Tại sao Singapore không tồn đọng đơn đăng ký sáng chế?

Cơ quan Sở hữu trí tuệ Singapore (IPOS) là một trong số ít cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ (SHTT) trên thế giới không phải đối mặt với tình trạng tồn đọng đơn xin cấp bằng sáng chế. Mỗi năm, IPOS giải quyết dứt điểm 10.000 đơn.

IPOS_3.jpg

Khoa học trong quản trị đơn

Hệ thống SHTT của Singapore là hệ thống tự đánh giá. Luật về bằng sáng chế của nước này đã được sửa đổi (có hiệu lực từ năm 2014) để nó tiệm cận được với hệ thống cấp bằng sáng chế của Anh, Mỹ, Nhật và các nước châu Âu, trở thành một hệ thống cấp bằng tích cực.

IPOS chỉ nhận những đơn có đầy đủ các bản báo cáo kiểm chứng, đáp ứng yêu cầu về khả năng được cấp bằng theo điều 13 của Đạo luật về bằng sáng chế (chương 221). Yêu cầu này tạo điều kiện nâng cao chất lượng bằng sáng chế ở Singapore. Người đăng ký bảo hộ sáng chế có thể đăng nhập một cổng điện tử để nộp đơn trực tuyến.

Trước đây, đơn sau khi nộp được chia ra làm 3 tuyến xét duyệt chính: Tuyến trong nước, tuyến hỗn hợp và tuyến quốc tế. Tuy nhiên, theo Luật SHTT mới được sửa đổi vào tháng 2/2017, tuyến nước ngoài sẽ bị loại bỏ từ tháng 1/2020.

Tuyến xét duyệt trong nước là cuộc kiểm tra/tìm kiếm thêm thông tin được thực hiện bởi các chuyên gia về bằng sáng chế của IPOS. Thường người nộp đơn yêu cầu cả tìm kiếm và kiểm tra (xem nội dung mình đăng ký đã được bảo hộ trước đó hay chưa - PV).

Tuy nhiên, cũng có trường hợp, người nộp đơn chỉ yêu cầu tìm kiếm, không yêu cầu kiểm tra trong khoảng thời gian 13 tháng gần nhất; hay yêu cầu tìm kiếm và kiểm tra trong vòng 36 tháng, hoặc chỉ kiểm tra trong 36 tháng.

Các trường hợp thuộc tuyến xét duyệt hỗn hợp nếu người kiểm định bằng sáng chế thuộc IPOS, nhưng cứ liệu mà họ dựa vào để kiểm chứng lại là bản báo cáo tìm kiếm của một đơn xin cấp bằng tương tự. Các trường hợp thuộc tuyến xét duyệt quốc tế khi có yêu cầu điều tra bổ sung, dựa trên sự cho phép của một đơn tương ứng từ cơ quan sáng chế nước ngoài.

Tham gia các chương trình hợp tác quốc tế

Một trong các giải pháp giúp giảm thiểu thời gian xét duyệt đơn của Singapore là tham gia các hiệp định, thỏa thuận, đơn cử là chương trình Hợp tác kiểm chứng bằng sáng chế ASEAN (ASPEC). Chương trình này được khởi động năm 2009, bao gồm Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam và Brunei.

Theo đó, đơn xin cấp bằng sáng chế nếu đã trải qua quá trình kiểm tra và tìm kiếm thông tin ở một cơ quan SHTT là thành viên ASPEC thì được sử dụng kết quả này làm đối chứng khi xin cấp bằng sáng chế ở một nước thành viên ASPEC. Ngoài ra, toàn bộ quy trình từ nộp đơn tới kiểm chứng, trao chứng chỉ bảo hộ đều được thực hiện bằng tiếng Anh nên không cần bản dịch.

Việc tham gia chương trình Thí điểm khởi tố nhanh toàn cầu về bằng sáng chế (GPPH) vào cuối năm 2014 cũng giúp Singapore rút ngắn thời gian xét duyệt đơn. Theo chương trình này, người nộp đơn đã có bản báo cáo kiểm tra, tìm kiếm cần thiết từ một trong những cơ sở khởi tố nhanh toàn cầu về bằng sáng chế có thể yêu cầu một nước thành viên của GPPH kiểm tra nhanh.

“Việc tham gia GPPH giúp Singapore rút ngắn khoảng thời gian từ lúc nộp đơn tới lúc được bảo hộ chỉ còn 5 tháng, thậm chí ít hơn và số đơn được chấp nhận bảo hộ lên tới 90%” - trang web của Công ty luật Fisher Adams Kelly Callinans, Australia, nhận xét.

Mở các văn phòng hỗ trợ xử lý đơn

Mặc dù đã có nhiều biện pháp giúp giảm thời gian xét duyệt đơn, IPOS cũng sẽ không thể hoàn thành mục tiêu trở thành trung tâm SHTT thế giới, không thể giải quyết lượng công việc đồ sộ nếu không có một lực lượng nhân sự hùng hậu.

Ngoài IPOS, Singapore còn lập thêm nhiều cơ quan nhỏ, trực thuộc và chịu trách nhiệm xử lý đơn cùng IPOS. Các công ty luật chuyên về bằng sáng chế ở nước ngoài cũng có thể tham gia để cung cấp các dịch vụ về bằng sáng chế.

Bên cạnh đó, IPOS còn thiết lập thêm văn phòng đại diện tại thành phố tri thức Quảng Châu, Trung Quốc - một trong những quốc gia có số đơn xin bảo hộ lớn nhất thế giới - để vừa có thêm thông tin về các công nghệ mới, sáng tạo của thế giới, vừa giúp cho việc tra cứu thông tin sáng chế được thuận tiện hơn.

“Chúng tôi muốn giúp các nhà cung cấp dịch vụ SHTT kết nối với những công ty đổi mới sáng tạo của Trung Quốc và muốn thúc đẩy khả năng thích ứng của các sản phẩm/dịch vụ SHTT Singapore với các công ty Trung Quốc, từ đó cho họ thấy được sự năng động của khu vực Đông Nam Á” - ông Daren Tang - Giám đốc điều hành IPOS cho hay.

Tâm An - Khoa học phát triển

Tin tứcQuântin tức