Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao

Việc xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) đang là xu hướng và giải pháp để tạo ra đột biến, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương. Thực tế khẳng định hiệu quả của mô hình này, song để mở rộng vẫn cần nhiều giải pháp tháo gỡ các “nút thắt” như cơ chế chính sách, vốn, công nghệ…

Từ thực tế các mô hình sản xuất NNCNC…

Lâm Đồng hiện đang là tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển NNCNC với khoảng 50.000 ha đất, chiếm gần 17% tổng diện tích canh tác địa phương. Nhiều diện tích phát triển mô hình này tại Lâm Đồng đạt hơn 1 tỷ đồng/ha/năm.

Có những nông sản xây dựng được thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường trong nước và ngoài nước như rau, hoa, cà-phê, chè… góp phần đưa giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân của tỉnh đạt 150 triệu đồng/ha/năm.

Tỉnh đã có 19 sản phẩm được đăng ký xác lập quyền nhãn hiệu như: rau Đà Lạt, hoa Đà Lạt, trà B’Lao, cà-phê Arabica Langbiang, cá nước lạnh Đà Lạt, tơ tằm Bảo Lộc... Tám doanh nghiệp được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) công nhận là doanh nghiệp NNCNC.

Nhiều mô hình sản xuất rau cao cấp đạt đến 500 triệu đồng/ha/năm, đáng chú ý rau thủy canh đạt từ tám đến chín tỷ đồng; hoa đạt đến 1,2 tỷ đồng, chè chất lượng cao đạt 250 triệu đồng và cà-phê đạt 240 triệu đồng/ha/năm.

Tỉnh định hướng đến năm 2025, giá trị sản xuất đạt hơn 220 triệu đồng/ha/năm, ít nhất 70% diện tích được sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, bền vững; gắn việc phát triển nông nghiệp toàn diện với thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Theo Bộ NN và PTNT, cả nước hiện có hai khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Hậu Giang và Phú Yên.

Các tỉnh Lâm Đồng, Thái Nguyên, Thanh Hóa thuộc quy hoạch tổng thể đang hoàn thiện hồ sơ, có 28 doanh nghiệp ứng dụng NNCNC. Cả nước đã triển khai gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng ưu tiên cho vay phát triển NNCNC với lãi suất thấp hơn từ 0,5 đến 1,5% so với thông thường.

Tổng dư nợ cho vay khoảng hơn 32 nghìn tỷ đồng với gần bốn nghìn khách hàng. Tuy nhiên, đến nay, lĩnh vực này còn gặp những khó khăn cần tháo gỡ như: Sản xuất thiếu đồng bộ, giá trị sản phẩm chưa cao, công tác quy hoạch kéo dài.

Lâm Đồng có quy hoạch cụ thể về phát triển NNCNC với việc chứng nhận 19 vùng có diện tích gần 4.000 ha, thu hút 77 doanh nghiệp FDI đầu tư, đồng thời đẩy mạnh liên kết trong tiêu thụ nông sản.

Tuy nhiên địa phương này cũng đang gặp khó khăn trong phát triển NNCNC. Các khu quy hoạch vùng sản xuất NNCNC vẫn đang thuộc quyền sở hữu của người dân nên khó khăn giải phóng mặt bằng, nông dân, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, việc nghiên cứu giống cây trồng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất.

Trở ngại lớn nhất vẫn là thay đổi thói quen canh tác của nông dân từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa gắn với phương thức sản xuất an toàn.

…Đến ba giải pháp trọng tâm

Thực tiễn việc triển khai ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp nước ta thời gian gần đây cho thấy chủ thể triển khai phát triển NNCNC phải là các doanh nghiệp, các HTX, tổ hợp tác và các hộ nông dân, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò tiên phong vì có điều kiện tài chính để thường xuyên đổi mới công nghệ, sản phẩm, áp dụng hệ thống quản lý khoa học và xây dựng thương hiệu gắn với thị trường tiêu thụ, hỗ trợ nông dân tiếp cận tốt với các công nghệ và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, định hướng thị trường và liên kết với nông dân.

Để mở rộng quy mô sản xuất, hộ nông dân cần liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, để bảo đảm sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ.

Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp cần phù hợp với yêu cầu sinh thái của đối tượng cây trồng vật nuôi và bảo đảm khai thác tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu từng địa phương; việc quy hoạch sản phẩm, quy hoạch và sử dụng đất đai cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng phải bảo đảm phù hợp với điều kiện sinh thái, phát huy lợi thế cạnh tranh của từng địa phương, ổn định đời sống, bảo vệ lợi ích của người nông dân.

Để mở rộng các mô hình NNCNC, cần hoàn thiện chính sách, tạo môi trường thuận lợi nhất thúc đẩy phát triển ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp; xã hội hóa tối đa đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp và các tổ chức khoa học công nghệ, thu hút các nguồn đầu tư nước ngoài; liên kết chặt chẽ giữa sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; các địa phương cần triển khai quy hoạch và quản lý tốt quy hoạch.

Trên thực tế, nhiều chuyên gia cho rằng, thời gian tới ngành nông nghiệp cần tập trung vào ba giải pháp sau.

Thứ nhất, Bộ NN và PTNT tiếp tục tập trung thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng ưu tiên tập trung ba trục sản phẩm (nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia; nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh/thành phố và nhóm sản phẩm vùng/miền). Triển khai đồng bộ các giải pháp đột phá nhằm cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Hoàn thiện cơ chế chính sách, tăng cường nghiên cứu chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ.

Hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Quyết định về tiêu chí thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giao thẩm quyền công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho UBND các tỉnh, thành phố hoàn thiện dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, trình Chính phủ xem xét ban hành.

Thứ hai: Các bộ, ngành liên quan tiếp tục triển khai các giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển NNCNC như hoàn thiện các văn bản pháp luật để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn như: hoàn thiện chính sách đất đai, tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm vay vốn ngân hàng… đẩy mạnh xúc tiến mở rộng thị trường; tích cực đàm phán tháo gỡ các rào cản thương mại để thúc đẩy tiêu thụ nông sản; hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam; khuyến khích phát triển NNCNC, nông nghiệp sạch…

Thứ ba: Các địa phương chủ động, tích cực trong huy động nguồn lực đầu tư phát triển NNCNC, khuyến khích hình thức hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để xây dựng thị trường ổn định cho sản phẩm nông nghiệp; chủ động ban hành các chính sách, cải cách nền hành chính tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư từ doanh nghiệp đầu tư vào NNCNC.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo huy động gói tín dụng thương mại 100 nghìn tỷ đồng, khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, với lãi suất cho vay thấp hơn từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn.

Kim Bảng - Báo nhân dân