Chiêu thức copy đối thủ rồi ‘lấy thịt đè người’ của các ông lớn công nghệ
Google vừa cho ra mắt Feed, một phiên bản copy trắng trợn của News Feed trên Facebook, nhằm triệt hạ Facebook bằng chính tính năng của họ. Đây là một chiêu thức lợi hại, chưa bao giờ cũ của các ông lớn trong làng công nghệ.
Người dùng khi cần tìm kiếm thông tin, họ sẽ sử dụng đến Google, nhưng người ta vẫn dành phần lớn thời gian cho Facebook để theo dõi bạn bè, đọc tin tức.
Chính vì điều này khiến Facebook đang ngày càng hút quảng cáo của các doanh nghiệp, khiến cho Google không thể ngồi yên.
Để giữ chân người dùng trên ứng dụng di động của mình nhiều hơn, Google đã cho ra tính năng Feed, cung cấp những thông tin cần thiết về cuộc sống thường ngày như giao thông, thời tiết, tin tức,... nhằm kéo người sử dụng ở lại lâu hơn sau mỗi câu truy vấn tìm kiếm.
Google cũng muốn hướng người dùng nhiều hơn đến các sản phẩm trên di động của mình, họ dùng cách mà Facebook trước đây đã dùng, là cho hiển thị một thông báo nhỏ ở góc màn hình cung cấp đường link tải ứng dụng di động, nhằm tăng lượng người dùng của hãng trên các thiết bị di động.
Dù vẫn giữ vị trí thượng phong, nhưng tỷ lệ người dùng bấm vào các mẫu quảng cáo trên Google đã giảm đi 23% so với quý II của năm ngoái.
Thế nên bây giờ chính là lúc họ sử dụng chiêu thức và ý tưởng của Facebook để đánh lại chính Facebook.
Nhưng bản thân Facebook trước đó cũng dùng chiêu này để đè bẹp đối thủ cạnh tranh của mình là Snapchat. Vốn là ứng dụng mạng xã hội tạo nên xu hướng mới, Facebook cảm thấy đứng ngồi không yên và muốn thâu tóm nó từ khi còn trong trứng nước.
Tuy nhiên, Snapchat không đồng ý bán mình và hậu quả là họ nhận được sự cạnh tranh khốc liệt từ Facebook bởi chính những ý tưởng của mình.
Nhằm phát triển lượng khách hàng còn ít ỏi, Snapchat đã cho ra tính năng Story độc đáo được người dùng chào đón nồng nhiệt.
Thế nhưng không bao lâu sau, người dùng Instagram của Facebook cũng có được cái cảm giác hoan hỉ đó khi ứng dụng này có tính năng Stories hoàn toàn giống hệt Snapchat, thậm chí đến cả cái tên cũng không hề khác nhau.
Công ty của chàng tỷ phú trẻ Zuckerberg sau đó cũng sao chép nhiều ý tưởng từ Snapchat để tung ra những ứng dụng y hệt, dù không mấy thành công.
Tuy vậy, điều này cho thấy Facebook sẽ không bỏ qua bất cứ sáng tạo nào của các công ty đối thủ và dùng chính nó để đè bẹp những công ty xấu số đó.
Nhằm giữ ngôi vương trong lĩnh vực của mình, các công ty lớn sẽ không để mất thị trường vào tay những công ty nhỏ, nên họ sẽ mua lại hoặc sao chép ý tưởng của các công ty mới nổi để những công ty này mất đi sự cạnh tranh.
Điểm mấu chốt ở đây, là những công ty lớn với lượng người dùng khổng lồ, sẽ sao chép ý tưởng từ các công ty nhỏ và nhanh chóng triển khai đến thị trường to lớn của mình, những công ty nhỏ vốn đã ít ỏi người dùng nay lại càng hụt hơi khi bị lấy mất sáng kiến.
Nhìn lại những năm cuối của thế kỷ trước, Microsoft dưới sự lãnh đạo của Bill Gates là một tượng đài bất khả chiến bại khi họ tạo ra hàng loạt sản phẩm chất lượng từ hệ điều hành, ứng dụng văn phòng hay trình duyệt web. Không một mảng nào họ bỏ qua.
Những đối thủ cùng thời phải rất khó khăn để tạo được những sản phẩm có thể cạnh tranh được, nhưng lại nhanh chóng bị Microsoft đè bẹp khi họ tung ra sản phẩm có tính năng tương tự và mời gọi khách hàng thân thiết của mình sử dụng nó.
Đây quả là một chiêu thức lợi hại và luôn luôn thành công khi được áp dụng bởi các gã khổng lồ công nghệ, với lợi thế thị trường rộng lớn có sẵn, họ dễ dàng triển khai bất cứ điều gì và đem lại thành công ngay lập tức, trong khi đó thì những công ty nhỏ sẽ trở nên lao đao vì bị cạnh tranh bởi chính ý tưởng của mình.
Những vụ việc tương tự vẫn xảy ra đều đặn từ hàng chục năm qua, cho thấy không có cách nào ngăn chặn được triệt để tình trạng này, những công ty nhỏ với ý tưởng đột phá hoặc sẽ bị mua lại, hoặc sẽ bị dìm cho đến chết bởi chính sáng tạo của mình.
Quang Niên