Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Grab thử nghiệm dịch vụ trực thăng ở Indonesia để giảm tắc đường

Grab muốn sử dụng trực thăng để tăng cường khả năng di chuyển tại Jakarta, một trong những thành phố bị tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng nhất thế giới.

Ridzki Kramadibrata (trái), Giám đốc điều hành Grab Indonesia và Mediko Azwar, Giám đốc tiếp thị Grab trong lần sử dụng dịch vụ trực thăng tại Jakarta hồi tháng 6.2017

Anthony Tan, Giám đốc điều hành kiêm đồng sáng lập Grab, trong một cuộc phỏng vấn với CNBC cho biết, công ty đang trong quá trình thử nghiệm dịch vụ trực thăng GrabHeli với mục đích tránh những vấn đề giao thông ở Jakarta, thủ đô Indonesia.

Dịch vụ này đã được áp dụng với một số người dùng chọn lọc ở Indonesia hồi tháng 6.2017, như một phần trong lễ kỷ niệm 5 năm hoạt động của Grab.

“Có những nơi mà giao thông rõ ràng là một vấn đề lớn với mọi người. Ngay cả các chính phủ cũng chia sẻ rằng tình trạng ách tắc giao thông đã tiêu tốn hàng tỉ USD trong GDP hằng năm”, ông Tan nói.

Và Indonesia là một trong những nơi như thế. Theo TomTom Traffic Index (một chỉ số về giao thông), tình trạng tắc nghẽn đường sá Jakarta đã làm kinh tế đất nước phải tiêu tốn 65.000 tỉ rupiah mỗi năm, tương đương khoảng 4,87 tỉ USD. Người đi làm ở Jakarta thường phải mất thêm 48 phút mỗi ngày vào giờ cao điểm giao thông.

Mặc dù các dịch vụ hiện tại của Grab và cả GrabHeli đều chung mục tiêu giải quyết vấn đề giao thông, nhưng GrabHeli còn được sử dụng để nâng tầm trải nghiệm cao cấp cho người dùng.

“Có những người ở phân khúc cao hơn không muốn nhảy lên một chiếc xe máy, dù có được miễn phí đi chăng nữa. Nhưng họ lại sẵn sàng trả phí để được bay qua các mái nhà”, ông Tan cho hay.

Được biết, Grab không phải là công ty duy nhất có những dịch vụ sử dụng các phương tiện giao thông phi truyền thống. Trước đó, vào năm 2015 Uber đã thử nghiệm dịch vụ trực thăng UberCopter và UberChopper tại một số thành phố, bao gồm Cannes, Sao Paulo và New Delhi, nhưng chưa tiến hành khai thác thương mại.

Theo ông Tan, hiện vẫn chưa rõ đến khi nào GrabHeli mới chính thức hoạt động thường xuyên trên bầu trời, vì điều này còn phụ thuộc vào những quy định hàng không cũng như nhu cầu của người sử dụng Grab. “Nếu các điều luật hàng không được mở rộng và phân khúc người dùng cao cấp sẵn sàng trả tiền, vậy thì tại sao lại không?”, CEO Grab nói.

Phương Anh - Báo Thanh niên