Ô tô chạy bằng... rượu
Một chiếc Ford Focus sử dụng nhiên liệu từ phụ phẩm trong quá trình sản xuất rượu whiskey đã vận hành trơn tru tại Scotland vừa được giới thiệu.
Loại nhiên liệu sinh học này được gọi là biobutanol. Cha đẻ của nó là startup chuyên về công nghệ vi sinh mang tên Celtic Renewables và nhà máy rượu Tullibardine.
Công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Scotland này là nơi đầu tiên trên thế giới thành công trong việc sản xuất nhiên liệu sinh học từ phụ phẩm trong quá trình sản xuất rượu whiskey. Celtic Renewables đang lên kế hoạch sản xuất hàng triệu lít "xăng whiskey" mỗi năm.
Biobutanol được tạo ra từ bã lúa mạch và bã rượu trong quá trình ủ whiskey và nó được chiết xuất từ phế phẩm còn sót lại sau quá trình lên men. Trả lời hãng tin BBC, nhà sáng lập đồng thời là Chủ tịch HĐQT Celtic Renewables - GS. Martin Tangney cho hay: "Quá trình chưng cất biobutanol là sự kết hợp giữa chất rắn và lỏng, cùng với phương pháp lên men, hoàn toàn khác so với cách thức truyền thống vốn được biết đến với tên gọi là ABE".
Cuộc chạy thử với "xăng whiskey" đã diễn ra tại Trường Đại học Napier, thủ đô Edinburgh của Scotland. Tập đoàn xe hơi tư nhân lớn nhất Scotland - Arnold Clark đã cung cấp một chiếc Ford Focus cho cuộc thử nghiệm này.
Các kỹ sư tại Arnold Clark đã rút hết xăng của chiếc Ford vào đêm trước buổi kiểm tra và sau khi kết thúc thử nghiệm đã xác nhận rằng loại năng lượng sinh học này hoàn toàn phù hợp với động cơ đốt trong.
Điều thú vị là biobutanol có thể được đưa vào sử dụng ngay lập tức cho ô tô mà không cần phải trải qua bất kỳ chỉnh sửa nào. Đây là lần đầu tiên trên thế giới một chiếc xe hơi có thể vận hành mượt mà bằng phụ phẩm trong quá trình sản xuất rượu whiskey.
Phóng viên BBC Scotland Lisa Summersđã có cơ hội làm hành khách trên chiếc xe thử nghiệm cho biết, không cảm thấy có bất kỳ sự khác biệt nào giữa chiếc Ford chạy bằng "xăng whiskey" với chạy xăng thông thường.
Theo trang web của Celtic Renewables, biobutanol có thể thay thế trực tiếp cho xăng và dầu diesel, từ đó giúp giảm thiểu sử dụng nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường đang chiếm lĩnh thị trường thế giới hiện nay.
Biobutanol chẳng những sẽ đóng vai trò như một loại năng lượng sạch mà còn góp phần ổn định giá xăng dầu, đặc biệt tại các vùng xa xôi, hẻo lánh, nơi có các nhà máy sản xuất whiskey.
Ngành công nghiệp chế biến whiskey tại Scotland thải ra gần 750.000 tấn bã lúa mạch và xấp xỉ 2 tỷ lít bã rượu mỗi năm. GS. Martin Tangney cho biết, lượng phụ phẩm này không đem lại bất kỳ giá trị kinh tế nào, cho nên khi trở thành nguồn cung cấp nguyên liệu thô để sản xuất biobutanol là lợi đơn lợi kép. Đó chính là lý do khiến Celtic Renewables có thể tự tin vào việc chiết xuất biobutanol với số lượng lớn, giá thành phải chăng.
Đây không chỉ là tin vui dành cho quê nhà Scotland của GS. Martin Tangney mà còn là tín hiệu đáng mừng cho nhiều nước khác, nhất là Ấn Độ. Bởi bắt đầu từ năm 2016, quốc gia này đã trở thành nơi xuất khẩu whiskey nhiều thứ ba thế giới với hơn 41 triệu thùng mỗi năm.
Theo Whisky Invest Direct, mỗi năm Hoa Kỳ đã sản xuất xấp xỉ 37 triệu thùng whiskey, Canada là 21 triệu thùng và Ireland là 7 triệu thùng. Rõ ràng nguyên liệu để sản xuất "xăng whiskey" là rất lớn.
GS. Martin Tangney còn tự tin dự báo, sản xuất biobutanol có thể trở thành mô hình kinh doanh đáng giá hàng tỷ bảng Anh và hơn hết góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ môi trường.
Về phía hãng rượu Tullibardine, quản lý John Torrance cho hay, đây là "một cuộc cách mạng trong sản xuất nhiên liệu từ phế phẩm". Ông nói: "Chúng tôi vô cùng vui mừng được hỗ trợ sản xuất một sản phẩm hứa hẹn mang đến bước đột phá trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, giao thông vận tải và cả ngành công nghiệp whiskey thế giới".
Bước tiếp theo trong chương trình nhiên liệu sinh học của Celtic Renewables là đảm bảo đủ nguồn vốn để xây dựng dây chuyền sản xuất tại thành phố Grangemouth. May mắn thay, Chính phủ Scotland đã nhanh chóng tài trợ 9 triệu bảng Anh cho startup này để thành lập nhà máy mẫu.
Các loại nhiên liệu thay thế đang ngày càng được sự quan tâm từ giới sản xuất xe hơi. Hãng xe hơi Volvo của Thụy Điển đã công bố sẽ chỉ sản xuất ô tô với động cơ hybrid hoặc vận hành thuần túy bằng điện bắt đầu từ năm 2019.
Ford cũng đã có những động thái rõ rệt khi đưa ra các đề xuất đẩy mạnh phương tiện vận chuyển thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó là sự vươn lên mạnh mẽ của Tesla của nhà công nghệ Elon Musk.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, khi thế giới đang dần chuyển hướng sang tìm kiếm và sử dụng các loại nhiên liệu sạch, có thể tái tạo được thì cơ hội cho biobutanol càng lớn.
Lê Duy - Doanh nhân Sài Gòn