Công bố truy xuất nguồn gốc điện tử nhiều nông sản

Sáng 12-9, Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai đã công bố hơn 100 cơ sở và dòng nông sản an toàn của tỉnh được truy xuất nguồn gốc điện tử. Đây là địa phương thứ tư trong cả nước (sau TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và TP Đà Nẵng) triển khai ứng dụng hệ thống minh bạch thông tin về nguồn gốc nông sản an toàn, nhằm nâng cao tính cạnh tranh, tiêu thụ sản phẩm nông sản của địa phương.

Dứa an toàn xuất khẩu ở Mường Khương (Lào Cai)

Dứa an toàn xuất khẩu ở Mường Khương (Lào Cai)

Ông Vương Tiến Sỹ, Chi cục trưởng Quản lý chất lượng Nông, lâm sản và thủy sản Lào Cai cho biết, đây là phần mềm quản lý sản phẩm từ khi sản xuất, đóng gói đến khi có mặt trên kệ hàng hóa đến với người tiêu dùng (NTD) thông qua dán tem nhận diện sản phẩm.

Trước mắt, tỉnh Lào Cai thực hiện minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc điện tử đối với hơn 100 dòng sản phẩm nông nghiệp an toàn, của 16 doanh nghiệp và hợp tác xã. Đó là: cá nước lạnh và nấm hương Sa Pa, thịt trâu sấy Bảo Yên, lợn đen Bắc Hà, gạo Séng Cù và tương ớt Mường Khương, miến đao Bát Xát…

Theo đó, bằng điện thoại thông minh (smartphone, truy cập appstore với máy chạy bằng hệ điều hành ios và google play với hệ android) NTD đăng nhập và khai báo tên, số điện thoại. Tiếp đó, đặt điện thoại trước sản phẩm để chụp và quét mã code sẽ thấy trên giao diện thiết bị hình ảnh và thông tin về sản phẩm như nơi sản xuất, giấy chứng nhận và kênh phân phối. Bên dưới màn hình còn có thông tin cơ sở sản xuất chịu trách nhiệm.

Sản phẩm tương ớt đặc sản của huyện Mường Khương (Lào Cai)

Sản phẩm tương ớt đặc sản của huyện Mường Khương (Lào Cai)

Thông thường những thông số qua mã code, mã vạch chỉ cung cấp tên sản phẩm. Còn thông tin về giấy chứng nhận, quy trình sản xuất, lịch sử... của sản phẩm thì người tiêu dùng hoàn toàn không được cung cấp. Từ đó không thể đưa ra ý kiến, phản hồi với nhà sản xuất.

Chính vì vậy, việc truy xuất nguồn gốc điện tử cho cơ sở sản xuất và nông sản an toàn sẽ giúp nhà quản lý giám sát, cung cấp thông tin đến sản phẩm và cung cấp được thông tin cho người tiêu dùng.

Cá hồi Sa Pa

Cá hồi Sa Pa

Việc ứng dụng hệ thống này sẽ giúp minh bạch thông tin sản phẩm, tăng cường công tác quản lý chất lượng nông sản và ngăn chặn hàng giả, hàng “nhái”. Qua đó, góp phần làm tăng giá trị nông, thủy sản và tăng năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản và DN sản xuất, kinh doanh nông sản ở Lào Cai.

Thời gian tới, Chi cục Quản lý chất lượng Nông, lâm sản và thủy sản Lào Cai sẽ phối hợp chính quyền, các đoàn thể và Hội người tiêu dùng ở chín huyện, thành phố tổ chức tập huấn cho NTD về cách sử dụng điện thoại để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hướng tới thay đổi nhận thức trong thói quen mua sắm, tiêu dùng của người dân.

Quốc Hồng - Báo Nhân dân

Tin tứcGuest Usertin tức