Cây trồng công nghệ sinh học giúp tăng gần 600 triệu tấn nông sản

Trường ĐH Quốc tế (thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM) vừa tổ chức Hội thảo “Tác động kinh tế - xã hội và môi trường của cây trồng công nghệ sinh học (CNSH) trên toàn cầu. 

Tiềm năng, lợi ích cho việc ứng dụng tại Việt Nam”. Những thông tin tại hội thảo cho thấy cây trồng CNHS đã mang lại nhiều lợi ích cho nông dân trên toàn cầu.

15-57-17_cy_trong_cnsh.jpg

Theo TS Graham Brookes (Viện PG Economics, Anh), trong giai đoạn từ 1996 - 2015, việc đưa cây trồng CNSH vào sản xuất đại trà ở nhiều nước trên thế giới đã đem lại những hiệu quả không nhỏ về kinh tế, xã hội.

Cụ thể, cây trồng CNSH giúp giảm được 691 triệu kg thuốc trừ sâu (8,1%) và giảm các tác động tiêu cực tới môi trường khoảng 18,6%. Lượng thuốc trừ sâu giảm được như trên nhiều hơn tổng lượng hoạt chất thuốc trừ sâu mà Trung Quốc sử dụng trên cây trồng trong 1 năm (khoảng 475 triệu kg). Tác động tích cực nhất là từ việc phát triển cây bông kháng sâu bằng kỹ thuật chuyển gen, với lượng thuốc trừ sâu giảm được khoảng 269 triệu kg (giảm 29%) và giảm bớt 31% tác động bất lợi tới môi trường.

Cây trồng CNSH đã có những đóng góp không nhỏ vào việc giảm phát thải khí nhà kính, chủ yếu đến từ 2 yếu tố là nhiên liệu sử dụng ít hơn (phun thuốc ít hơn, làm đất ít hơn) và công nghệ kháng thuốc trừ cỏ cho phép áp dụng phương pháp canh tác không làm đất, qua đó giảm phát thải carbon trong đất.

Riêng trong năm 2015, việc giảm nhiên liệu sử dụng (phun thuốc ít hơn) tương đương với giảm 2,8 tỷ kg khí CO2; thực hành phương pháp ít làm đất/không làm đất giúp làm giảm 23,9 tỷ kg CO2 không phát ra từ đất vào môi trường. Tính ra, đã giảm tổng cộng 26,7 tỷ kg CO2 phát thải, tương đương giảm 11,9 triệu xe ô tô lưu thông trên đường.

Cũng trong giai đoạn 1996 - 2015, nhờ ứng dụng cây trồng CNSH mà sản lượng nông sản toàn cầu đã tăng thêm 573,8 triệu tấn. Trong đó, tăng cao nhất là ngô với 357,7 triệu tấn; đậu tương 180,3 triệu tấn; bông 25,2 triệu tấn và 10,8 triệu tấn hạt cải dầu. Nếu không sử dụng giống cây trồng CNSH, để có được sản lượng tăng thêm như trên, phải cần thêm 19,5 triệu ha, tương đương 31% diện tích đất canh tác của Brazil.

Một điều rất quan trọng là cây trồng CNSH đã làm tăng đáng kể thu nhập cho các nông hộ. Trong năm 2015, cây trồng CNSH đã làm tăng thêm 15,5 tỷ USD thu nhập nông hộ. Trong cả giai đoạn 1996 - 2015, cây trồng CNSH làm tăng thu nhập nông hộ trên toàn cầu thêm 167,7 tỷ USD.

Thu nhập nông hộ tăng thêm trong giai đoạn 1996 - 2015 chủ yếu nhờ tăng năng suất và giảm chi phí. Trong đó, 72% (tương đương với 120 tỷ USD) trong mức tăng thêm của thu nhập nông hộ là do tăng năng suất cây trồng, phần còn lại là do chi phí tiết kiệm được. Tăng năng suất cây trồng chủ yếu ở các nước đang phát triển và chủ yếu nhờ sử dụng công nghệ kháng sâu. Mức tăng năng suất trung bình tại tất cả các nước đối với cây ngô là 13,1%; bông 15%; đậu tương 9,3%…

Còn chi phí tiết kiệm được chủ yếu tại các nước phát triển và chủ yếu từ sử dụng công nghệ kháng thuốc trừ cỏ. Bên cạnh đó, công nghệ kháng thuốc trừ cỏ còn tạo điều kiện cho việc thực hành phương pháp canh tác không làm đất, cho phép trồng thêm cây trồng khác (đậu tương) trong cùng 1 vụ tại khu vực Nam Mỹ.

Tại Philippines, từ năm 2002 đã bắt đầu ứng dụng cây ngô chuyển gen kháng sâu, đến năm 2006 ứng dụng cây ngô chuyển gen kháng thuốc trừ cỏ và tổ hợp cả 2 tính trạng.

Năm 2015, cây ngô kháng sâu chiếm 25% diện tích và cây ngô kháng thuốc trừ cỏ là 27% diện tích. Thực tế sản xuất cho thấy cây ngô kháng sâu giúp tăng năng suất 18%, cây ngô kháng thuốc trừ cỏ tăng năng suất 5%; thu nhập nông hộ trồng cây ngô kháng sâu tăng thêm 115 USD/ha, trồng cây ngô kháng thuốc trừ cỏ tăng thêm 32 USD/ha.

Trong năm 2015, nhờ cây trồng CNSH, sản lượng ngô Philippines đã tăng thêm được 424.000 tấn; tổng thu nhập nông hộ tăng thêm trong giai đoạn 2002 - 2015 là 642 triệu USD.

Sơn Trang - Báo Nông nghiệp

Tin tứcQuântin tức