Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

“Thế hệ trẻ công nghệ” không giỏi công nghệ như vẫn tưởng

Một nghiên cứu mới đây cho thấy, những người sinh khoảng nửa sau những năm 1980 - gọi là “thế hệ công nghệ” - hóa ra không giỏi công nghệ như cái tên của họ.

Được gọi là “thế hệ công nghệ” bởi vì họ đã lớn lên cùng với sự bùng nổ của các công ty máy tính, internet, cho nên khả năng nắm bắt và ứng dụng tốt công nghệ của thế hệ này được coi là điều hiển nhiên.

Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây của Paul Kirschner và Pedro De Bruyckere ở Hà Lan đã bác bỏ luận điểm trên bằng cách chỉ ra rằng những người trẻ hiện nay cũng không quá am hiểu về công nghệ.

Thế hệ công nghệ cũng chỉ có thể tìm kiếm, truy cập thông tin cơ bản. Kiến thức của họ cũng chỉ đủ để hoàn thành một số kỹ năng vi tính văn phòng, gửi email, tin nhắn điện thoại, tham gia mạng xã hội và lướt web.

Điều này cũng đúng đối với các bạn trẻ sinh ra vào khoảng những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI. Dù có sử dụng nhiều loại công nghệ khác nhau, họ cũng chỉ sử dụng chủ yếu cho mục đích cá nhân và giải trí hơn là tạo ra các giá trị mới, tương tác với mọi người hay chia sẻ thông tin.

Hai nhà nghiên cứu này còn nhấn mạnh rằng những kỹ năng và năng lực này cũng chỉ là những điều cơ bản mà bất cứ ai cũng phải học tập và rèn luyện thường xuyên để thuần thục.

Nghiên cứu của Paul Kirschener và Pedro De Bruyckere còn kết luận rằng những người trẻ tuổi thực ra khả năng làm việc ‘đa nhiệm’ cũng không giỏi hơn các thế hệ trước, dù họ có rất nhiều công cụ phần mềm hỗ trợ quản lý ‘đa nhiệm’.

Điều này cũng phù hợp với một số tài liệu gần đây đã chứng minh, do cấu trúc của cơ quan nhận thức trong bộ não có giới hạn nên khả năng ‘đa nhiệm’ của con người rất kém.

Một vài người có thể nhạy bén và khá giỏi trong việc chuyển đổi giữa các tác vụ nhanh chóng, nhưng thống kê lại, việc chuyển đổi đó đa phần là gây ảnh hưởng xấu đến năng suất làm việc.

Cuối cùng, để có thể đi đến một câu trả lời chính xác về độ thành thạo của giới trẻ trong việc tận dụng công nghệ trong cuộc sống và công việc, các nhà hoạch định chính sách giáo dục cần có thêm những nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa.

Khánh Vũ