Châu Âu bảo vệ công nghệ chủ chốt trước làn sóng Trung Quốc

Liên Minh châu Âu (EU) đang soạn thảo các điều luật ngăn nước ngoài thâu tóm các công ty sở hữu những công nghệ quan trọng trước làn sóng thu mua từ Trung Quốc.

china-thau-tom-dpa-1504424873806.jpg

"Chúng tôi đã nghe được các lo ngại về những nhà đầu tư nước ngoài thuộc sở hữu nhà nước đang thâu tóm các công ty châu Âu nắm giữ những công nghệ chủ chốt. Đó không phải là một vấn đề đơn giản" - hãng tin Bloomberg ngày 2-9 dẫn lời bà Margrethe Vestager - Uỷ viên phụ trách cạnh tranh của EU.

Bà cho biết EU dự kiến sẽ đưa ra các đề xuất cứng rắn ngay trong mùa thu này.

Trước đó, vào tháng 7-2017, Đức đã triển khai các biện pháp nhằm ngăn các công nghệ tiên tiến lọt vào tay các nhà đầu tư nước ngoài sau khi tập đoàn Midea của Trung Quốc mua lại nhà sản xuất robot Kuka hồi năm ngoái. 

Thoả thuận gây nhiều lo ngại khi hoàn tất trót lọt mà không có sự phản ứng nào của chính quyền Đức hoặc EU.

Ngay sau hành động của Berlin, thủ tướng Anh Theresa May cũng cam kết sẽ có biện pháp tương tự. 

Một báo cáo chung của Đức, Pháp, Ý sau đó cũng kêu gọi Brussels hành động trước các vụ thâu tóm "mang động cơ chính trị" của nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc.

Các lo ngại lớn dần theo cơn sốt đầu tư từ các công ty Trung Quốc tại châu Âu tăng theo cấp số nhân chỉ trong vài năm qua. 

Đầu tư trực tiếp của Bắc Kinh tại châu Âu hầu như chẳng có gì vào năm 2009 nhưng nhanh chóng nhảy vọt lên 13 tỉ euro năm 2014. Con số tiếp tục tăng gấp đôi vào năm 2015 và đạt đỉnh điểm 35 tỉ euro năm ngoái.

Đáng lo hơn khi xu hướng đầu tư của Trung Quốc chuyển từ đầu tư thu lời nhanh sang thâu tóm các công ty công nghệ cao, có tính sáng tạo của châu Âu. Nhiều công ty phát triển các công nghệ có thể áp dụng trực tiếp cho quân đội, theo báo Straits Times.

Phần lớn các vụ thâu tóm, khoảng 70%, là do các công ty thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc, theo Viện nghiên cứu Mercator có trụ sở tại Đức. 

Báo Straits Times liệt kê một ví dụ khiến người ta phải nghi vấn khi công ty ChemChina, trụ sở ở Bắc Kinh, dù vướng khoản nợ lớn gấp 9,5 lần doanh thu hàng năm nhưng có thể xoay sở 44 tỉ USD để thâu tóm công ty công nghệ sinh học Syngenta của châu Âu!

Theo hãng tin Bloomberg, chính quyền các nước châu Âu có quyền can thiệp nếu thoả thuận liên quan đến lợi ích quốc gia như quốc phòng, năng lượng, ổn định tài chính và an ninh.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều lỗ hổng trong quy định ngăn chặn. Chẳng hạn tại Đức, chính quyền hầu như không hay biết điều gì đang diễn ra bởi không có quy định nào bắt buộc các vụ thâu tóm của nước ngoài phải thông báo với nhà chức trách.

Ngoài ra, nhiều nước, đặc biệt là các thành viên nghèo hơn của EU, cũng ngần ngại ngăn cấm mạnh tay bởi sợ chọc giận các nhà đầu tư Trung Quốc.

Trần Phương - Tuổi trẻ

Tin tứcQuântin tức