ứng dụng này là 3 lợi ích đã gặt hái được: nhanh chóng, kịp thời; tiết kiệm thời gian, công sức; sức lan tỏa cao. 

sggpbd_dqwo.png

Họp trực tuyến với cấp xã 

Huyện Củ Chi có địa bàn trải rộng, tiếp giáp với các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh và Long An. Từ các xã xa như Bình Mỹ, An Phú, Phú Mỹ Hưng, Trung Lập Thượng… về huyện phải đi hàng chục cây số.

Yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới đang đòi hỏi công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo huyện đối với các xã nhanh hơn, kịp thời và hiệu quả hơn. Do vậy, lịch họp cũng dày hơn. Nhiều khi mỗi tuần cán bộ xã phải lên huyện dự 2 - 3 cuộc họp.

Trong bối cảnh đó, huyện Củ Chi đã có quyết định mang tính đột phá: tổ chức họp trực tuyến giữa lãnh đạo huyện với cán bộ 21 xã, thị trấn, thay cho tập trung lên thị trấn. Việc họp trực tuyến mới áp dụng hơn một năm, nhưng kết quả rất đáng khích lệ.  

Ông Phạm Hoàng Hà, Chủ tịch UBND xã An Nhơn Tây, kể: “Đường từ xã về thị trấn hơn 20km, mỗi lần đi họp xem như mất gần cả ngày làm việc. Trước đây, cán bộ xã phải thay nhau đi họp, không còn bao nhiêu thời gian xuống cơ sở.

Từ khi huyện tổ chức họp trực tuyến, không những đáp ứng yêu cầu chỉ đạo nhanh, kịp thời, mà còn tiết giảm nhiều thời gian. Nội dung các buổi họp cũng được mở rộng, sâu sát những việc gắn bó thiết thực đời sống nhân dân.

Cán bộ xã có nhiều thời gian xuống ấp, đến với dân nhiều hơn. Xã có 10 ấp, với hơn 4.000 hộ dân, nên anh em cán bộ phải chia nhau bám ấp. Bây giờ cán bộ xã có thể dồn sức và thời gian nhiều hơn vào việc lo cho người dân từ sản xuất nông nghiệp, việc làm, đến nhà ở, nước sạch…”.    

Bà Lê Thị Ánh Tuyết, Chủ tịch UBND xã Tân Thông Hội, cũng cho biết: “Trước đây, các cuộc họp ở huyện chỉ có cán bộ chủ chốt của xã được dự.

Bây giờ họp trực tuyến nên các thành viên có liên quan đều được tham gia, nhờ trực tiếp nghe phổ biến nội dung, ý kiến chỉ đạo từ cấp trên, nên khi triển khai công việc thường nhanh và tránh được sai sót.

Lãnh đạo xã cũng không phải mất thời gian tổ chức họp phổ biến lại nội dung cho cán bộ, nhân viên ở xã như trước. Việc họp trực tuyến thay cho họp trực tiếp mới ứng dụng 1 năm, còn đang hoàn thiện dần, nhưng đã phát huy tác dụng”.

Giải quyết thủ tục hành chính

Cùng với việc họp trực tuyến, huyện Củ Chi còn ứng dụng công nghệ phục vụ công tác quản lý hành chính.

Dịch vụ công trực tuyến đã được áp dụng vào giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân. Người dân có thể ngồi ở nhà để thực hiện thông qua chương trình dịch vụ nộp hồ sơ qua mạng.

Trong điều kiện một huyện ngoại thành, huyện Củ Chi lựa chọn đầu tư sâu vào các dịch vụ công được nhiều người dân quan tâm, như lao động tiền lương, hộ tịch và thủ tục thành lập - phát triển doanh nghi ệp.

Bây giờ, không chỉ người dân sở tại mà doanh nhân trên cả nước muốn đầu tư ở Củ Chi đều có thể thông qua mạng để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. 

Việc ứng dụng công nghệ thông tin không dừng lại cấp huyện, lãnh đạo các xã cũng chủ động ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ công tác điều hành, quản lý. Hệ thống máy tính các xã được kết nối với hệ thống mạng của huyện, các sở, ngành và UBND TPHCM.

Các xã đang thay thế dần thư mời, văn bản bằng giấy sang văn bản điện tử, tin nhắn. Việc lãnh đạo xã sử dụng công nghệ thông tin để chỉ đạo, điều hành giúp tinh giản nhân sự và tiết kiệm cho ngân sách địa phương.

Trần Yên - SGGP