TPHCM triển khai thí điểm hệ thống cảnh báo ngập lụt tự động
Thông tin này được ông Ngô Võ Kế Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) cho biết tại Hội nghị quốc tế về hệ thống vi cơ điện tử (MEMS) và hệ thống cảm biến diễn ra tại TPHCM ngày 27/9.
Hội nghị với chủ đề “MEMS/IoT cho thành phố thông minh” do Trung tâm nghiên cứu triển khai SHTP phối hợp cùng Tổ chức MEMS JSPE (Nhật Bản) tổ chức.
Tại hội nghị, các chuyên gia đầu ngành trên thế giới đã trình bày, chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng MEMS để xây dựng thành phố thông minh và các công nghệ mới liên quan trong lĩnh vực này.
Nhiều ứng dụng đã được giới thiệu tại hội nghị như: ứng dụng hệ thống cảm biến trong kiểm soát về giao thông tại Nhật Bản; Tích hợp lưu trữ năng lượng cho IoT của Australia; MEMS trong lĩnh vực y sinh ở Hàn Quốc; Phương pháp thiết kế các chi tiết cho việc quang khắc bằng kỹ thuật in nano ở Nhật Bản,…
Ông Nguyễn Tấn Khoa thuộc phòng Quản lý khoa học Trung tâm Nghiên cứu triển khai SHTP cho biết, hệ thống quan trắc mực nước tự động nhằm cảnh báo ngập lụt bao gồm: Mạch điện truyền thông 3G và module cảm biến áp suất; Phần mềm quản lý dữ liệu tập trung và ứng dụng trên thiết bị di động. Trong đó, cảm biến áp suất do Trung tâm Nghiên cứu và triển khai SHTP nghiên cứu và chế tạo.
Khi có tình trạng ngập lụt do triều cường hoặc mưa, hệ thống này sẽ tự đo mực nước (5 phút/lần) và truyền dữ liệu về máy chủ. Sau khi phân tích dữ liệu nhận được ở các điểm ngập, phần mềm quản lý dữ liệu sẽ đưa ra thông tin cảnh báo ngập và lộ trình di chuyển cho người dân trên thiết bị di động.
Theo ông Khoa, hệ thống này sẽ được lắp đặt thí điểm trong tháng 10/2017 ở 15 điểm thường xảy ra ngập lụt tại 8 quận của TPHCM (Quận 2, 5, 6, 8, 9, Gò Vấp, Tân Bình, Thủ Đức).
SHTP cũng đang lắp đặt thử nghiệm hệ thống quan trắc nước thải tự động. Trong đó, SHTP đã Việt hóa được phần mềm quản lý dữ liệu và hướng tới làm chủ bộ lưu trữ dữ liệu. Bộ phận cảm biến của hệ thống hiện trung tâm này phải nhập từ nước ngoài, nhưng họ sẽ tiếp tục nghiên cứu để làm chủ công nghệ và tự sản xuất.
Ông Ngô Võ Kế Thành cho biết thêm, UBND TPHCM giao cho SHTP chủ trì Chương trình phát triển MEMS của thành phố. Theo đó, SHTP tập trung đào tạo nguồn nhân lực MEMS; Tiếp nhận những ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực MEMS trên thế giới để triển khai, tạo ra những sản phẩm trong nước, phục vụ xây dựng thành phố thông minh; Tăng cường hợp tác quốc tế để lĩnh vực MEMS trong nước được tiếp cận và phát triển nhanh, rút ngắn thời gian nghiên cứu.
Hiện nay, SHTP tập trung nguồn lực để phát triển các sản phẩm về MEMS. Do nguồn lực nghiên cứu trong nước còn hạn chế, nên SHTP sẽ phối hợp với các trường ở Đại học quốc gia TPHCM làm một chương trình cụ thể về MEMS, dựa trên nền tảng cùng phân chia công việc - ông Thành chia sẻ.
Vào tháng 10 tới, TPHCM bắt đầu thực hiện Đề án xây dựng TPHCM trở thành thành phố thông minh, thí điểm ở một số quận, huyện. Theo đó, đô thị mới Thủ Thiêm được xây dựng mô hình chung trong Đề án đô thị thông minh. Quận 1, 12 và các quận khác nếu đăng ký thì thành phố sẽ triển khai một số mô hình mẫu.
Kiều Anh - Khoa học phát triển