Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh

View Original

Long An ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Ðể đạt mục tiêu đến năm 2020 có các vùng chuyên canh sản xuất những sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của địa phương như lúa cao sản, thanh long, chanh, rau màu và chăn nuôi, ngành nông nghiệp tỉnh Long An đang tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC).

Từ trồng lúa chất lượng cao…

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Văn Hoàng cho biết: Ðể nâng cao chuỗi giá trị hàng nông sản, tỉnh Long An đã xây dựng “Ðề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.

Mục tiêu là giúp nhà nông giảm giá thành sản xuất, tăng năng suất, tăng thu nhập, phát triển ổn định và thân thiện với môi trường.

Qua gần một năm triển khai thực hiện đề án, tỉnh Long An đã đạt được nhiều kết quả rất thiết thực. Cụ thể, toàn tỉnh hiện có hơn 30% trong số 233 nghìn héc-ta đất trồng lúa chất lượng cao và theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó có 1.500 ha lúa ƯDCNC với 500 ha áp dụng máy cấy, 1.000 ha ứng dụng tia la-de để san phẳng mặt ruộng.

Ngoài ra, 20 nghìn héc-ta đất nông nghiệp của 8.141 hộ tham gia trồng lúa theo mô hình cánh đồng lớn, ƯDCNC đã được 16 doanh nghiệp tham gia bao tiêu sản phẩm.

Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Gò Gòn (ấp Gò Gòn, xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng) Trương Hữu Trí cho biết: “Nông dân trồng lúa trong cánh đồng lớn không phải tốn nhiều công sức.

Bởi, từ khâu làm đất đến thu hoạch đều sử dụng công nghệ máy móc, vật tư ứng dụng vào sản xuất thân thiện môi trường cho nên đã kéo giảm giá thành, tăng lợi nhuận.

Hiện tại, 149 hộ dân tham gia canh tác 1.164 ha do HTX tổ chức rất phấn khởi do lợi nhuận luôn cao hơn hộ sản xuất cá thể từ hai đến ba triệu đồng/ha/vụ. Vụ đông xuân 2016 - 2017, toàn bộ 1.100 tấn “Gạo sạch Gò Gòn” của HTX đã được một công ty xuất khẩu gạo bao tiêu và xuất khẩu sang Mỹ”.

… đến chuyên canh rau, quả xuất khẩu

Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Nguyễn Văn Thình chia sẻ: Ðể thực hiện thành công kế hoạch 2.000 ha trồng thanh long ƯDCNC, ngành nông nghiệp huyện đã triển khai xây dựng bốn mô hình nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh của trái thanh long gắn với quy trình sản xuất đạt chứng nhận GAP.

Ðến nay, toàn huyện đã có hơn 125 ha thanh long được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Năm nay, huyện sẽ thực hiện 685 ha thanh long ƯDCNC tại các xã, với 1.848 hộ tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và áp dụng mô hình tưới tiết kiệm…

Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX thanh long Tầm Vu (thị trấn Tầm Vu, Châu Thành) Trương Quang An, thời gian qua, nông dân trồng thanh long canh tác theo đúng chuỗi giá trị liên kết cho nên được HTX bao tiêu toàn bộ sản phẩm, với giá thu mua cao hơn giá thị trường từ 3.000 đến 5.000 đồng/kg.

Hiệu quả của việc ƯDCNC vào quá trình sản xuất đã giúp giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng tính bền vững với môi trường. Hiện sản phẩm thanh long Tầm Vu đã xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, Xin-ga-po, Thái-lan...

Trong khi đó, sau thời gian tham quan nhiều nơi, thấy mô hình ƯDCNC vào sản xuất cây ăn trái cho hiệu quả cao, nông dân Lê Văn Trung, ấp 4, xã Thạnh Lợi (huyện Bến Lức), đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới tự động cho toàn bộ diện tích chuyên canh 9 ha chanh theo tiêu chuẩn VietGAP.

Hiện vườn chanh hơn hai năm tuổi của gia đình anh Trung đang cho trái, và với giá chanh bình quân ở mức 20 nghìn đồng/kg thì sang năm thứ ba, anh sẽ thu hồi vốn, năm thứ tư sẽ thu lãi cao.

“Ứng dụng công nghệ tưới tự động giúp tiết giảm chi phí lao động, chỉ tốn khoảng một triệu đồng/9 ha/ngày cho việc tưới nước. Ưu điểm của ứng dụng công nghệ tưới phun là chủ động được thời gian, tưới cùng lúc, kịp thời rửa sạch nếu gặp thời tiết có sương muối” - anh Trung cho biết.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An, cây chanh là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh, đứng thứ ba sau lúa gạo và thanh long. Thời gian qua, cây chanh đã giúp nông dân trong tỉnh thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhanh chóng.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 6.000 ha trong số 8.400 ha đang cho trái, sản lượng ước đạt hơn 110 nghìn tấn/năm. Trong đó, có gần 50% sản lượng chanh đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, được 35 cơ sở và hai HTX tổ chức sản xuất, thu mua xuất khẩu sang Thái-lan, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po, Liên hiệp châu Âu (EU), Trung Quốc và các nước Trung Ðông, với giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 45 triệu USD/năm.

Thu hút các nguồn lực đầu tư

Long An phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 20 nghìn héc-ta cánh đồng lớn trồng lúa cao sản ở các huyện thuộc vùng Ðồng Tháp Mười; 2.000 ha thanh long ở huyện Châu Thành; 3.000 ha rau tại huyện Cần Giuộc, huyện Ðức Hòa, TP Tân An. Ngoài ra, để phát huy thế mạnh của cây chanh, Long An đã xây dựng đề án “Sản xuất và tiêu thụ chanh thương phẩm” gắn ƯDCNC trong vùng chuyên canh đến năm 2020 là 10.000 ha.

Bên cạnh đó, tỉnh đang đẩy mạnh phương án vận động, hỗ trợ nông dân ƯDCNC trong chuyên canh rau màu để từng bước tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích, bảo đảm sức khỏe người trồng và người tiêu dùng tập trung ở hai huyện Cần Giuộc và Cần Ðước như: xây dựng các nhà lưới, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; hướng dẫn nông dân những kỹ thuật mới như trồng theo phương pháp thủy canh và bón phân hữu cơ, hệ thống tưới nước tiết kiệm,…

Riêng đối với ngành chăn nuôi, việc ƯDCNC bắt đầu được quan tâm từ năm 2004 và đến nay đã có khoảng 15% số gia trại chăn nuôi lợn được áp dụng phương pháp “chuồng lồng”, trang bị hệ thống phun sương làm mát, núm nước uống và máng tự động; 15% số hộ chăn nuôi bò sữa tại các huyện Ðức Hòa, Ðức Huệ có trang bị máy vắt sữa; hộ chăn nuôi gà, nuôi lợn cũng đã ứng dụng công nghệ đệm lót sinh học vào sản xuất...

Dự kiến đến cuối năm 2020, thu nhập của người dân khu vực nông thôn của tỉnh sẽ tăng gấp 1,6 lần so với năm 2016, đạt mức khoảng 49 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo dưới mức 3% theo tiêu chí mới; hơn 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, và có ít nhất một huyện đạt chuẩn nông thôn mới…

Ðể đạt mục tiêu đề ra, tỉnh Long An đang đẩy mạnh thu hút nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế tham gia phát triển nông nghiệp ƯDCNC, nhất là ưu tiên về công nghệ sinh học, công nghệ thâm canh, chế biến sau thu hoạch, công nghệ thông tin và tự động hóa.

Hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia chuỗi giá trị các trang thiết bị cần thiết thực hiện kiểm định nhanh tại hiện trường để tự giám sát chỉ tiêu về an toàn thực phẩm, thiết kế bao bì, tem nhận diện sản phẩm, quảng bá và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Ðẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm công nghệ sinh học Ðồng Tháp Mười để làm đầu mối cung cấp dịch vụ ươm công nghệ mới trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác… xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu cho các sản phẩm nông sản chủ lực và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đăng ký chỉ dẫn địa lý cho các đặc sản nông sản.

Nâng cao năng lực, hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại trên cơ sở tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và đánh giá tình hình thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại.

Tổng kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức đại diện nông dân và hộ nông dân tham gia thực hiện cánh đồng lớn gắn với cơ cấu lại nông nghiệp giai đoạn 2017 - 2020 là hơn 213 tỷ đồng.

Thanh Phong - Nhân dân