Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

TP.Hồ Chí Minh: Giảm phiền hà bằng công nghệ

Trong thời gian qua, TPHCM đã hiện đại hóa một số sản phẩm, dịch vụ nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, cải cách thủ tục hành chính, xem người dân là đối tượng phục vụ…

Anh Nguyễn Văn Hùng (ngụ phường Phước Long A, quận 9, TPHCM) kể: Điện kế gắn trong nhà. Ngày thường hai vợ chồng tui đi làm, mấy đứa nhỏ thì học bán trú. Nhà đóng cửa suốt. Nhiều bữa về nhà thì thấy tờ giấy của nhân viên ghi điện nhét ở khe cửa, yêu cầu gọi điện thoại thông báo gấp chỉ số điện tiêu thụ trong tháng. Chưa kịp nghỉ ngơi phải bắc ghế trèo lên rọi đèn xem điện kế rồi gọi điện báo… Tháng nào cũng tốn một cuộc điện thoại.

“Đi làm suốt, cuối tuần mới được nghỉ ngơi. Vậy mà nhiều hôm, cả nhà đang ngủ thì nhân viên ghi điện đến đập cửa ầm ầm đòi vào nhà ghi chỉ số điện, nhiều lúc cảm thấy rất ức chế”, anh Hùng nói.

Giảm phiền hà bằng công nghệ

Anh Hùng cho biết hơn nửa năm nay, từ khi được Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVN HCMC) thay điện kế cơ bằng điện kế điện tử, gia đình anh không còn bị nhân viên ghi điện “quấy rầy” như trước. “Tui không thấy nhân viên ghi điện đến, không hiểu mấy ổng lấy số liệu cách nào nhưng tiền điện đóng hàng tháng không tăng lên nên cũng yên tâm”, anh Hùng nói.

Theo ông Nguyễn Anh Vũ, trưởng Ban quan hệ cộng đồng EVN HCMC, tính đến cuối tháng 7/2017, tổng số khách hàng sử dụng điện toàn TPHCM là gần 2,7 triệu hộ dân, tăng 6,28% so với cuối năm 2016.

EVN HCMC đã triển khai nhiều công nghệ thu thập dữ liệu đo đếm từ xa thay thế việc đọc chỉ số bằng thủ công. Hệ thống này hoạt động dựa trên nguyên tắc mỗi công tơ sẽ được gắn một thiết bị truyền dữ liệu để truyền thông tin về hệ thống thu thập dữ liệu tập trung. 6 tháng đầu năm, EVN HCMC đã ứng dụng điện kế điện tử có tính năng đo xa cho hơn 10.000 khách hàng và dự kiến trong 6 tháng cuối năm sẽ đưa vào 95.000 điện kế đo từ xa.

Các khách hàng đã được trang bị điện kế điện tử và hệ thống đo xa dễ dàng theo dõi giám sát quá trình sử dụng điện của mình, có thể điều chỉnh việc sử dụng điện hiệu quả và tiết kiệm nhất, đồng thời có thể phát hiện và khắc phục kịp thời các trường hợp đo đếm bất thường.

EVN HCMC đang triển khai thực hiện giai đoạn 2017-2020 việc thay thế công tơ điện loại thường bằng công tơ điện đo xa và dự kiến hoàn tất vào năm 2022. Ngoài ra, EVN HCMC cũng đa dạng hóa hình thức chăm sóc khách hàng (CSKH), ứng dụng CSKH trên thiết bị di động, qua Zalo… Tính đến nay, đã có hơn 140.000 khách hàng đăng ký sử dụng tiện ích chăm sóc khách hàng trên Zalo.

Giải quyết thủ tục tại nhà dân

Một số phường tại TPHCM đã cử cán bộ trực tiếp đến nhà dân giải quyết thủ tục hoặc trả kết quả hành chính nhằm tạo sự thân thiện và giảm phiền hà cho người dân.

Ông Sản (61 tuổi, ngụ đường số 8, khu phố 4, phường Bình An, quận 2) kể: Tôi lên phường làm giấy khai sinh cho cháu ngoại. Mấy ngày sau, cán bộ phường gọi điện thoại hỏi tôi có ở nhà không để mang giấy khai sinh đến làm tôi rất bất ngờ. Đây là cách làm người dân rất đồng tình vì thân thiện, mang lại lợi ích thiết thực.

Hàng ngày tiếp nhận hồ sơ của người dân tại UBND phường, sau khi có kết quả, thay vì người dân phải đến nhận thì cán bộ tư pháp- hộ tịch phường Bình An trực tiếp đến từng nhà trả kết quả giải quyết hồ sơ đăng ký khai sinh, bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi... Gia đình nào có tang, UBND phường cử cán bộ tư pháp - hộ tịch đến hỗ trợ người nhà làm thủ tục khai tử và cấp giấy chứng tử ngay tại nhà.

Tại phường Phạm Ngũ Lão (quận 1), UBND phường cử cán bộ đến tận nhà dân hỗ trợ giải quyết hồ sơ nhận tiền hưu trí, tiền trợ cấp cho người cao tuổi... Theo ông Lê Hoài Trung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, thành phố đang tiếp tục đẩy mạnh rà soát và thực hiện ứng dụng các dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và mức độ 4 (người dân không phải đi đến tận nơi nộp, nhận kết quả - không có bất kỳ giấy tờ gì phải sao nộp. Tất cả được làm qua mạng internet). Hiện nay, TPHCM đã cung cấp 46 dịch vụ mức độ 4, có 426 dịch vụ mức độ 3. 

Cụ thể: Sở Kế hoạch và đầu tư triển khai hệ thống phục vụ đăng ký doanh nghiệp tại nhà. Người dân được hướng dẫn soạn thảo và hoàn chỉnh hồ sơ qua mạng, nộp hồ sơ và nhận kết quả tại nhà. Sở Thông tin Truyền thông cung cấp một số dịch vụ công mức độ 4 như xác nhận đủ điều kiện kinh doanh trò chơi điện tử, cấp phép trang thông tin điện tử, cấp phép họp báo, hội thảo có yếu tố nước ngoài, cấp phép nhập khẩu xuất bản phẩm không kinh doanh... với số lượng giải quyết lên đến hàng ngàn hồ sơ.

Theo UBND TPHCM, trong năm 2017, các đơn vị phải có 30-50% số thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Hết thời gian lận, ghi sai số điện

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Quang Trung, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội cho biết, EVN Hà Nội dự kiến trong năm 2017 sẽ thay hết toàn bộ công tơ 3 pha bằng công tơ điện tử. Tổng công ty đặt mục tiêu đến năm 2020 toàn bộ các quận nội thành sẽ được thay thế và lắp đặt công tơ điện tử.

Điểm đáng ghi nhận nhất của việc triển khai công tơ điện tử và hệ thống đo xa chính là tránh được tình trạng ghi nhầm số điện, gây phản ứng từ khách hàng. Về phía nhân viên ngành điện cũng tránh được tình trạng can thiệp vào công tơ của khách hàng, tránh được tình trạng bắt tay giữa nhân viên ghi chỉ số điện và khách hàng để gian lận số điện, giảm tổn thất điện cho ngành.

 “Khách hàng có thể tra cứu trực tuyến, tự tính toán mức độ sử dụng điện theo ngày, tuần, tháng. Với các đơn vị điện lực, công nhân ngành điện không phải đến đo và kiểm tra thủ công mà có thể lấy dữ liệu 30 phút/lần thay cho việc xuống hiện trường 1 tháng/lần như trước đây. Từ hệ thống đo xa phát hiện kịp thời các trường hợp có nguy có mất an toàn cung cấp điện ở từng khu vực.

Do vậy ngăn ngừa sự cố chủ quan mà trước đây phải xuống hiện trường mới phát hiện ra”, ông Trung nói. Dữ liệu thu thập còn giúp phát hiện ngay các khu vực quá tải điện áp, điện áp thấp để đảm bảo chất lượng điện áp phục vụ khách hàng đúng yêu cầu, tiêu chuẩn.           

Phạm Tuyên

Ứng dụng công nghệ hiện đại quản lý thu phí đỗ ô tô

Ngày 27/8, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết đã thống nhất chủ trương cho triển khai phương án thí điểm ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý thu phí đỗ ô tô.

Cụ thể, ứng dụng sẽ được triển khai trên đường Lê Lai (đoạn trước khách sạn New World) và đường Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu (cạnh chợ Bến Thành, Q.1) với quy mô dự kiến từ 150 - 170 ô đỗ xe được kẻ sát mép vỉa hè theo chiều lưu thông.

Công nghệ trên dùng camera kết hợp phần mềm phân tích hình ảnh, giúp việc nhận diện bãi đỗ, tìm kiếm ô đỗ xe trống trên nền bản đồ số, thanh toán cước phí đặt chỗ đỗ xe thông qua thiết bị ĐTDĐ với mức phí đỗ xe 5.000 đồng/lượt.

Huy Thịnh - Tiền phong